Phát triển thị trường bảo hiểm

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Năm 1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 quy định về việc thành lập và tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam, về kinh doanh bảo hiểm đã đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc tạo lập thị trường tài chính trung gian quan trọng này, có sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam và nước ngoài.

 Phát triển thị trường bảo hiểm
Bảo đảm an toàn tài chính cho sản xuất, kinh doanh luôn là yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Nguồn: internet

Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, với sự đón nhận hàng loạt các tập đoàn, công ty đa quốc gia chuyên về các lĩnh vực bảo hiểm, tài chính tới đầu tư, phát triển tại Việt Nam thì hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã được điều chỉnh bởi hệ thống quy phạm pháp luật Việt Nam hiện đại, có cơ sở pháp lý, có định hướng, chiến lược, sách lược cụ thể, rõ ràng.

Ðến nay, thị trường đã có mặt đầy đủ các loại hình sở hữu doanh nghiệp cùng hoạt động bình đẳng, cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm bảo hiểm phong phú, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi đối tượng tham gia bảo hiểm, huy động nguồn vốn từ doanh thu phí bảo hiểm, tái đầu tư phát triển kinh tế đất nước.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20% năm, đây là thị trường có sức hấp dẫn lớn đối với các công ty bảo hiểm nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Năm 2012, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 40.968 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 36.457 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2013, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 20.922 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong điều kiện kinh doanh tài chính khó khăn, việc vốn chủ sở hữu dự phòng nghiệp vụ tăng mạnh làm cho năng lực bảo hiểm của từng doanh nghiệp bảo hiểm nâng lên rõ rệt, tăng khả năng nhận tái bảo hiểm trong nước và giảm dần phần tái bảo hiểm nước ngoài. Trong quá trình vươn tới sự trưởng thành thật sự, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp thu phương pháp, kinh nghiệm công nghệ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp bảo hiểm quốc tế, chấp nhận sự cạnh tranh sòng phẳng-nguyên tắc tối thượng luôn được đặt lên hàng đầu của tất cả các loại hình thị trường.

Khác với các doanh nghiệp quốc tế, với xuất phát điểm là các doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước hoặc tuy là công ty cổ phần nhưng sở hữu nhà nước là chủ yếu, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước luôn chịu sức ép phải có lãi và bị hạn chế ở các khoản mục chi tiêu cho tiếp thị quảng bá thương hiệu sản phẩm... nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đã cạnh tranh được với các doanh nghiệp bảo hiểm quốc tế cùng các dịch vụ tài chính khác, như tín dụng ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bất động sản - những định chế tài chính có cùng mục đích thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức kinh tế - xã hội.

Sự tăng trưởng về doanh thu phí bảo hiểm, trích lập dự phòng nghiệp vụ đầy đủ nhằm bảo đảm khả năng thanh toán... đã giúp cho việc bảo đảm quy mô vốn đáp ứng quy định của chính phủ về vốn pháp định, trong đó, đáng kể là nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Cùng với việc tích lũy từ kết quả kinh doanh, thặng dư vốn từ kết quả cổ phần hóa, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường Việt Nam tăng nhanh, góp phần củng cố năng lực tài chính của toàn thị trường.

Với những đặc điểm cơ bản đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò là một kênh dẫn vốn trung hạn quan trọng đầu tư vào nền kinh tế quốc dân. Nâng cao vai trò trung gian tài chính, đầu tư trở lại nền kinh tế, sáu tháng đầu năm 2013, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế xấp xỉ 100 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với năm 2008. Các khoản đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm là nguồn vốn trung dài hạn cho các công trình, các dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lựa chọn được các dự án đầu tư thích hợp, an toàn cho nguồn vốn và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thông qua việc đa dạng hóa hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thu được nhiều kết quả quan trọng từ đầu tư tài chính, giúp hình thành phần lớn lợi nhuận của doanh nghiệp, làm tròn nhiệm vụ là tấm lá chắn kinh tế của nền kinh tế - xã hội. Thị trường bảo hiểm đã thật sự trở thành nền móng để các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện vai trò của định chế trung gian tài chính, thật sự trở thành nhà đầu tư lớn khi nắm giữ một kênh huy động vốn hiệu quả và ổn định cho nền kinh tế.

Trong giai đoạn phát triển mới, thị trường bảo hiểm đang đứng trước nhiều thách thức mới do sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Với đặc thù là trung gian chia sẻ tổn thất, rủi ro trong xã hội, các doanh nghiệp bảo hiểm có nhiệm vụ nỗ lực để trụ vững và phát triển, góp phần duy trì sự ổn định chung của đời sống kinh tế - xã hội.

Ðể thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển thị trường này, các nhóm giải pháp chủ đạo cho giai đoạn 2011 - 2015 của thị trường bao gồm: hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, nhất quán; nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm; khuyến khích, hỗ trợ phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; đa dạng, chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.

Thị trường bảo hiểm cần thực hiện các giải pháp phát triển cụ thể, trong đó, việc xây dựng một hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn thành lập, hoạt động kinh doanh bảo hiểm là một sự sàng lọc cần thiết hợp lý. Việc hoàn thiện từng bước pháp luật kinh doanh bảo hiểm phù hợp cam kết WTO, với chuẩn mực quốc tế cũng là giải pháp rất quan trọng.

Bên cạnh đó, việc hình thành bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đủ mạnh để thực hiện việc hậu kiểm đạt kết quả cao cũng rất cần thiết để giúp các doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi mạnh mẽ chất lượng hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng, phù hợp với mô hình phát triển doanh nghiệp bảo hiểm theo chuẩn mực quốc tế.

Tăng cường hợp tác hơn nữa, đem lại sự thống nhất về sản phẩm bảo hiểm (quy tắc điều khoản, biểu phí); hợp tác với nhau trong tái bảo hiểm và đồng bảo hiểm, xây dựng dữ liệu quản lý bảo hiểm đánh giá rủi ro, phân tích rủi ro, cung cấp thông tin về bồi thường, nguyên nhân tổn thất, phòng, chống trục lợi bảo hiểm... cũng là những giải pháp cần thiết để hoàn thiện hơn nữa các yếu tố cấu thành thị trường.

Chỉ có như vậy, việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 mới có cơ sở để được tiếp tục đẩy mạnh theo hướng chú trọng việc tăng cường tính an toàn, bền vững, hiệu quả, khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng, góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.