Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ định hướng những công tác lớn của ngành Tài chính

PV.

Ngày 02/7/2016, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành Tài chính trong công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách 6 tháng đầu năm 2016. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá “Bộ Tài chính đã có nhiều đề xuất tham mưu rất đột phá để đảm bảo cân đối vĩ mô, đảm bảo thu chi ngân sách theo mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Đó là bản lĩnh và sự nỗ lực tiếp tục vượt khó đi lên.

Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng lưu ý ngành Tài chính nói chung và Bộ Tài chính nói riêng quán triệt và tiếp tục quyết liệt thực hiện tốt Chỉ thị số 22 ngày 03/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2016. Trong đó, ngành Tài chính cần chú trọng thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu chi ngân sách tài chính. Trong đó, đối với thu thuế nội địa, cần tích cực mở rộng cơ sở thuế, đặc biệt là thuế ngoài quốc doanh, xem xét lại thuế khoán, chế độ hóa đơn chứng từ; đối với vấn đề về hải quan, cần kiểm soát chặt giá tính thuế hải quan, tăng cường quản lý cửa khẩu nhập. Rà soát lại chính sách thu, tăng cường quản lý các chính sách miễn, giảm, giãn, hoàn thuế, đảm bảo chính sách thuế đồng bộ, nhất quán, công khai và minh bạch.

Một trong những nội dung liên quan đến công tác thu ngân sách được Phó Thủ tướng lưu ý, đó là về lập dự toán thu. Phó Thủ tướng cho biết, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng ngân sách trung ương hụt thu mà ngân sách địa phương có doanh thu khá. Cho nên, cần xem xét cách thức lập dự toán cho hợp lý, việc điều chỉnh cơ cấu thu giữa địa phương và trung ương một cách hợp lý. Theo Phó Thủ tướng, tùy đặc thù địa phương, căn cứ thực tế hằng năm, chỉ tiêu về thu ngân sách mỗi địa phương có thể điều chỉnh khác nhau, không nhất thiết mọi tỉnh đều năm sau thu phải tăng so với năm trước. Cần tính đến cả trường hợp, có tỉnh sẵn sàng chấp nhận không cần tăng thu trong năm tài khóa cụ thể. Tuy nhiên, tính chung tổng thể thu ngân sách của cả nước thì phải tăng. Việc này không dễ, nhưng phải làm bắt đầu từ năm 2017. Đặc biệt, “cần quán triệt nguyên lý tăng thu để tăng chi cả khi lập dự toán và điều hành, đề nghị các địa phương tăng thu để tăng chi và cắt giảm các khoản chi không cần thiết, chi trong khả năng cho phép; kiên quyết bố trí khoán thu và thu hồi nợ đọng.

Để đảm bảo thu chi ngân sách, an toàn nợ công cần đẩy mạnh NQ 19/NQ-CP và NQ 35/NQ-CP của Chính phủ, kiên quyết không ban hành thêm chính sách gây khó khăn cho doanh nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh khai thác những ngành công nghiệp sử dụng năng lượng để tiết kiệm chi ngân sách.

Về vấn đề giải ngân đầu tư công, cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, theo dõi diễn biến kịp thời để giải ngân theo dự toán, tránh giải ngân cao hơn; sớm hoàn thiện đề án cân đối thu chi ngân sách và đảm bảo an ninh nợ công, phối hợp với Bộ Kế hoạchXây dựng đề án tái cơ cấu đầu tư công trung hạn, tập trung vào các Dự án trọng điểm, quan trọng về dân sinh, xóa đói giảm nghèo.

Về tái cơ cấu DNNN, cần sớm trình Chính phủ sửa đổi NĐ 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020; rà soát tăng cường thanh tra, kiểm tra trong công tác thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp, chủ động tham mưu cho Chính phủ những vấn đề tồn đọng theo nguyên tắc thị trường.

Về thị trường vốn, cần sớm hoàn thành Đề án trình Chính phủ về hợp nhất 2 Sàn Giao dịch chứng khoán.

Về vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng các phương án giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, đặc biệt cần có chính sách tổng thể trong hỗ trợ ngư dân, đồng bào một số tỉnh miền Trung khắc phục môi trường, giúp đồng bào sớm ổn định đời sống; có chính sách hỗ trợ nước sạch cho đồng bào các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.