Đảm bảo các nhiệm vụ chi ngân sách trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm

Trần Huyền

Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội và cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác điều hành tài chính-ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách giảm do tác động của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo nhiệm vụ chi cho phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Thu ngân sách có xu hướng giảm

Tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ tháng 4/2021 và diễn biến rất phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện triệt để giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, 23 địa phương thực hiện giãn cách thời gian qua có số thu chiếm 70% tổng thu ngân sách nhà nước. Bối cảnh đó đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế xã hội và thu, chi ngân sách nhà nước.

Do ảnh hưởng dịch bệnh, diễn biến thu nội địa giảm dần qua các tháng: tháng 4 thu được 115,6 nghìn tỷ đồng (10,2% dự toán); tháng 5 thu được 85 nghìn tỷ đồng (7,5% dự toán); tháng 6 thu được 80,5 nghìn tỷ đồng (7,1% dự toán); tháng 7 thu được 114,4 nghìn tỷ đồng, nếu không kể 37 nghìn tỷ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý, thì chỉ thu được 77,4 nghìn tỷ đồng (6,8% dự toán); tháng 8 thu được 63,2 nghìn tỷ đồng (5,58% dự toán), giảm 14,2 nghìn tỷ đồng so với tháng 7 (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý).

Thu ngân sách nhà nước trên các lĩnh vực trong tháng 8/2021 đều giảm so với tháng 7/2021. Trong đó, thu nội địa tháng 8 chỉ đạt 63,2 nghìn tỷ đồng (5,58% dự toán), giảm 14,2 nghìn tỷ đồng; thu từ dầu thô ước đạt 3,3 nghìn tỷ đồng giảm 224 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 24 nghìn tỷ đồng, giảm 11 nghìn tỷ đồng so với tháng 7/2021.

Theo Bộ Tài chính, dự kiến trong các tháng tiếp theo, dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục ảnh hưởng làm sụt giảm số thu nội địa. Thêm vào đó, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng sẽ tiếp tục giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc ảnh hưởng làm giảm số thu ngân sách nhà nước nói chung.

Đảm bảo nguồn chi cho phòng, chống dịch và an sinh xã hội

Mặc dù nguồn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn nhưng Bộ Tài chính đã đề xuất, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nỗ lực đảm bảo nguồn cho phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo an sinh xã hội. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tính đến hết tháng 8/2021, ngân sách nhà nước đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch (17,2 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (1,6 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, trung ương đã chi 10,7 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch COVID-19; chi 5,1 nghìn tỷ đồng mua vắc xin phòng COVID-19 từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 chuyển sang; các địa phương đã chi 3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 là 2,55 nghìn tỷ đồng để mua vắc xin.

Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ quyết định triệt để tiết kiệm, để dành nguồn ưu tiên chi cho phòng, chống dịch COVID-19 như: cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19...

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển nguồn tiết kiệm 14.620 tỷ đồng bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho các bộ, cơ quan, địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các giải pháp tăng cường tiết kiệm chi ngân sách, bảo đảm nhiệm vụ chi cho phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế nhanh chóng. 

Mặc dù dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Tài chính vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021, kiên định thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.