Chính sách, pháp luật của Việt Nam về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Minh Thư

Phát triển bền vững gắn tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường (BVMT) luôn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Cụ thể hóa chủ trương, đường lối này, trong thời gian qua, nhiều chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh (TTX), kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được ban hành.

Nhiều chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đã được ban hành.
Nhiều chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đã được ban hành.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiến pháp năm 2013 có những quy định cụ thể về BVMT. Cụ thể, Điều 43 quy định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT”; Điều 63 quy định: “Nhà nước có chính sách BVMT; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH”.

Quốc hội đã ban hành một số điều trong các luật có liên quan đến BVMT và ứng phó với BĐKH: Luật BVMT năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Lâm nghiệp năm 2016, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật tài nguyên nước năm 2012, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Hóa chất năm 2007, Luật thuế tài nguyên năm 2009, Luật BVMT năm 2020…

Trong đó, Luật BVMT năm 2020 đã có những quy định về nguyên tắc, chính sách khuyến khích tập thể và cá nhân tham gia BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với BĐKH. Khoản 2, Điều 4 quy định: “BVMT là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động BVMT phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển”.

Khoản 3, Điều 5 nêu nguyên tắc: “Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, BVMT di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật BVMT”. Trong khi đó, Khoản 11, Điều 5 nêu nguyên tắc: “Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình KTTH, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Đặc biệt, Điều 142, Chương XI đề ra những quy định đầu tiên về KTTH. Trong đó, nêu lên khái niệm: “KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Các khoản sau đó của Điều 142 quy định trách nhiệm và quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ngày 11/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 76/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững đến năm 2020” (SCP), với các nội dung triển khai nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp áp dụng các mô hình quản lý, kinh doanh, sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

Để các doanh nghiệp sớm tiếp cận xây dựng phương thức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo mô hình KTTH, một số chính sách đã được ban hành như Thông tư số 34/2017/TT-BTNMT ngày 04/10/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 phê duyệt “Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030”. Quyết định trên đã nêu mục tiêu tổng quát: “Hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng; hướng tới mục tiêu TTX và phát triển bền vững”.

Tiếp đó, ngày 1/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế.

TTX được Việt Nam triển khai từ năm 2012 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX với mục tiêu chung đặt ra là TTX, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, góp phần quan trọng đẩy lùi những tác động tiêu cực của BĐKH.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh TTX phải đặt con người làm trung tâm, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, trong xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, TTX phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghiệp hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Để làm được điều đó cần có sự tham gia tích cực của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.