Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh, yêu cầu mới


Cùng với sự vận động của quá trình đổi mới tư duy kinh tế, Đảng đã nhìn nhận ngày càng sáng rõ hơn những mặt tích cực và sự tồn tại khách quan của cơ chế thị trường trong nền kinh tế nước ta thời kỳ quá độ. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng tiếp tục khẳng định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nội dung trọng tâm, cần phải được quán triệt cả về nhận thức và hành động.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường

Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, cần tiếp tục thống nhất và nâng cao nhận thức về nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), đồng thời nêu rõ nội hàm của KTTT định hướng XHCN: KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước (KTNN) giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân (KTTN) là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển kinh tế thị trường của nước ta và nâng cao chất lượng thể chế là yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới. Theo đó, cần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Nội dung này đã nêu rõ nội hàm của KTTT định hướng XHCN của nước ta và trên cơ sở đó nhấn mạnh những nội dung quan trọng của nội hàm này, để từ đó thống nhất cách hiểu và thực hiện.

KTNN được khẳng định là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng điều tiết dẫn dắt thúc đẩy phát triển KT-XH, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Đây là chức năng quan trọng của KTNN, đồng thời cũng là điểm đặc trưng, tiến bộ của KTTT định hướng XHCN.

Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết phối hợp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững. Cùng với đó, KTTN được khẳng định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được hỗ trợ thành lập các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Điểm mới trong mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường đã được bổ sung thêm nhân tố “xã hội”. Nhà nước thực hiện chức năng xây dựng và quản lý thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường; Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý nhà nước về kinh tế theo hướng chuyển giao những công việc Nhà nước không nhất thiết phải làm cho các tổ chức xã hội, chuyển đổi cung cấp trực tiếp dịch vụ công sang phương thức đặt hàng.

Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật.

Nâng cao chất lượng thể chế

Hoàn thiện đồng bộ thể chế KTTT, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển KTTT của nước ta và nâng cao chất lượng thể chế là yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới. Theo đó, cần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Quá trình chuyển sang KTTT vừa qua cho thấy, một trong những cản trở chính là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn chồng chéo. Đặc biệt, trước những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải có môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển. Vì vậy, cần xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới; Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; cải thiện nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường là yêu cầu tất yếu hiện nay. Đặc biệt là thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ, kể cả các dịch vụ công cơ bản, phân biệt rõ phúc lợi, ưu đãi hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực; Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức giao dịch văn minh, hiện đại, thương mại điện tử; Phát triển thị trường khoa học - công nghệ, phát triển đồng bộ thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm... trên nền tảng công nghệ số với kết cấu hạ tầng công nghệ và phương thức giao dịch hiện đại.

Trong bối cảnh mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu, phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản; thị trường quyền sử dụng đất; thị trường lao động, cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế thị trường, đồng thời, xử lý tốt những bất cập của cơ chế thị trường, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái... Tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN). Đối với DN nhà nước, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại DN, thúc đẩy đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và áp dụng chế độ quản trị DN hiện đại.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước. Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, DN nhỏ và vừa, kinh tế hộ trang trại trong nông nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển KTTN, coi KTTN là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Phát triển DN tư nhân Việt Nam lớn mạnh, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc của người lao động và tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện các trách nhiệm xã hội. Nâng cao hiệu quả các dự án đối tác công-tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng. Ưu tiên những dự án đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế

Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới của đất nước cho thấy, mở cửa, hội nhập quốc tế góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn đã đạt được. Đồng thời, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng cũng tạo áp lực để chúng ta cải cách thành công. Tuy nhiên, quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế cũng cho thấy, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Để hội nhập thành công phải có nội lực mạnh, đồng thời phải đa phương hóa, đa dạng hóa các đối tác, các thị trường để tránh rủi ro và lệ thuộc. Kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, cần nhận thức sâu sắc về hiệu quả của thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay, phải bảo đảm thu hút được công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường và làm tốt việc chuyển giao công nghệ, cũng như gắn kết giữa DN trong nước với các DN nước ngoài..

Hiện nay, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, độ mở của nền kinh tế nước ta được đánh giá là cao trên thế giới với tỷ trọng xuất, nhập khẩu trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) là hơn 200%. Việt Nam cũng tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới, cụ thể Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực và mới đây là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam, Anh và Bắc Ireland. Để tham gia các hiệp định này, Việt Nam đã căn bản hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu, chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ, giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối chiến lược phát triển kinh tế của đất nước; phát triển kinh tế Việt Nam lớn mạnh; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác.

Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, DN, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ am hiểu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế.

Tựu chung, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  cho thấy, nhận thức về KTTT định hướng XHCN của Đảng ta ngày càng hoàn thiện hơn, đồng thời, chỉ rõ những nội dung trọng tâm cần tiếp tục thực hiện để bảo đảm có nền KTTT hiện đại, đồng bộ, hội nhập quốc tế theo định hướng XHCN, phù hợp bối cảnh mới của nước ta hiện nay.      

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật, tập 1, 2021;

2. Hội đồng Lý luận Trung ương, Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021;

3. Chính phủ, Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

4. Đỗ Phú Thọ (2021), Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Báo Quân đội Nhân dân, ngày 01/04/2021;

5. Một số giải pháp triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025, Tạp chí Cộng sản.

(*) ThS. Nguyễn Quỳnh Trang - Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, Hưng Yên.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2021