Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh hiện nay


Những năm gần đây, thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thương mại điện tử vẫn tăng trưởng ấn tượng, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì thương mại điện tử ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức, cần có giải pháp để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.

Những kết quả đạt được

Để tạo môi trường hành lang pháp lý cho thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Điển hình như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT (thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch TMĐT được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh); Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TMĐT giai đoạn 2014-2020.

Từ năm 2005 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có các chính sách lâu dài và nhất quán nhằm phát triển TMĐT với các kế hoạch tổng thể cho từng giai đoạn 5 năm, gần đây nhất là Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 của Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đây chính sách quan trọng với những giải pháp toàn diện và nguồn lực cụ thể làm cơ sở cho thị trường TMĐT phát triển trong giai đoạn 5 năm tới.

Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh hiện nay - Ảnh 1

Nhờ hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, thị trường TMĐT ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Theo Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương (2020), trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm. Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong năm 2020 khoảng 49,3 triệu người với giá trị mua sắm mỗi người trung bình khoảng 240 USD. Tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến năm 2020 ở Việt Nam chiếm 88%, trong khi đó năm 2019 là 77%.

Số liệu thống kê (Hình 1) cho thấy, các loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua online nhiều nhất là thực phẩm (52%); quần áo, giày dép, mỹ phẩm (43%); thiết bị đồ dùng gia đình (33%)…

Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh hiện nay - Ảnh 2

Trong số các kênh mua sắm online, website TMĐT và các sàn giao dịch TMĐT năm 2020 tăng vượt bậc, với tỷ lệ người mua tăng vọt từ mức 52% lên 74%. Trong khi đó, tỷ lệ người mua hàng trên các kênh diễn đàn, mạng xã hội và các ứng dụng di động lại giảm so với năm trước.

Việc thanh toán mua sắm online chủ yếu vẫn qua hình thức tiền mặt khi nhận hàng (COD) nhưng năm 2020 tỷ lệ này đã giảm từ 86% xuống còn 78%. Đặc biệt, báo cáo ghi nhận tỷ lệ thanh toán qua ví điện tử và thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ cào đã tăng hơn so với năm trước (mặc dù mức độ vẫn còn thấp).

Ngoài ra, giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người dùng trong năm 2020 cũng tăng cao hơn so với năm 2019. Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, có khoảng 57% số người tiêu dùng cho biết đã đặt hàng trên mạng nhiều hơn. Nhờ đó, doanh thu thương mại điện điện tử B2C (doanh nghiệp - người tiêu dùng) liên tục tăng mạnh. Nếu như năm 2016, con số này chỉ đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019 đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD (Hình 2).

Báo cáo TMĐT các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Brain và Company dự đoán, tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của TMĐT Việt Nam là 29%. Dự báo đến năm 2025, quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.

Một số hạn chế, tồn tại

Mặc dù, thị trường TMĐT Việt Nam phát triển khá nhanh và ấn tượng, nhưng thực tiễn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể là, quy mô phát triển TMĐT giữa các địa phương chưa đồng đều. Chỉ số TMĐT năm 2021 phản ánh rõ ràng khoảng cách giữa các địa phương. Điểm số trung bình của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vượt xa điểm số trung bình của nhóm năm địa phương tiếp theo. Các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nam Bộ có mức độ phát triển TMĐT thấp nhất. Tình hình này cho thấy các địa phương chưa khai thác được những cơ hội do TMĐT mang lại, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến chậm mở rộng quy mô kinh doanh và tăng trưởng bền vững.

Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh hiện nay - Ảnh 3

Bên cạnh đó, việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch còn khá phổ biến; thách thức cạnh tranh giữa các sàn TMĐT trong nước với sàn TMĐT nước ngoài; niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến chưa cao; thách thức về an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch TMĐT; hoạt động vận tải giao nhận hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, nhân lực hiểu rõ và tham gia vận hành hệ thống TMĐT còn thiếu.

Hơn nữa, nguồn nhân lực cho TMĐT và đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển TMĐT trong nước. Trong 3 năm trở lại đây, xu hướng doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về TMĐT và công nghệ thông tin ngày càng tăng (Hình 3).

Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh hiện nay - Ảnh 4

Kỹ năng quản trị website và sàn giao dịch TMĐT vẫn là kỹ năng được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất trong những năm gần đây. 46% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ gặp khó khăn khi cần tuyển dụng lao động có kỹ năng này (Hình 4).

Đề xuất giải pháp

Để tiếp tục đưa TMĐT phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Đối với Nhà nước

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số.

Hai là, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT. Các giao dịch TMĐT đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia tin học mạnh, thường xuyên bắt kịp các thành tựu công nghệ thông tin mới phát sinh để phục vụ cho TMĐT và có khả năng thiết kế các phần mềm đáp ứng các nhu cầu của kinh tế số hóa. Do đó, cần tổ chức nhiều khoá đào tạo ngắn hạn, các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo hay nói chuyện chuyên đề ở nhiều cấp khác nhau, nhiều địa phương khác nhau nhằm phổ biến cho mọi người dân, mọi đối tượng và mọi thành phần kinh tế những kiến thức cơ bản nhất về internet/website và TMĐT. Bên cạnh đó, cần triển khai các chương trình đào tạo về TMĐT ở bậc đại học, cao đẳng trên địa bàn các tỉnh, thành phố để nâng cao kiến thức cho đội ngũ nhân lực TMĐT.

Ba là, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT với việc cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho TMĐT, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics; khuyến khích thí điểm và triển khai ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong TMĐT; Xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến các dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho TMĐT bao phủ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bốn là, đảm bảo an toàn cho các giao dịch TMĐT, ngăn chặn hiệu quả tình trạng doanh nghiệp bị tấn công vào các website hay các hành vi buôn lậu, bán hàng giả…

Đối với doanh nghiệp

Thứ nhất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đây là một trong các tiêu chí hàng đầu quyết định đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng, cũng như khả năng giữ chân khách hàng của doanh nghiệp.

Thứ hai, đầu tư hợp lý cho xây dựng cửa hàng trực tuyến, cải thiện chất lượng hình ảnh, thông tin trên các cửa hàng. Việc này giúp tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, bởi cửa hàng trực tuyến giúp khách hàng dễ dàng truy cập website của doanh nghiệp và nhanh chóng tìm thấy những thứ mà họ đang cần, cho phép doanh nghiệp điều tra được thị hiếu của khách hàng thông qua thống kê lượt mua, lượt truy cập...

Thứ ba, đẩy mạnh tiếp thị thông qua kênh truyền thông xã hội. Mạng xã hội này sẽ cung cấp cho doanh nghiệp công cụ cần thiết để tiếp cận khách hàng mục tiêu, từ đó giúp tăng lưu lượng truy cập vào website của doanh nghiệp cũng như tăng doanh thu bán hàng.

Thứ tư, đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ, hạ tầng phần mềm lẫn phần cứng, nhằm đảm bảo an toàn thông tin khách hàng và giao dịch, góp phần nâng cao lòng tin của người mua đối với hoạt động trực tuyến, nâng cao hình ảnh thương hiệu cho doanh nghiệp.

Thứ năm, chú trọng vào các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Các dịch vụ khách hàng mà doanh nghiệp cung cấp là một công cụ đắc lực giúp họ phát triển, duy trì quan hệ với khách hàng và phát triển TMĐT bởi trải nghiệm mà doanh nghiệp mang đến sẽ tác động và quyết định phần lớn đến việc khách hàng có mua sản phẩm, dịch vụ đó hay không.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2020), Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025;

2. Cục thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (2020), Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2020;

3. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (2021), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021;
Google, Temasek, Brain&Company (2019), E-Conomy SEA 2019.

* ThS. GVC. Lê Thanh Thủy - Khoa Viễn thông 1 – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 11/2021.