Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa

PV.

Ngày 24/9/2021, Học viện Tài chính tiếp tục phối hợp với Đại học Greenwich, Vương quốc Anh, Viện kinh tế thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ tư: “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa”.

Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Học viện Tài chính.
Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Học viện Tài chính.

Việc phát triển một cách hài hòa giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế, phát triển xã hội trên cơ sở công bằng xã hội; phát triển con người và khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ, cải thiện môi trường sống là vấn đề bức thiết, có ý nghĩa sống còn đối với mọi quốc gia, dân tộc trên hành tinh.

Phát triển bền vững là định hướng chiến lược của các quốc gia trên thế giới trong thời đại cách mạng khoa học - công nghệ, cũng như trong bối cảnh của quá trình toàn cầu hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc thực hiện 3 mục tiêu chiến lược của phát triển bền vững mặc dù đã trở thành nhu cầu khách quan, tất yếu của xã hội nhưng quá trình thực hiện chiến lược đó không phải là dễ dàng, quan trọng là cần sự đóng góp chung của tất cả các nước trên thế giới để “biến chiến lược phát triển bền vững thành hiện thực trên phạm vi toàn cầu”.

PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo.
PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo.

Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những điểm yếu của toàn cầu hóa. Các biện pháp phong tỏa hoạt động kinh tế hay những chính sách ứng phó khẩn cấp khác để ngăn chặn dịch đã khiến hoạt động thương mại bất ngờ bị gián đoạn và một số chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy trong ngắn hạn.

Mặc dù có không ít những nghi ngại về sự bền vững của toàn cầu hóa, song nhiều chuyên gia phân tích vẫn đặt niềm tin rằng xu hướng hợp tác và hội nhập quốc tế là tiến trình khó có thể đảo ngược, nhất là khi các nước đang hướng đến mục tiêu vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch.

Tái cơ cấu chuỗi cung ứng, “hồi hương” các lĩnh vực thiết yếu, xây dựng khả năng chống đỡ những “cơn gió ngược” tiềm tàng được cho là những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách kinh tế của các quốc gia trong thời gian tới.

Ở Việt Nam, sự quyết tâm, đồng thuận và nâng cao việc quản lý của Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế, khai thác sử dụng hợp lí, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính quyết định. Đồng thời, Việt Nam cũng cần có sự phối hợp và hợp tác quốc tế trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững trong thế kỉ XXI.

Nhận thấy được tầm quan trọng của vấn đề này, Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo quốc tế thường niên: “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa”. Hội thảo đã thu hút đựợc sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học của các trường đại học, học viện, viên nghiên cứu… và có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu về kinh tế đến từ trong các cơ quan trong nước và quốc tế.

Các ý kiến tại Hội thảo đã cùng phân tích, nhận định và đánh giá, dự báo, đề xuất giải pháp… về phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa. Các ý kiến có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của toàn cầu, khu vực cũng như Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.