Xu hướng ngân hàng số trong năm 2022

Theo Quỳnh Dương/thitruongtaichinhtiente.vn

Việc xác định chắc chắn những xu hướng ngân hàng số có thể sẽ là nội dung nổi bật trong năm nay và cũng sẽ là chìa khóa cho sự phát triển đối với các ngân hàng về lâu dài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thế giới đã chứng kiến ​​sự mở rộng và phát triển nhanh chóng của xu hướng ngân hàng số trong vài năm qua. Nhưng phải đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, nhu cầu và sự cần thiết các giải pháp công nghệ số đối với ngân hàng mới được khắc họa rõ nét.

“Đại dịch đã chứng minh rằng, ngân hàng số là điều cần thiết để người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi tự tin quản lý tài chính của họ”, Allison Beer, Giám đốc phụ trách công nghệ tại JPMorgan Chase, khẳng định.

Khảo sát của JPMorgan Chase đối với 1.500 khách hàng vào cuối năm 2020 cho thấy, 54% người tiêu dùng sử dụng các công cụ kỹ thuật số khi giao dịch ngân hàng nhiều hơn kể từ đại dịch.  

Bước sang năm 2021, khi hàng loạt biến thể COVID-19 lần lượt xuất hiện khiến thế giới chưa thể đẩy lùi đại dịch, xu hướng ngân hàng số đã trở thành xu hướng tất yếu. Từ đó, năm 2022 trở thành một năm quan trọng trong chiến lược số hóa ngân hàng, khi khách hàng đã hình thành thói quen và tiếp tục sử dụng ngân hàng số như một công cụ để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu.

Chiến lược chuyển đổi số tại các ngân hàng đang tăng tốc

Đại dịch đóng vai trò chính yếu trong việc tạo ra những thay đổi vĩnh viễn trong hành vi và mục tiêu của các tổ chức tài chính liên quan đến chuyển đổi số. Trên thực tế, điều này có nghĩa là quá trình chuyển số đang tăng tốc nhanh hơn trước, với đại dịch làm nền tảng cho các ngân hàng tăng cường đầu tư vào số hóa để duy trì tính cạnh tranh.

Thật vậy, COVID-19 đã thách thức hiện trạng theo những cách chưa từng có. BDO International, đơn vị cung cấp mạng lưới kế toán lớn thứ 5 thế giới, vào tháng 7/2021 công bố kết quả "Khảo sát chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính năm 2021" lấy ý kiến ​​từ 100 giám đốc điều hành C-suite tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng toàn cầu. 

Theo khảo sát, hầu hết các tổ chức này đều đã phát triển chiến lược chuyển đổi số và gần một nửa đang đẩy nhanh các kế hoạch hiện có.

“Từ bất ổn kinh tế sau đại dịch đến áp lực cạnh tranh, việc sử dụng các giải pháp công nghệ để cải thiện tốc độ xử lý và khả năng phục hồi đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các tổ chức tài chính đã không còn chỉ "đứng chờ và xem" nữa. 61% đang bổ sung các dự án số hóa mới và 51% đang sửa đổi tầm nhìn trong chiến lược dài hạn của mình", BDO International lưu ý.

Xu hướng ngân hàng chỉ có hiện diện số (digital-only bank) 

Có thể nói, vài năm gần đây chứng kiến ​​sự gia tăng không thể ngăn cản của mô hình những ngân hàng chỉ hoạt động dựa trên nền tảng số mà không có một chi nhánh thực tế nào.

Những ngân hàng này cung cấp dịch vụ hoàn toàn thông qua ứng dụng dành cho thiết bị di động. Đưa ra các mức lãi suất ưu đãi và phí dịch vụ thấp hơn so với các ngân hàng truyền thống, mô hình này đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. 

Với chi phí phải trả ít hơn, các ngân hàng chỉ có hiện diện số đang tạo ra một phân khúc riêng biệt là những khách hành muốn giữ mức chi phí phải bỏ ra thấp nhất và phần lớn các nhu cầu của họ có thể được đáp ứng qua internet hoặc điện thoại thông minh.

Cũng nhờ đại dịch thúc đẩy, mô hình ngân hàng chỉ có hiện diện số đang phát triển mạnh mẽ và tham gia vào "cuộc chiến" giành thị phần từ các đối thủ truyền thống.

Thật vậy, theo khảo sát "Thực trạng ngân hàng tiêu dùng năm 2021" do Galileo Financial Technologies thực hiện, phần lớn người tiêu dùng (62%) "phần nào" hoặc "có khả năng cao" chuyển sang ngân hàng chỉ có hiện diện số. Cụ thể hơn, với thế hệ Gen Y, tỷ lệ này 77%, Gen Z là 72% và Gen X là 55%. 

Ngoài ra, trong số 65% người tham khảo sát sử dụng ngân hàng truyền thống, chỉ 66% hài lòng với trải nghiệm sử dụng dịch vụ. Trong khi đó, trong số những người chọn sử dụng ngân hàng chỉ có hiện diện số (21%), mức độ hài lòng lên tới 79%.

Sự tăng trưởng liên tục của “tài chính nhúng” và nền tảng Banking-as-a-Service (BaaS)

Phần lớn sự phát triển không ngừng của ngành Ngân hàng là nhờ vào sự gia tăng của các dịch vụ tài chính do các công ty phi ngân hàng cung cấp.

Về bản chất, vô số công ty, trong đó bao gồm cả các nhà bán lẻ hay các gã khổng lồ công nghệ…, hiện đang trở thành các tổ chức fintech bằng cách "nhúng" một loạt các dịch vụ tài chính ngân hàng vào các lĩnh vực mà họ cung cấp sản phẩm. Và về mặt nhu cầu, rõ ràng người tiêu dùng hiện đã sẵn sàng sử dụng các dịch vụ do các công ty phi ngân hàng cung cấp hơn bao giờ hết.

“Để đáp ứng nhu cầu tài chính nhúng ngày càng tăng, các tổ chức phi tài chính đang ngày càng gia tăng cung cấp dịch vụ ngân hàng (BaaS) theo nhóm, thường là hợp tác sáng tạo thương hiệu hoặc liên kết thương hiệu, từ đó họ có thể sử dụng nền tảng dịch vụ của ngân hàng để phục vụ khách hàng của mình”, Zac Townsend, đại diện từ đối tác liên kết của McKinsey đánh giá.

Theo khảo sát về dịch vụ tài chính năm 2021 của Finastra, công ty fintech có trụ sở tại London, cả BaaS và các dịch vụ tài chính nhúng đều có mức tăng trưởng đáng chú ý, với 85% nhân sự cấp cao tại các tổ chức tài chính toàn cầu kỳ vọng xu hướng này sẽ có những tác động đáng kể đến ngành, ít nhất cho đến tháng 6/2022.

“Có sự khác biệt giữa các thị trường. Với các thị trường UAE và châu Á (bao gồm Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore) nhìn chung có nhiều khả năng công nhận và sẵn sàng chào đón các lợi ích của BaaS hơn.

Trong khi đó, Anh và Đức xếp hạng thấp hơn so với tất cả các thị trường khác, cho thấy những thị trường này cách tiếp cận thận trọng hơn một chút”, Finastra cho biết thêm.

Lợi ích của BaaS được các tổ chức tài chính công nhận rõ ràng. Tuy nhiên, để nền tảng hoạt động trơn tru đòi hỏi nền tảng công nghệ đổi mới vì BaaS thường được phân phối cho khách hàng thông qua API (giao diện lập trình ứng dụng) và do đó yêu cầu "quản trị rủi ro và kỷ luật một cách chặt chẽ từ các đối tác tài chính nhúng".

Kết nối

Các xu hướng nói trên có khả năng mở ra kỷ nguyên ngân hàng tự phục vụ hay không? Câu trả lời là “không”, ít nhất là theo các nghiên cứu gần đây. Mặc dù thật tiện lợi khi phân loại các vấn đề tài chính cá nhân chỉ với một vài cú chạm trên điện thoại thông minh hoặc vài cú nhấp chuột, song vẫn còn một bộ phận lớn người tiêu dùng mong muốn được tương tác với các nhân viên ngân hàng là người thật để có thể thảo luận sâu hơn.

EPAM Continuum đã tiến hành khảo sát trên 21.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng tại 7 quốc gia và khu vực, bao gồm Canada, Đức, Hồng Kông (Trung Quốc), Hà Lan, Singapore, Vương quốc Anh và Mỹ. Kết quả cho thấy, 34% người dùng muốn có nhiều tương tác thực tế hơn với các ngân hàng mà họ đang sử dụng dịch vụ.

“Trong thế giới hậu đại dịch, nơi mà trải nghiệm số sẽ là yếu tố chính tạo ra sự khác biệt cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính, các ngân hàng sẽ không chỉ phải cung cấp ứng dụng kỹ thuật số “thuần giao dịch” mà còn cần cung cấp trải nghiệm số hóa kết nối với người tiêu dùng dựa trên mức độ cảm xúc.

Do đó, sự gắn bó và thân thiết với khách hàng sâu sắc sẽ trở thành trạng thái “bình thường mới” trong chiến lược ngân hàng số”, nhóm chuyên gia tại Temenos AG cho biết.