Phát triển ngân hàng số ở Việt Nam hiện nay
Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của công cuộc chuyển đổi số, nhiều ngân hàng bắt đầu triển khai các dịch vụ ngân hàng số. Hầu hết các ngân hàng lớn đã đi qua giai đoạn số hóa cấp độ 1 và đang ở giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số, tích hợp nhiều kênh giao tiếp và quy trình số khác nhau để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm có tính “cá thể hóa” ở cấp độ 2.
Một số ngân hàng đã hoàn thiện hệ thống giao dịch tự động, ứng dụng một phần dữ liệu lớn như: BIDV, Vietcombank, Techcombank, TPBank… Một số ngân hàng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học máy và đưa các dịch vụ tư vấn tự động 24/7 thông qua các hội thoại trên website hoặc mạng xã hội của ngân hàng. Các ngân hàng BIDV, Techcombank, Vietcombank, TPBank, VPBank... đều đã hoàn thiện hệ thống giao dịch tự động, ứng dụng một phần dữ liệu lớn.
Các ngân hàng đang cung cấp các dịch vụ ngân hàng số như kiểm tra số dư, thanh toán hóa đơn, chuyển khoản, đặt vé máy bay với giao diện người dùng thân thiện, dễ sử dụng (iFast của Techcombank, E-mobile banking của Agribank...). Một số dịch vụ khác chỉ được 1 số ít ngân hàng cung cấp như đầu tư (Agribank, Techcombank), mua sắm trực tuyến (Agribank, Vietinbank), chuyển khoản qua mạng xã hội (Techcombank).
Nhiều ngân hàng đã thành lập khối, hoặc trung tâm ngân hàng số từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa. Thành lập vào năm 2015, Timo được xem là một trong những cái tên tiên phong ở mảng ngân hàng số tại Việt Nam. Ban đầu, Timo hợp tác với VPBank trước khi bắt tay với Ngân hàng Bản Việt để mang đến một trải nghiệm ngân hàng số độc đáo tới thị trường. Theo lý thuyết, Timo không có các chi nhánh vật lý. Dù vậy, Timo vận hành mô hình phòng giao dịch theo phong cách một quán cà phê có tên HangOuts.
Nam A Bank đã cho ra đời không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với sự xuất hiện của Robot OPBA và chi nhánh số VTM OPBA; OCB đã xây dựng kênh OCB OMNI - theo đó, các kênh giao dịch số được kết nối, đồng nhất cho khách hàng trải nghiệm xuyên suốt.
Những ngân hàng có quy mô lớn như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, MB… thì tập trung chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh truyền thống kết hợp với việc tạo ra những sản phẩm, kênh dịch vụ mới cho khách hàng, đồng thời khai thác những mảng kinh doanh mới trên cơ sở kết hợp với các ứng dụng Fintech.
Một số thương vụ hợp tác đã diễn ra như VietinBank hợp tác cùng Opportunity Network (ON) trong cung cấp nền tảng số cho doanh nghiệp; Vietcombank và M-Service hợp tác trong thanh toán chuyển tiền; hợp tác giữa VPBank và Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán số, hay sự kết hợp giữa VIB và Công ty Fintech Weezi cung cấp ứng dụng MyVIB Keyboard giúp khách hàng có khả năng chuyển tiền qua mạng xã hội; Techcombank hợp tác cùng Fastcash đưa ra tính tăng F@st mobile giúp chuyển tiền qua Facebook và Google +…
Quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng lớn thường gắn liền với việc nâng cấp căn bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt công nghệ lõi (Core Banking). Điển hình là VietinBank với Core Sunshine (2017), YOLO của VPBank cho ngân hàng số (tách biệt với hệ thống hiện tại).
Chuyển đổi số của các ngân hàng thương mại Việt Nam còn giúp mở rộng sự hợp tác giữa ngân hàng với các doanh nghiệp Fintech hay các "ông lớn" công nghệ như Google, Facebook… để mang lại lợi ích cho ngân hàng cũng như khách hàng. Đây chính là nền tảng quan trọng để tiến dần đến trạng thái kết nối vạn vật (IoT).
Một số hoạt động điển hình như: VietinBank kết hợp với Opportunity Network trong cung cấp nền tảng số cho doanh nghiệp, Vietcombank - M_Service trong thanh toán, MBB - Startup Fintech trong cung cấp dịch vụ ngân hàng, VPB - Fintech Weezi trong thanh toán chuyển tiền qua mạng xã hội, Techcombank - Fastcash chuyển tiền qua mạng Facebook…
Như vậy, có thể nói, các ngân hàng Việt Nam đã nắm bắt khá nhanh quá trình chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng nhằm thay đổi hệ thống quản lý, dịch vụ phục vụ khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tuy vậy, hệ sinh thái số ở Việt Nam chưa thực sự đồng bộ và phát triển nên hiệu quả của việc phát triển ngân hàng số ở Việt Nam chưa cao. Các vấn đề về hành lang pháp lý, vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng đang là những trở ngại đối với sự phát triển của ngân hàng số.
Về mặt pháp lý, khoảng trống trong hành lang pháp lý đối với quản lý, tạo điều kiện cho phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính nói chung, ngân hàng số nói riêng. Sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các lĩnh vực chứng thực chữ ký số đã được ban hành nhưng còn nhiều hạn chế;
Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định chính thức về các sản phẩm áp dụng cho ngân hàng số như tiền gửi điện tử, định danh khách hàng điện tử (Ekyc0, các dịch vụ internet banking, mobile banking, các sản phẩm tiết kiệm điện tử cũng như quy định pháp lý cụ thể cho các đại lý ủy quyền của ngân hàng. Hành lang pháp lý đối với bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính còn hạn chế.
Bản thân các ngân hàng cũng gặp phải những hạn chế nhất định trong việc xây dựng và triển khai chiến lược phát triển ngân hàng số. Vấn đề chi phí đầu tư là một trở ngại của ngân hàng thươmng mại Việt Nam, các chi phí để đầu tư nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) là khá cao, chi phí chuyển đổi core banking hay chi phí đầu tư hệ thống công nghệ mới rất tốn kém, thời gian hoàn vốn lâu.
Một số dịch vụ mới với nhiều tiện ích còn khó triển khai do nhiều lý do như hạn chế về hạ tầng kỹ thuật công nghệ và năng lực tài chính của NHTM. Nguồn nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực ngân hàng số còn chưa đáp ứng được nhu cầu, các nhân sự am hiểu về tài chính ngân hàng thì chưa am hiểu về công nghệ và ngược lại.
Vấn đề bảo mật cũng là một trở ngại lớn đối với việc triển khai áp dụng ngân hàng số tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam (VNISA), năm 2017, các tổ chức tín dụng và ngân hàng đạt chỉ số an toàn thông tin là 59,9%, trong đó nhóm 25 ngân hàng có chỉ số đạt 60,9%, các tổ chức tín dụng khác là 55,4%. Con số này vẫn thấp so với yêu cầu về an toàn thông tin mạng đặt ra, đặc biệt khi trình độ các hacker ngày càng cao.
Việc phát triểnngân hàng số trong khi không tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro an ninh mạng, năng lực tổ chức quản lý còn hạn chế, chưa am hiểu đầy đủ về đặc tính của mô hình hoạt động mới sẽ tăng nguy cơ mất an toàn cho khách hàng, ngân hàng và hệ thống.