Phát triển thị trường vốn thúc đẩy tài chính bền vững trong ASEAN
ASEAN đã, đang tập trung phát triển thị trường vốn với các công cụ tài chính xanh như một giải pháp thúc đẩy tài chính bền vững trong khu vực.
Việc xây dựng một nền tài chính bền vững trong khu vực ASEAN là yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm thực hiện đồng thời hai mục tiêu: (i) Thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; (ii) Tăng cường sự đa dạng văn hóa và phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, do chênh lệch về trình độ phát triển, thực trạng tài chính bền vững của mỗi quốc gia trong khu vực cũng khác nhau. Mặt khác, mỗi quốc gia đạt được những thành tựu tiến bộ riêng trong từng khía cạnh của tài chính bền vững. Trong bối cảnh đó, ASEAN đã, đang tập trung phát triển thị trường vốn với các công cụ tài chính xanh như một giải pháp thúc đẩy tài chính bền vững trong khu vực.
Tính cấp thiết của việc phát triển tài chính bền vững trong ASEAN
ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và dự kiến sẽ vươn lên vị trí thứ 4 vào năm 2050 với tốc độ phát triển dân số, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, khu vực này cũng đang đối diện với những tác động không mong muốn từ môi trường và xã hội. ASEAN hiện là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nằm trong 20 quốc gia dễ bị tổn thương, do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên thế giới.
Thiệt hại kinh tế từ biến đổi khí hậu có thể làm giảm tổng sản phẩm quốc nội trong khu vực khoảng 11% vào năm 2100. Để ứng phó với vấn đề này, các nước thành viên ASEAN đã, đang thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng một cộng đồng kinh tế phát triển ổn định, bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Theo tính toán của Liên Hiệp quốc, cơ hội đầu tư vào khu vực ASEAN sử dụng các công cụ tài chính xanh trong giai đoạn từ 2016 đến 2030 ước tính là 3 nghìn tỷ USD, trong đó khoảng 60% là đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu lên tới 3,1 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2030. Mặc dù, tất cả các nước ASEAN đều cam kết thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), nhiều quốc gia không có cơ chế tài chính đầy đủ và ít quốc gia thực hiện kiểm tra hoạt động tài chính để đảm bảo triển khai hiệu quả SDGs.
Với những thách thức này, ngành Tài chính cần đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực tài chính để hiện thực hóa mục tiêu bền vững, cũng như đóng vai trò là chất xúc tác cho sự thay đổi mô hình kinh tế. Việc xây dựng một nền tài chính bền vững là yêu cầu cấp thiết hiện nay của khu vực ASEAN nhằm thực hiện đồng thời hai mục tiêu: (i) Thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; (ii) Tăng cường sự đa dạng văn hóa và phúc lợi xã hội.
Tổng quan về tài chính bền vững trong khu vực ASEAN
Nhóm nghiên cứu tài chính bền vững G20 mô tả tài chính bền vững là “Các dịch vụ, sản phẩm, quy trình tài chính, cũng như các thỏa thuận về thể chế và thị trường đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững”. Tài chính bền vững là một lĩnh vực mà tất cả các nước thành viên ASEAN đều quan tâm.
Tuy nhiên, do chênh lệch về trình độ phát triển, thực trạng tài chính bền vững của mỗi quốc gia cũng khác nhau. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia có những tiến bộ riêng trong từng khía cạnh khác nhau của tài chính bền vững. Khái niệm tài chính bền vững bao quát nhiều lĩnh vực ngân hàng, thị trường vốn và bảo hiểm. ASEAN đang tập trung phát triển thị trường vốn với các công cụ tài chính xanh như một giải pháp thúc đẩy tài chính bền vững trong ASEAN.
Chính thức hóa các nỗ lực tài chính bền vững
Với sự khác biệt về trình độ phát triển trong khu vực ASEAN, năng lực tài chính bền vững tại mỗi quốc gia thành viên là khác nhau. Nhiều nước ASEAN đã có lộ trình để chính thức hóa các nỗ lực tài chính bền vững của họ thông qua việc đưa ra các chính sách kế hoạch hành động để thúc đẩy hoặc tăng cường tài chính bền vững. Việc chính thức hóa cũng có thể được thực hiện dưới hình thức một cơ quan điều phối quốc gia được ủy quyền thích hợp cho lĩnh vực tài chính bền vững.
Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) đã công bố Lộ trình Tài chính bền vững cho Indonesia vào năm 2014 với chương trình làm việc chi tiết cho tất cả các tổ chức tài chính theo kế hoạch của OJK. Theo đó, Kế hoạch hoạt động của OJK tập trung vào việc gia tăng nhu cầu và năng lực cung cấp tài chính thân thiện với môi trường, tăng cường giám sát và phối hợp thực hiện tài chính bền vững.
Tại Malaysia, Bộ Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Malaysia (SCM) thành lập và chủ trì Lực lượng Đặc nhiệm tài chính xanh Malaysia (MGFT), để tạo điều kiện đầu tư vào năng lượng tái tạo hướng tới mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 20%. MGFT bao gồm 9 thành viên đại diện cho các cơ quan quản lý tài chính, nhà đầu tư tổ chức, ngân hàng, nhà quản lý tài sản và các cơ quan chính phủ liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo. Malaysia cũng thành lập Trung tâm tài chính xuất sắc xanh để tập trung nghiên cứu các sáng kiến trong lĩnh vực tài chính xanh.
Để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, ngành Tài chính các nước ASEAN cần đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực tài chính để hiện thực hóa mục tiêu bền vững, cũng như đóng vai trò là chất xúc tác cho sự thay đổi mô hình kinh tế. Việc xây dựng một nền tài chính bền vững là yêu cầu cấp thiết hiện nay của khu vực ASEAN nhằm thực hiện đồng thời hai mục tiêu: (i) Thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; (ii) Tăng cường sự đa dạng văn hóa và phúc lợi xã hội.
Thái Lan đã thành lập Nhóm công tác về Tài chính bền vững bao gồm: Ngân hàng Thái Lan, Bộ Tài chính Thái Lan, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan (SECT), Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm và Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET). Nhóm công tác này phối hợp các chính sách và hành động để hỗ trợ phát triển hệ thống tài chính bền vững. SECT cũng thành lập một ủy ban và nhóm công tác để thu hút các đại diện từ sàn giao dịch chứng khoán, cơ quan chính phủ và hiệp hội công nghiệp về tài chính bền vững.
Bên cạnh đó, một ủy ban và nhóm công tác khác cũng đã xây dựng Lộ trình Tài chính bền vững cho thị trường vốn Thái Lan như một phần trong kế hoạch chiến lược của SECT giai đoạn 2020-2022 với các lĩnh vực hoạt động chính gồm: (i) Hình thành các nhà phát hành mạnh trên cơ sở khuyến khích và tạo thuận lợi cho các công ty niêm yết, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ, kết hợp các lĩnh vực thuộc các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) với các chiến lược và hoạt động hợp tác; (ii) Khuyến khích các nhà đầu tư áp dụng các nhân tố ESG đối với quy trình ra quyết định; (iii) Hỗ trợ việc hình thành các nhà giám sát địa phương, nhằm tạo lòng tin trên thị trường; (iv) Thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm bền vững để đáp ứng các nhu cầu đa dạng trên thị trường; (v) Hợp tác với các đối tác liên quan để cùng định hướng phát triển tài chính bền vững.
Tại Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các kế hoạch, chiến lược hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, đặc biệt là Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.
Theo đó, Bộ Tài chính Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động trong ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu trong giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó khuyến nghị áp dụng các cơ chế và chính sách để phát triển thị trường trái phiếu xanh.
Singapore đã đưa ra Kế hoạch hành động tài chính xanh bao gồm: Việc giới thiệu các hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường cho các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và quản lý tài sản; cung cấp các chương trình hỗ trợ cho vay liên kết xanh và bền vững; các dự án liên kết với các viện nghiên cứu và trường đại học được công nhận để đóng góp cho các chương trình đào tạo và nghiên cứu khí hậu tập trung tại châu Á.
Philippines đang xây dựng kế hoạch thành lập một nhóm công tác gồm nhiều cơ quan có tên là "Lực lượng xanh" để phối hợp xây dựng tài chính xanh. Một số nước thành viên khác cũng đã xây dựng các chiến lược xanh toàn diện và có liên kết với tài chính xanh.
Triển khai tài chính bền vững trong ASEAN
Thời gian qua, Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN đã ban hành Bộ tiêu chuẩn chung thống nhất trong ASEAN đối với các trái phiếu được định danh là trái phiếu xanh ASEAN, trái phiếu xã hội ASEAN và trái phiếu bền vững ASEAN. Các tiêu chuẩn này bao gồm: Tiêu chuẩn trái phiếu xanh ASEAN, Tiêu chuẩn trái phiếu xã hội ASEAN và Tiêu chuẩn trái phiếu bền vững ASEAN được xây dựng dựa trên các nguyên tắc/hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế được cụ thể hoá nhằm mục đích áp dụng một cách nhất quán trong toàn khu vực ASEAN.
Để khuyến khích phát hành trái phiếu bền vững, một số quốc gia thành viên ASEAN đã đưa ra những ưu đãi cho các tổ chức phát hành dưới hình thức tài trợ, ưu đãi thuế hoặc miễn lệ phí. Ngoài ra, một số nước còn áp dụng miễn thuế cho các cơ quan quản lý quỹ đối với các khoản phí nhận được từ việc quản lý các quỹ đầu tư bền vững và uy tín.
Minh bạch và công bố thông tin là những trụ cột quan trọng của thị trường vốn. Minh bạch và công khai sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định phân bổ nguồn lực và đầu tư tốt hơn. Tuy nhiên, công bố thông tin phải đảm bảo chất lượng, kịp thời và nhất quán. Hiện tại, có một số tiêu chuẩn báo cáo thường được sử dụng, với các khung tiêu chuẩn của Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu, Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Bền vững, Hội đồng Báo cáo Tích hợp Quốc tế và Lực lượng Đặc nhiệm về Tài chính liên quan đến Khí hậu Tiết lộ. Một số quốc gia thành viên trong ASEAN cũng đã có các yêu cầu về báo cáo và công bố thông tin đối với các trái phiếu xanh.
Trụ cột để xây dựng chiến lược tài chính bền vững trong ASEAN
Một chiến lược tài chính bền vững cần có các trụ cột bền vững nâng đỡ. Trong khu vực ASEAN, để xây dựng chiến lược tài chính bền vững cần áp dụng các trụ cột sau: (i) Chính sách; (ii) Phối hợp; (iii) Kiến thức và giáo dục; (iv) Cung - cầu thị trường. Cụ thể như sau:
Trụ cột chính sách
Trong điều kiện lý tưởng, chính sách tài chính bền vững nên được xây dựng từ các chính sách quốc gia. Hiện tại, không phải nước thành viên nào cũng có chính sách quốc gia về tài chính bền vững hoặc tài chính xanh. Việc xây dựng các chính sách quốc gia là một quá trình phức tạp và cần có thời gian. Tuy nhiên, lộ trình tài chính bền vững có thể bắt đầu trước khi các chính sách cứng rắn được đưa ra, dù ở cấp quốc gia hay khu vực.
Việc áp dụng các chính sách “mềm” có thể nhanh hơn và mở đường cho các chính sách “cứng rắn”. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính các nước trong khu vực ASEAN đóng vai trò rất quan trọng trong việc cân đối ngân sách nhà nước để phân bổ cho các dự án bền vững. Bộ Tài chính phối hợp với các bộ đưa ra các chính sách mềm về áp dụng tài chính bền vững để tài trợ cho các dự án bền vững; đồng thời, áp dụng cách tiếp cận toàn diện để tài trợ cho các dự án đó.
Trụ cột phối hợp
Hiện tại, nỗ lực xây dựng nền tài chính bền vững cho thị trường vốn trong khu vực ASEAN tập trung vào các khía cạnh khác nhau của thị trường vốn. Bên cạnh tiếp tục nâng cao việc phối hợp giữa các nước thành viên trong khu vực, chúng ta cũng cần tăng cường sự hợp tác với các bên liên quan khác như: Các nhà đầu tư, tổ chức phát hành, bên trung gian, cơ quan quản lý khác, Ngân hàng Phát triển đa phương, Tổ chức Phi chính phủ, tổ chức từ thiện và các nhà giáo dục. Việc hợp tác này là những động lực cần thiết và hỗ trợ tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực còn hạn chế.
Trụ cột kiến thức và giáo dục
Trụ cột này cũng rất quan trọng ở tất cả các cấp chính quyền, doanh nghiệp và xã hội. Tài chính bền vững không thể chuyển sang cấp độ tiếp theo nếu các nhân tố và các bên liên quan không có năng lực hoặc đánh giá đúng về tình huống thực tế. Kiến thức và giáo dục sẽ mang lại mối quan hệ đối tác tốt nhất với cả khu vực công và tư nhân ở tất cả các thời điểm và phân khúc xã hội khác nhau.
Trụ cột cung - cầu
Yếu tố cốt lõi của tài chính bền vững là cung - cầu. Xây dựng cung - cầu đối với đầu tư bền vững và sử dụng yếu tố này để hỗ trợ cho các dự án bền vững trong nền kinh tế thực để tạo ra một chu kỳ. Các yếu tố khác nhau sẽ tạo ra những nhu cầu khác nhau về tài chính xanh và việc thực hiện các mục tiêu SDG trong ASEAN. Để tăng cường nhu cầu, phải có một hệ thống phát hành, đầu tư và các loại tài sản có thể đầu tư nhất quán và minh bạch.
Do đó, điều quan trọng là phải có các nguyên tắc phân loại, tiêu chuẩn và định danh phù hợp, cũng như khung công bố và báo cáo rõ ràng. Để xây dựng cả cung và cầu, cần kết nối các nhà đầu tư với tổ chức phát hành để tạo điều kiện cho dòng vốn. Cơ chế tạo thuận lợi cũng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa sự không phù hợp trong yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức phát hành và nhu cầu dự án.
Tóm lại, các trụ cột trên sẽ là định hướng để các nước thành viên ASEAN xây dựng nên các khuyến nghị và giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thị trường vốn phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, do thị trường vốn và thị trường tài chính bền vững rất năng động, do đó, các khuyến nghị và kế hoạch hành động nên được xây dựng và rà soát định kỳ để đảm bảo rằng các thông tin sẽ được cập nhật kịp thời, phù hợp với tình hình thị trường và mang lại hiệu quả ứng dụng cao./.