Phát triển thị trường mua bán nợ: Cần một hành lang pháp lý đầy đủ

P.V

... Mô hình mua bán nợ để tái cấu trúc DNNN là rất khả thi ở Việt Nam, song hành lang pháp lý quá thiếu và yếu nên đã phần nào làm hạn chế đến sự phát triển của thị trường mua bán nợ

 

(TCTC Online)  

Phát triển triển thị trường mua bán nợ là đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế, đây cũng là vấn đề đang đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam khi bước vào hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi, khi thị trường này phát triển nó sẽ giúp cho tình hình tài chính trong các DN và các ngân hàng thương mại được lành mạnh, minh bạch hpn... Thực tế, tại Việt Nam, trị trường mua bán nợ đã hình thành từ vài năm trở lại đây nhưng cho đến nay nó vẫn còn khá mới mẻ, đặc biệt là mua bán nợ của DNNN mới chỉ có "độc quyền" Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) thực hiện.

Theo thống kê được công bố tại cuộc Hội thảo "Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước" được tổ chức mới đây cho thấy: Nợ xấu tại Việt Nam hiện vào khoảng 60.000 - 70.000 tỷ đồng, đa số nằm trong các ngân hàng nhà nước và DNNN; Cũng theo thống kê, tính đến cuối năm 2008, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam ở dưới 4% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, con số thực có thể lớn hơn và thị trường nợ tồn đọng đang rất tiềm năng và việc xử lý nợ tồn đọng là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế.

Trước thực trạng trên, ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng giám đốc DATC khuyến cáo: "Nếu không xử lý được, đây chính là nguy cơ tiềm ẩn đe dọa nền kinh tế quốc gia". Ông Thường cũng cho rằng, mô hình mua bán nợ để tái cấu trúc DNNN là rất khả thi ở Việt Nam, song hành lang pháp lý quá thiếu và yếu nên đã phần nào làm hạn chế đến sự phát triển của thị trường mua bán nợ.

Kể từ ngày 1/7/2010, Luật DNNN sẽ hết hiệu lực. Chỉ còn gần một năm, quãng thời gian không còn dài để 1.500 DNNN đang hoạt động theo Luật DNNN sẽ phải hoàn thành việc chuyển đổi hình thức pháp lý thành công ty cổ phần hoặc công ty TNHH và hoạt động theo Luật DN. Giờ G sắp điểm nhưng vẫn đang còn bộn bề khối lượng công việc cần phải giải quyết, và không ít những lo ngại về khả năng sẽ phát sinh những khoảng trống pháp lý khi bắt tay vào thực hiện. Trong đó, phức tạp nhất khi thực hiện chuyển đổi vẫn là vấn đề xử lý các khoản nợ tại các DN. Đây cũng là giai đoạn có nhiều áp lực về tiến độ và nhiều khó khăn đặt ra do có nhiều tổng công ty không cổ phần hóa toàn tổng được do còn nhiều đơn vị thành viên không thể cổ phần hóa do những tồn tại tài chính. Nhất là trong năm 2008 và năm 2009 này, không ít DN bị tác động mạnh mẽ của khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu đã khiến cho nhiều kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề, DN bị phá sản. Điển hình như trong lĩnh vực chế biến nông lâm thuỷ sản, xuất khẩu, công nghiệp nhẹ, ngành xây dựng, giao thông… Khủng hoảng xảy ra đã khiến cho luồng tiền đi vào những lĩnh vực trên bị giảm, nhiều DN không thể xuất khẩu hàng hoá hoặc không thể thực hiện các công trình từ đó cũng dẫn đến việc phát sinh nợ xấu. Khó khăn càn chống chất mà một mình DATC không thể làm xuể được; đó là chưa kể đến các chế tài, hành lang pháp lý cho hoạt động này vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, thông tin chung về nợ tồn đọng của DNNN chưa được thu thập, theo dõi, cập nhật một cách thường xuyên và có hệ thống, chưa có đủ chế tài cho chủ nợ và khách nợ theo dõi và báo cáo tình hình nợ tồn đọng một cách thường xuyên. Ngay cả trong các văn bản chính thức còn chưa phân biệt được các khái niệm như nợ tồn đọng, nợ xấu, nợ khó đòi, nợ quá hạn, nợ dưới chuẩn... Không ít DN có nợ tồn đọng nhưng vẫn "bình chân" trong xử lý mà giữ tâm lý “treo” nợ (trong sổ sách), giấu nợ xấu, sợ trách nhiệm, sợ đụng chạm và mất quyền lợi của các doanh nghiệp nhà nước chưa thể xóa bỏ. Có những khoản nợ không xác định được, song lại phải “có xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp” nên cứ nằm chờ. Cơ chế hiện hành quy định cụ thể chế tài khi người có trách nhiệm không thực hiện xử lý nợ thậm chí còn để phát sinh nợ tồn đọng mới...

Mua bán và xử lý nợ bao gồm rất nhiều nghiệp vụ khác như khảo sát, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, định giá và đàm phán mua nợ từ ngân hàng chủ nợ, lựa chọn đối tác chiến lược tham gia phương án tái cơ cấu DN, xác định giá góp vốn, cơ cấu lại bộ máy quản trị... Song, DATC với một số nghiệp vụ ban đầu chưa đủ lực để giải quyết hết những vấn đề đặt ra của thị trường với vai trò một doanh nghiệp kinh doanh rủi ro về nợ và tài sản tồn đọng.

Tính đến nay, DATC đã mua khoảng 6.500 tỷ đồng nợ xấu từ các ngân hàng, đang thực hiện xử lý nợ xấu cho khoảng 100 doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa; đã hoàn thành xử lý nợ xấu cho khoảng 20 doanh nghiệp, trong đó có một nửa là DNNN, còn lại là DN đã cổ phần hóa nhưng hoạt động yếu kém. Kết quả là có nhiều DN đã hồi phục trở lại, hiệu quả sinh lời/vốn chủ sở hữu trên 30%, còn trung bình là 20%. Hoạt động mua bán nợ xấu tại các DNNN sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta mở rộng đối tượng tham gia. Chẳng hạn như Công ty Mía đường Sơn La. Trước đây địa phương cũng đã “bất lực” trong việc cổ phần hóa trong suốt 3 - 4 năm. Nhưng sau khi DATC tham gia xử lý nợ xấu và chuyển thành công ty cổ phần thì đã hiệu quả rõ rệt. Ngay lập tức, Công ty đã tạo việc làm cho hơn 4 nghìn hộ dân đồng bào thiểu số.

Theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển thị trường mua bán nợ, đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN theo đúng tiến độ đề ra, chúng ta cần có môi trường pháp lý thông thoáng cho thị trường này. Cụ thể như, Nhà nước cần đưa ra các cơ chế chính sách rõ ràng, cải tiến và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí xử lý nợ giữa ngân hàng và các doanh nghiệp; Nhà nước cần tạo điều kiện mở rộng các giao dịch thương phiếu và các công cụ thanh toán quốc tế khác để mở rộng phạm vi áp dụng và hiệu quả của các giao dịch mua bán nợ. Làm sao để đáp ứng được yêu cầu, vừa phải lành mạnh hóa được tài chính, cổ phần hóa được DN, vừa phải bảo toàn vốn nên đã làm trì trệ quá trình xử lý nợ. Trong khi các quốc gia đã triển khai thành công mô hình này không đặt vấn đề bảo toàn vốn và có lợi nhuận đối với tổ chức xử lý nợ mà chỉ đòi hỏi phải tối đa hóa giá trị nợ thu về. Các bước đi cần thiết trước mắt là phải rà soát lại và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán nợ, về quan hệ giữa công ty xử lý nợ với các tổ chức tín dụng và các khách nợ. Thậm chí, Nhà nước cũng nên sớm có những quy chế cho phép các công ty thu hồi nợ hoạt động.

Đứng trên góc độ là người đã có kinh nghiệm trong mua bán nợ của DN, ông Phạm Mạnh Thường - Tổng giám đốc DATC cho rằng: Thị trường luôn nhanh nhạy và luôn đáp ứng được đòi hỏi của các chủ thể tham gia, nhưng việc tham gia của các chủ thể có tích cực được hay không nó còn phụ thuộc vào quan điểm và các cơ chế của nhà nước. Để có cơ chế cho thị trường mua bán nợ hoạt động tốt thì cần xác định được giữa một bên là vai trò của nhà nước và một bên kia là vai trò của thi trường. Do đó, cần phải đổi mới về mặt tư duy, tư duy ở những cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư cần có độ tư duy mở; Cần phải có những phản ứng chính sách nhanh nhạy trước những đòi hỏi của thị trường; Hơn thế nữa, cần có những khuôn khổ pháp lý đủ rộng đủ rõ cho các tổ chức, bản thân cho ngân hàng để có nợ và cho nhà đầu tư để người ta đầu tư mua bán xử lý nợ xấu./.