Phía sau con số xuất khẩu gạo kỷ lục


Năm 2023 được đánh giá là năm thành công của ngành lúa gạo Việt Nam khi đã xô đổ nhiều kỷ lục thiết lập trước đó. Tuy nhiên, ngành cũng đứng trước những thách thức để phát triển bền vững hơn.

Gỡ điểm nghẽn để ngành lúa gạo phát triển bền vững hơn. 
Gỡ điểm nghẽn để ngành lúa gạo phát triển bền vững hơn. 

Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), đầu năm 2021, giá gạo đạt ngưỡng 550 USD/tấn, nhưng đến khoảng giữa năm 2022, con số này giảm xuống sát 460 USD/tấn, sau đó tăng cao đột biến trong năm 2023. Giá thời điểm cao nhất được ghi nhận vào tháng 10/2023, đạt 640 USD/tấn. Cá biệt, một số doanh nghiệp có thể đạt thỏa thuận sát ngưỡng 800 USD/tấn.

Nhiều nhà nhập khẩu tăng mua

Theo ông Hòa, gạo Việt Nam ngày càng có nhận diện về thương hiệu trên bản đồ thế giới. Phân tích tình hình thời gian tới, lãnh đạo Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Do lượng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn, ông Hòa nhấn mạnh: “Đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam”.

Ông Subramanian - đại diện Công ty Ssresource Media (Singapore) bày tỏ ngạc nhiên khi sau 14 năm, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu về lúa gạo. Do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu nên năm 2024 thị trường có những phản ứng có lợi cho lúa gạo Việt Nam. Để cập nhật được thông tin về thị trường, Việt Nam có thể thai khác từ nhiều nguồn mở trên Internet, qua đó có thể hiểu được quan hệ cung - cầu trong thời gian tới, hiểu được về xu hướng giá của lúa gạo.

“Ngay bây giờ, trong bối cảnh nguồn cung thu hẹp, thị trường trước mùa Giáng sinh và trước tháng Ramadan sẽ thúc đẩy nhu cầu của châu Á chủ yếu từ Indonesia, Philippines và Malaysia”, ông Subramanian ví dụ.

Trong khi đó, ông Renzo Moro từ Đại sứ quán Italia tại Việt Nam cho biết, quy mô thị trường gạo Italia dự kiến sẽ tăng từ 2,23 tỷ USD vào năm 2023 lên 2,83 tỷ USD vào năm 2028. Hiện quốc gia này trồng lúa chủ yếu tại miền Bắc, vùng Piemonte, Lombardia và Veneto. Tiêu thụ gạo của Italia đã tăng đều đặn trong vài năm qua. Thông qua Hiệp định EVFTA, Italy tăng cường nhập khẩu gạo từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. “Với những sản phẩm đạt đầy đủ chất lượng và có giấy chứng nhận, Italia luôn chào đón”, ông Renzo Moro nói.

Ông Denny Abdi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam cho biết, hai quốc gia Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm chung và là bạn hàng quan trọng của nhau về mặt hàng lúa gạo.

Theo Đại sứ Indonesia, khu vực Đông Nam Á có thế mạnh về sản xuất lúa gạo. 5 quốc gia sản xuất lúa hàng đầu, gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Myanmar giữ nguồn cung quan trọng trong thị trường lúa gạo toàn cầu.

Để các quốc gia trong khu vực duy trì, nâng cao hơn nữa vị thế, ông Abdi đề xuất các quốc gia xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế và hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư.

Nông dân trồng lúa phải khá giả

TS. Cao Thăng Bình - Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB), nhìn nhận khi các nước xuất khẩu có xu hướng giảm lượng, thậm chí tạm ngưng xuất khẩu đã tạo cơ hội cho gạo của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo của Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều thách thức như năng suất gần như đã kịch trần.

 

11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022, ước đến cuối năm 2023 đạt 5 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Theo Chuyên gia Cao Thăng Bình, khi sử dụng sản phẩm nào đó, mà nông dân nghèo thì vị thế chưa phải cao. “Đơn cử chúng ta sử dụng sản phẩm của New Zealand cũng có cách nhìn khác khi thu nhập của nông dân nước họ rất tốt”, ông nói. Vì vậy, hình ảnh nông dân sản xuất gạo của Việt Nam cần phải tươi vui, khá giả, chứ không phải nông dân “tôi nghèo lắm, mua lúa cho tôi đi”.

“Trong tương lai, người tiêu dùng thế giới có trách nhiệm sẽ tìm đến người sản xuất có trách nhiệm. Vì vậy, cần củng cố giúp cho người nông dân Việt Nam khá giả và sản xuất có trách nhiệm hơn, từ đó đóng góp cho hành tinh xanh”, vị chuyên gia WB nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, ông Cao Đức Phát - Chủ tịch HĐQT Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, nhìn nhận ngành lúa gạo Việt Nam có 2 thách thức phải giải quyết, đó là nâng cao thu nhập cho nông dân và chuyển đổi sản xuất xanh để thích ứng biến đổi khí hậu. Nếu không thay đổi thì ngành hàng lúa gạo sẽ không thể phát triển bền vững được.

Thực tế hiện nay, ở nhiều nơi đã có hiện tượng nông dân bỏ ruộng hoặc bỏ vụ, do không thể sống được bằng nghề trồng lúa. Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long mới được Chính phủ Việt Nam phê duyệt và đã được Bộ NN&PTNT phát động triển khai là hướng đi tích cực cho ngành hàng lúa gạo. Tuy nhiên, cần có những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.

Theo ông Phát, nông dân Việt Nam có diện tích sản xuất trung bình rất nhỏ, chỉ khoảng 0,6 ha/hộ, vậy 1 triệu ha sẽ có khoảng 1,5 triệu hộ tham gia, cần phải được tập huấn, đào tạo để thay đổi tập quán sản xuất. Cùng với đó là phải đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vay vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ sản xuất. Ông nhìn nhận phải tạo ra thị trường mới, biến mong ước giảm phát thải nhà kính trở thành lợi ích của nông dân.

Dự báo về thị trường cuối năm và nửa đầu năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa cho rằng tình hình tiếp tục thuận lợi. Do đó, ông đề xuất tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.

Theo đó, ngành lúa gạo Việt Nam cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, hình thành vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu quy mô lớn, trung tâm logistic, tổ chức sản xuất theo hướng an toàn và bền vững, hoàn thiện các tiêu chuẩn, chuẩn hóa giống, quy trình canh tác, tăng cường chế biến sâu, thúc đẩy logistics phát triển thị trường lúa gạo trong nước và xuất khẩu với cơ cấu giống phù hợp, chủ lực theo chiến lược xuất khẩu gạo (gạo đặc sản, gạo thơm, gạo chất lượng cao…).

Theo Nhật Linh/vnbusiness.vn