Phối hợp hiệu quả trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế
Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, chạy theo doanh thu; đặc biệt phải kết nối chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) trong công tác khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT)… Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra với ngành Y tế nhằm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế
Theo Bộ Y tế, trong năm 2019, cùng với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90% dân số, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, ngành y tế đã ứng dụng rộng rãi CNTT trong quản lý bệnh án, theo dõi hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý Quỹ BHYT, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc; đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT, đổi mới cơ chế tài chính y tế. Bộ đã ban hành bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý KCB và thanh toán BHYT, sử dụng tại trên 12.000 cơ sở y tế; hướng dẫn các cơ sở KCB trích chuyển dữ liệu lên Cổng Tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ BHYT, quản lý cung ứng dịch vụ KCB.
Năm 2019, Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam xây dựng và ban hành Thông tư giá dịch vụ KCB theo mức lương cơ sở mới. Tiếp tục rà soát, phân loại dịch vụ, khảo sát, điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật và xây dựng giá dịch vụ bao gồm cả chi phí quản lý. Việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương chuyển chi thường xuyên từ NSNN cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Năm 2019, đã sử dụng khoảng 32.000 tỷ đồng chi sự nghiệp y tế (chiếm khoảng 35%) để hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách tham gia BHYT.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế triển khai cho thấy công tác KCB BHYT còn một số khó khăn, bất cập, đặc biệt là những vướng mắc trong thanh quyết toán kinh phí KCB BHYT. Một số cơ sở KCB giữ hồ sơ, chậm gửi dữ liệu lên Hệ thống thông tin giám định BHYT; một số đơn vị gửi số liệu chưa chuẩn xác hay số tiền sai lệch ảnh hưởng đến việc thanh quyết toán tạm ứng chi phí KCB BHYT. Bên cạnh đó, theo kết quả kiểm toán của KTNN, không ít bệnh viện còn tình trạng áp giá sai một số dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư, chỉ định dịch vụ kỹ thuật không phù hợp… nên cơ quan BHXH từ chối thanh toán.
Tăng cường kết nối để phục vụ nhân dân
Từ thực tế trên, tại Hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2020 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, ngành y tế cần rút ngắn thời gian chờ đợi, giải quyết các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, chạy theo doanh thu. Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế đẩy mạnh minh bạch hóa từ quy trình, thu, chi hưởng lương trong bệnh viện, công bằng giữa các bộ phận và phải kết nối chặt chẽ với BHXH, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giữa 2 cơ quan để phục vụ tốt nhất cho nhân dân. “Thời gian vừa qua, chúng ta đã giải quyết được rất nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể giữa 2 cơ quan là Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, bước đầu hình thành được một nền nếp làm việc mới. Phải từ bỏ quan niệm Bộ Y tế là cấp trên của BHXH Việt Nam, Sở Y tế là cấp trên của BHXH các địa phương. Mỗi cơ quan có một chức năng, chúng ta phải làm đúng chức năng của mình và tất cả là vì nhân dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về tình hình tổ chức KCB BHYT năm 2020, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, tính đến ngày 31/12/2019, Hợp đồng KCB BHYT năm 2020 cơ bản đã được ký kết giữa các cơ sở KCB và cơ quan BHXH các cấp. Đối với một số cơ sở KCB chưa tham gia ký kết Hợp đồng, cơ quan BHXH đang tiếp tục phối hợp với Sở Y tế địa phương để thống nhất giải pháp khắc phục sớm nhất, giúp đảm bảo quyền lợi của cơ sở KCB, nhân viên y tế và quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT đăng ký KCB tại cơ sở.
Đối với việc thực hiện dự toán kinh phí KCB BHYT năm 2020, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho rằng, cần sự chủ động, điều tiết của Bộ Y tế, sự phối hợp giữa BHXH Việt Nam cũng như của các cơ sở KCB để quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ đến các cơ sở KCB đạt hiệu quả cao nhất. Trước mắt, với tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố ứng đầy đủ nguồn kinh phí KCB của quý I/2020; đồng thời, thống nhất với ngành y tế về vấn đề bổ sung nguồn kinh phí đặc thù cho việc chống dịch; phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm và hiệu quả với ngành y tế tại địa phương, cùng với ngành y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đối với ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng, phát triển hệ thống CNTT, cung cấp các nội dung về chỉ tiêu, thông tin, nguồn lực trong lĩnh vực y tế để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng CNTT trong lĩnh vực KCB, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, nhanh chóng giải quyết căn cơ về mặt cơ chế, chính sách liên quan đến BHYT, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong việc thực hiện chính sách BHYT giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế.