Thanh toán điện tử thúc đẩy tốc độ số hóa nền kinh tế thị trường (*)


Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, việc ứng dụng một hình thức thanh toán mới thuận tiện hơn, an toàn hơn là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm, đó là thanh toán điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các phương thức thanh toán điện tử ngày một đa dạng như thanh toán qua mobile banking, ví điện tử… Mỗi hình thức thanh toán có ưu điểm riêng, có một vị trí phục vụ nhất định trong nhu cầu thiết yếu của người dùng và đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế số.

Thanh toán điện tử ra đời làm giảm được khối lượng tiền mặt trong lưu thông, tiết giảm được chi phí trong khâu in ấn, vận chuyển tiền, giảm được chi phí lao động xã hội. Bên cạnh đó, thanh toán điện tử giảm tải thất thoát, tốn kém và các rủi ro không mong muốn cho người sử dụng, đặc biệt khi giao dịch các sản phẩm, dịch vụ có giá trị lớn.

Người dùng hiện nay có xu hướng thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ mua sắm, giải trí, du lịch, trả tiền hóa đơn (điện, nước, viễn thông…). Xu hướng này giúp họ thanh toán nhanh chóng, an toàn dễ dàng theo dõi và kiểm soát chi tiêu, đồng thời giúp doanh nghiệp chuyên nghiệp hóa mô hình kinh doanh và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Việc phát triển thanh toán điện tử sẽ tạo nên nhiều người dùng số, doanh nghiệp số, các công ty khởi nghiệp công nghệ. Từ đó thúc đẩy tốc độ số hóa nền kinh tế thị trường.

Dịch COVID-19 đang đặt ra thách thức lớn cho đất nước, bởi nhiều hoạt động bị đình trệ. Nhưng thách thức cũng đi liền với cơ hội. Trên thực tế, khi dịch bệnh bùng phát, người dân đã có ý thức chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm. Đây chính là “cơ hội vàng” cho việc phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Khi thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, tất cả người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng. Đặc biệt là nhóm những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn về mặt phát triển kinh tế xã hội, giúp tăng “sức đề kháng”, sáng tạo, thích ứng nhanh, hồi phục nhanh, trước những hệ lụy khó lường do dịch COVID-19 gây ra.

(*) Lược trích ý kiến của ông Nguyễn Tuấn Lương – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Giải pháp Thanh toán Việt Nam trong bài "Cơ hội vàng" để phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt/baochinhphu.vn