Phát triển tài chính xanh dưới tác động COVID-19: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam
Tài chính xanh góp phần quan trọng trong việc định hình lại nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Bài viết hệ thống hóa chiến lược phá triển tài chính xanh hậu COVID-19 của các quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra bài học phát triển tài chính xanh với Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả nhóm nước phát triển và đang phát triển đều triển khai gói phục hồi, chương trình thúc đẩy tài chính xanh và tiếp cận nguồn vốn cho các lĩnh vực tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Từ đó một số bài học được rút ra với Việt Nam về thiết lập cơ chế hỗ trợ phát triển hệ thống tài chính xanh.
Dẫn luận
Kinh tế xanh đã và đang được xác định là vấn đề trọng tâm trong chính sách phục hồi hậu COVID-19 của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới, tạo thêm việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo, hướng tới sự phát triển bền vững. Để thúc đẩy hành trình xanh hóa nền kinh tế, tài chính xanh là một phương thức đặc biệt mà các quốc gia trên thế giới đều coi trọng hàng đầu.
Tuy nhiên, tài chính xanh vẫn khá mới mẻ trong nhận thức cũng như thực tiễn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, việc tiếp nhận, trao đổi kinh nghiệm phát triển tài chính xanh giữa các quốc gia là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bài viết này sẽ nghiên cứu kinh nghiệm chiến lược phá triển tài chính xanh hậu COVID-19 của các quốc gia trên thế giới để rút ra những bài học cho Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu cho thấy cả nhóm nước phát triển và đang phát triển đều triển khai gói phục hồi, chương trình thúc đẩy tài chính xanh và tiếp cận nguồn vốn cho các lĩnh vực tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Từ đó một số bài học được rút ra với Việt Nam về thiết lập cơ chế hỗ trợ phát triển tài chính xanh.
Thực trạng phát triển tài chính xanh toàn cầu dưới tác động COVID-19
Trong những năm gần đây, tài chính xanh đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, đặc biệt trong khu vực tư nhân. Theo Global Sustainable Investment, 2018, tổng mức đầu tư bền vững trên toàn cầu đạt mức 30,7 nghìn tỷ USD vào đầu năm 2018, tăng 34% so với 2 năm trước đó.
Nghiên cứu cũng cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng trên toàn thế giới từ các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong việc đưa những đánh giá về yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào danh mục đầu tư. Theo Climate Action (2022), cơ hội phát triển của tài chính xanh vào năm 2022 sẽ tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoài, đạt 900 tỷ USD trong kịch bản cơ sở hậu COVID-19 và tăng 70%, ước đạt 1 nghìn tỷ USD trong kịch bản tăng trưởng xanh.
Hiện nay, số lượng trái phiếu và nợ được được phát hành với các điều khoản đầu tư cho lĩnh vực ESG đang thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc (Nguyen et al., 2020). Chúng là công cụ tài chính quan trọng đối với các quốc gia trong việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và doanh nghiệp vào các chương tr.nh và dự án phục hồi xanh và bền vững. Nhiều quốc gia cũng có nhu cầu vốn lớn để tập trung nhiều hơn vào việc đạt được mục tiêu phát thải bằng không để giảm bớt cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.
Như vậy, thị trường tài chính xanh đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn để đẩy nhanh sự phát triển của các dự án xanh và theo dõi tác động thực tế trong quá trình hoạt động (UNEP, 2021). Được coi là đại diện cho quy mô thị trường tài chính xanh, trái phiếu xanh là công cụ nợ để huy động vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường, đồng thời gắn liền với lợi ích xã hội. Thị trường trái phiếu xanh chứng kiến sự tăng trưởng lớn trong bốn năm qua, với sự tăng trường đạt 78% trong năm 2018-2019 (ADB, 2020).
Việc nghị viện hâu Âu phê chuẩn “Kế hoạch hành động về Tài chính bền vững nhằm huy động thị trường vốn hướng tới đầu tư xanh và hoàn thiện “Phân loại Tài chính Bền vững” năm 2021 là động lực để thị trường tài chính xanh phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI) ước tính đầu tư toàn cầu vào thị trường trái phiếu xanh lần đầu tiên đạt một nghìn tỷ USD mỗi năm vào cuối quý IV/2022 (CBI, 2021). Trong khu vực ASEAN, việc phát hành trái phiếu xanh và cho vay xanh đã tăng gần gấp đôi trong năm 2019 so với năm trước, đạt 8,1 tỷ USD, với lượng phát hành tích lũy đạt 13,4 tỷ USD vào cuối năm 2019 (CBI, 2021).
Kinh nghiệm phát triển tài chính xanh dưới tác động đại dịch COVID-19
Khung khổ pháp lý quy định tiêu chí về công cụ tài chính xanh
Một tiêu chí quan trọng của việc các công cụ tài chính toàn cầu có thể thu hút dòng vốn xanh là nhận được sự chấp nhận của nhãn xanh (Green Finance Platform, 2020). Các khung khổ định hướng tài chính xanh sẽ giúp phân loại ngành và nêu ra các nguyên tắc đủ điều kiện cho việc phát hành công cụ tài chính xanh để tránh các dự án, công ty hoặc quốc gia rửa xanh và sử dụng nguồn vốn vào các dự án gây bất lợi cho môi trường và xã hội. Việc phát triển các khung khổ và tiêu chuẩn xanh được thực hiện trên toàn thế giới với những kết quả bước đầu đã đạt được như sau:
(i) Hiệp hội thị trường quốc tế (ICMA, 2021) tạo dựng các nguyên tắc trái phiếu xanh và gần đây là các nguyên tắc trái phiếu xã hội và nguyên tắc trái phiếu bền vững. Các nguyên tắc này đã trở thành khung khổ toàn cầu cho việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững;
(ii) CBI tạo dựng nên các “Tiêu chuẩn Trái phiếu Xanh” và “Chứng nhận Trái phiếu Khí hậu” để đánh giá và ưu tiên các khoản đầu tư góp phần giải quyết biến đổi khí hậu (CBI, 2021);
(iii) Vào tháng 6/2020, EU đã thông qua “Quy định phân loại” (Taxonomy Regulation) để cung cấp cho doanh nghiệp một quy chuẩn chung để xác định những hoạt động kinh tế được coi là “bền vững về môi trường” (EU Law, 2020). Quy định này đóng góp cho “Thỏa thuận Xanh Châu Âu” bằng cách thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án xanh và bền vững, định hướng đầu tư tới các công nghệ và doanh nghiệp bền vững và giúp cho Châu Âu đạt được carbon trung tính vào năm 2050 (EU Taxonomy, 2020);
(iv) Diễn đàn thị trường vốn ASEAN thành lập các “Tiêu chuẩn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” đã được phát triển để phù hợp với “Nguyên tắc trái phiếu xanh và trái phiếu xã hội” cũng như “Hướng dẫn về trái phiếu bền vững” được đề xuất bởi CBI (ASEAN Capital Markets Forum, 2020).
Chính sách thúc đẩy tài chính xanh giữa các nhóm nước
Nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng việc phục hồi sau đại dịch COVID-19 cần được chú trọng vào tính bền vững lâu dài của môi trường đồng thời với phát triển kinh tế và xã hội (WEF, 2021). Các quốc gia trên thế giới đã triển khai các gói chi tiêu COVID-19 để ứng phó với đại dịch. Các chính sách tài khóa – bao gồm tăng chi tiêu công cũng như cắt giảm thuế - đã trở thành kế hoạch quan trọng trong các chiến lược phục hồi xanh (Hepburn et al, 2022).
Nhóm nước phát triển
Một số quốc gia, đặc biệt là ở Châu Âu, đã công bố các gói phục hồi, chương trình thúc đẩy tài chính xanh và cách tiếp cận nguồn vốn cho các lĩnh vực cụ thể tập trung vào các lĩnh vực phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững (Carbon Brief, 2020). Chương trình kích thích phục hồi xanh của Đức (WEF, 2020). Vào tháng 6/2020, Đức đã đề xuất một trong những gói kích thích xanh lớn nhất từ trước đến nay, trị giá 130 tỷ EUR, bao gồm 50 tỷ EUR cho chi tiêu cho lĩnh vực khí hậu. Gói kích thích này tập trung vào các kế hoạch thúc đẩy việc bán xe điện, cải thiện hiệu quả năng lượng của các tòa nhà, phát triển mạng lưới giao thông công cộng, và lấy nguồn thuế để hỗ trợ chi phí phát triển năng lượng tái tạo.
Để đáp lại tuyên bố tháng 11/2019 về tình trạng khẩn cấp về khí hậu của Nghị viện Châu Âu (EP), Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất Thỏa thuận Xanh (European Commission, 2020) để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và đảm bảo lượng khí thải carbon được giảm đáng kể. Các quốc gia thành viên của EU đã đồng ý ký Thỏa thuận Xanh Châu Âu và cùng hướng đến mục tiêu đạt được sự trung hòa carbon vào năm 2050 và cắt giảm 50%-55% lượng khí thải vào năm 2030 (so với mức năm 1990). Thỏa thuận Xanh sẽ có những ưu đãi để khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân, đề ra mục tiêu phân bổ 1 nghìn tỷ EUR vào các khoản đầu tư xanh, với 503 tỷ EUR đến từ ngân sách Châu Âu. Kế hoạch Việc làm Mỹ (Center for Strategic and International Studies, 2021).
Vào tháng 04/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo chi tiết về kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng sau đại dịch COVID-19. Trong đó, kế hoạch đầu tư 2 tỷ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng công cộng, phát triển mạng lưới điện năng lượng sạch, và các tòa nhà tiết kiệm năng lượng. Kế hoạch bao gồm việc xây dựng tiêu chuẩn năng lượng sạch và hiệu quả cho các liên bang để đưa nước Mỹ đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2035.
Nhóm nước đang phát triển
Các nước đang phát triển là đối tượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tác động của biến đổi khí hậu và nhận thấy cần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững hơn sau COVID-19 (Dinh, 2022). Chính phủ của các nước đang phát triển các chính sách khuyến khích tài chính xanh và dành nhiều nguồn lực hơn để xây dựng năng lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển của tài chính xanh (Vietnam Investment Review, 2021).
Tại Indonesia, Chương trình phục hồi kinh tế quốc gia, được đưa ra vào tháng 5/2020 (ASEAN Briefing, 2020). Chương trình cung cấp các chính sách kích thích mới nhất cho nền kinh tế ước tính trị giá 43 tỷ đô la. Chính sách kích thích bao gồm việc cắt giảm thuế cho các ngành công nghiệp, bơm vốn vào các doanh nghiệp Nhà nước và hỗ trợ thanh khoản cho ngành ngân hàng. Indonesia đang trong giai đoạn nghiên cứu phát hành trái phiếu xanh trước COVID-19 và tạo ra một nền tảng hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững được tài trợ bởi các tổ chức tài chính của chính phủ.
Theo ASEAN Catalytic Green Finance Facility (2021), Thái Lan có kế hoạch đầu tư cho 92 dự án PPP vào cơ sở hạ tầng với trị giá 1.09 nghìn tỷ Bạt (33.39 tỷ USD) từ năm 2020 đến năm 2027. Ngoài ra, Thái Lan cũng phát hành trái phiếu bền vững của Chính phủ để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh vào tháng 8/2020.
Chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng tại Nam Phi bắt đầu từ năm 2020 nhằm hỗ trợ thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào năng lượng tái tạo với tổng nguồn vốn đạt 14 tỷ USD cho 64 dự án (UNDP in Africa, 2022). Chương trình đã có một số kết quả bước đầu như việc giảm đáng kể chi phí trung bình của điện mặt trời và gió (lần lượt là 68% và 42%). Sáng kiến này đã tạo ra khoảng 39.000 việc làm cho thanh niên và phụ nữ và giảm lượng khí thải carbon của xuống 33,2 triệu tấn (Bellens & Atalla, 2020).
Những gợi ý cho Việt Nam nhằm phát triển hệ thống tài chính xanh dưới tác động COVID-19
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (2020), để đảm bảo nền kinh tế phục hồi bền vững từ cuộc khủng hoảng COVID-19, các chính sách tài chính cần được thiết kế để kích hoạt đầu tư từ khối tư nhân và thay đổi hành vi để làm tăng khả năng chống chịu và phục hồi của xã hội trước những cú sốc trong tương lai. Nguồn vốn sẽ được huy động từ cả khu vực nhà nước, tư nhân, các định chế tài chính và các tổ chức phi lợi nhuận nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thiết lập cơ chế để hỗ trợ phát triển thị trường vốn xanh
Thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách cần cải tiến hệ thống hỗ trợ tài chính xanh truyền thống. Thông qua đó, chúng ta cần thúc đẩy dòng vốn từ khu vực tài chính tư nhân qua việc mở rộng các chứng nhận xanh và hỗ trợ thuế. Các ví dụ bao gồm hỗ trợ lãi suất cơ bản đối với khoản vay xanh kế hợp với quy định nới lỏng, miễn thuế cho doanh nghiệp, dự án có tác động tốt đến môi trường và xã hội.
Chính phủ và các địa phương nên cân nhắc việc tạo ra các quỹ xanh quốc gia và quỹ xanh địa phương để làm giảm rủi ro cho các dự án liên quan đến phục hồi và bảo vệ môi trường hậu COVID-19. Ngoài ra, chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế, phí, cho vay tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, việc làm xanh để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tiếp tục nghiên cứu và triển khai chính sách khuyến khích hỗ trợ các ngành sản xuất kinh - doanh sử dụng công nghệ và năng lượng sạch thông qua các kênh khác như văn bản pháp lý, thủ tục, cơ chế đầu tư thuận lợi, hỗ trợ về vốn, đất đai.
Hợp tác công tư và xúc tác đầu tư từ khu vực tư nhân
Trước tình trạng hạn hẹp của nguồn ngân sách nhà nước, cần đa dạng hóa việc thu hút các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Từ đó, tạo tiền đề để thu hút, hình thành môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Tăng cường đầu tư theo PPP khi nguồn lực ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế.
Đối thoại chính sách với khu vực tư nhân về cơ hội hợp tác có thể khuyến khích sự liên kết giữa doanh nghiệp với các ưu tiên của chính phủ. Hợp tác chặt chẽ hơn sẽ cho phép các doanh nghiệp và chính phủ xác định các dự án cụ thể, nơi các mục tiêu chung có thể hỗ trợ tiến độ và tăng tác động tích cực. Các dự án có quy mô lớn đòi hỏi sự hợp tác công tư có tiềm năng thu hút sự hỗ trợ của các công ty đa quốc gia để tối đa hóa tác động của họ và dẫn đến lợi ích cho tất cả các ngành công nghiệp. Việc đạt được sự xanh hóa của nền kinh tế đòi hỏi sự kết hợp của các ưu đãi của chính phủ, nguồn vốn đầu tư và các biện pháp hỗ trợ để đảm bảo quá trình chuyển đổi nền kinh tế bền vững thuận lợi (OECD, 2019c).
Thúc đẩy các tiêu chuẩn công bố thông tin về các rủi ro môi trường và carbon
Để giải quyết vấn đề thông tin bất cân xứng giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, điều cốt yếu là phải tăng cường các tiêu chuẩn công bố thông tin về các rủi ro carbon và môi trường cũng như các thông tin liên quan. Biến đổi khí hậu có tác động tài chính đến nền kinh tế toàn cầu và gây nguy hiểm cho thị trường vốn quốc gia và quốc tế. Các nhà đầu tư thường không biết các lĩnh vực và công ty cụ thể đã bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ở mức độ nào. Đồng thời, các nhà đầu tư thường không được thông báo liệu các công ty đã chuẩn bị và giải quyết những rủi ro này hay chưa.
Để cải thiện tính minh bạch trong thị trường tài chính xanh và thúc đẩy các quyết định đầu tư, cho vay và bảo lãnh phát hành bảo hiểm sáng suốt hơn, chính phủ và các bộ ngành liên quan cần cải thiện chính sách công bố thông tin về lượng khí thải carbon và các thông số về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan cần thiết lập các buổi hướng dẫn và đào tạo, xây dựng nền tảng chia sẻ kiến thức giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư, công ty bảo hiểm, Chính phủ, tổ chức phi chính phủ và cơ quan quản lý. Đồng thời, Chính phủ cần hỗ trợ phát triển và tiêu chuẩn hóa các yêu cầu báo cáo an toàn và thúc đẩy việc sử dụng các chỉ số xanh.
Khi doanh nghiệp được yêu cầu bắt buộc phải công bố các thông số ESG, những người tham gia thị trường, nhà đầu tư và chính phủ sẽ nhận được nhiều thông tin hơn về mặt định lượng và chất lượng. Thông qua đó, các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân có thể có đánh giá đầy đủ về rủi ro của doanh nghiệp và động lực đầu tư hơn vào ngành công nghiệp xanh.
Kết luận
Thúc đẩy nền kinh tế xanh hướng đến phục hồi phát triển bền vững hậu COVID-19 là con đường mà Việt Nam đã lựa chọn. Trong quá trình đó, tài chính xanh là một giải pháp quan trọng. Đây là vấn đề còn mới mẻ tại Việt Nam trong nhận thức cũng như trong thực tiễn, với nhiều cơ hội và thách thức trước mắt. Vì vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm từ các nước kết hợp phát huy tiềm năng nội lực xanh hóa hệ thống kinh tế - tài chính là rất cấp thiết để tài chính xanh trở thành hiện thực và có ý nghĩa thiết thực trong chiến lược xanh hóa nền kinh tế Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- ADB. (2020), Green, Social, and Sustainability Bonds for Asia and the Pacific. https://www.adb.org/publications/green-social-sustainability-bonds-asia-pacific
- A Mehta, et. al. (2020), Green Finance Strategies for Post-COVID-19 Economic Recovery in Southeast Asia, https://doi.org/10.22617/tcs200267-2
- ASEAN Capital Markets Forum. (2020). ASEAN Green Bond Standards. https://www.theacmf.org/initiatives/sustainable-finance/asean-green-bondstandards
- ASEAN Capital Markets Forum. (2020). ASEAN Green Bond Standards, https://www.theacmf.org/initiatives/sustainable-finance/asean-green-bondstandards
- Bellens, J. and G. Atalla (2020), In the wake of COVID-19, governments and companies have an opportunity to plot greener, fairer and more sustainable days ahead, EY Reporting, Ernst & Young, London,
- www.ey.com/en_gl/covid-19/how-do-we-revive-the-economy-and-reframe-the-future.
- Carbon Brief. (2020). Coronavirus: Tracking how the world’s ‘green recovery’ plans aim to cut emissions. https://www.carbonbrief.org/coronavirus-trackinghow-the-worlds-green-recovery-plans-aim-to-cut-emissions
- Center for Strategic and International Studies. (2021). The American Jobs Plan Gets Serious about Infrastructure and Climate Change . https://www.csis.org/analysis/american-jobs-plan-gets-serious-aboutinfrastructure-and-climate-change
- Chowdhury T., Datta R., and Mohajan H. (2013), Green finance is essential for economic development and sustainability, International Journal Of Research In Commerce, Economics & Management, vol. 3, no. 10.
- ASEAN Catalytic Green Finance Facility (2021). Green Infrastructure Investment Opportunities: Thailand 2021 Report Dinh, H. T. (2022). COVID-19 & Developing Countries—the Road to Recovery.
- https://www.policycenter.ma/publications/COVID-19-developingcountries% E2%80%94-road-recovery
- European Commission. (2020), A European Green Deal, https://ec.europa.eu/info/strategy/priorities-2019-2024/european-green-deal_en
- EU Taxonomy. (2020), EU Taxonomy Overview. https://eutaxonomy.info/info/eu-taxonomy-overview
- Fajans-Turner (2019), Fully Filling the Global Fund, https://www.project-syndicate.org/commentary/global-fund-aids-tb-malaria-replenishment-round-by-jeffrey-d-sachs-et-al-2019-01
- Hepburn, C. et. al (2022), Will COVID-19 fiscal recovery packages accelerate or retard progress on climate change? Oxford Review of Economic Policy, Volume 36, Issue Supplement_1, 2020, Pages S359–S381, https://doi.org/10.1093/oxrep/graa015
- ICMA. (2021). Green Bond Principles.
- https://www.icmagroup.org/sustainablefinance/the-principles-guidelines-and-handbooks/green-bond-principles-gbp/
- 16. OECD (2020), Policy note on sustainability paths to progress for business and sustainability in emerging markets
- https://www.oecd.org/dev/EMnet_Policy_Note_Business_Sustainability_Emerging_Markets.pdf