Phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2022
Sáng ngày 5/5/2022, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá công tác tài chính - ngân sách tháng 4/2022 và triển khai nhiệm vụ tháng 5/2022. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì hội nghị.
Thu ngân sách nhà nước khả quan
Báo cáo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, thu ngân sách nhà nước do cơ quan hải quan quản lý trong tháng 4/2022 giảm so với tháng 3/2022 do nguyên nhân chính là lượng xăng dầu giảm, tương ứng giảm thu ngân sách 2.400 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm, thu ngân sách của hải quan đạt 40% so với chỉ tiêu phấn đấu của Bộ Tài chính, có được kết quả này là do ngành Hải quan đã tích cực thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi thương mại.
Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hiện Tổng cục Hải quan đang tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện 4 nghị định. Về thực hiện Quyết định số 97/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số, Tổng cục Hải quan đã xin ý kiến các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ Tài chính, tiếp thu ý kiến và kiến nghị làm rõ một số nội dung tại Quyết định. Sau khi có ý kiến của Bộ, cơ quan Hải quan sẽ triển khai theo đúng Quyết định, phát hành hồ sơ thầu, điều chỉnh kế hoạch... theo đúng quy định, công khai minh bạch.
Về chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong tháng 4/2022, cơ quan hải quan tập trung đấu tranh bắt giữ số lượng lớn ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh; phối hợp lực lượng chuyên trách của Bộ Công an triệt phá nhiều vụ án lớn.
Tại điểm cầu Tổng cục Thuế, ông Phi Vân Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước khả quan so với dự toán. Trong đó, số thu thuế phí đạt 421 nghìn tỷ đồng.
Với các chính sách giảm, giãn thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 năm 2021 chuyển sang và chính sách miễn, giảm thuế năm 2022 thì tổng số tiền miễn giảm ước tính khoảng 14.600 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế đã thực hiện đúng tiến độ, chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm phát luật. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế đã hoàn thành 1 quyết định, 1 thông tư và đang thực hiện các nghị định, thông tư sửa đổi.
Về thực hiện hóa đơn điện tử, ngày 21/4/2022, hệ thống hóa đơn điện tử đã được kích hoạt. Đến nay, đã có 681 nghìn doanh nghiệp đăng ký thực hiện hóa đơn điện tử. Ngoài 6 tỉnh đã thực hiện giai đoạn 1, 57 tỉnh giai đoạn 2 đến nay tiến độ thực hiện hóa đơn điện tử đạt khả quan. Tất cả các địa phương đều đạt trên 50% doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký sử dụng, nhiều địa phương đã đạt tới 70%, 80%, 90% doanh nghiệp đăng ký.
Bên cạnh đó, công tác thực hiện nộp thuế điện tử Etax mobile đến nay đã đạt trên 43 nghìn người nộp thuế đăng ký tài khoản nộp thuế theo ứng dụng. Đây là phương thức mở rộng dịch vụ cho người nộp thuế, đặc biệt là người nộp thuế cá nhân. Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài cũng được công bố ngày 21/4, đến nay đã đạt 13 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, trong đó 5 nhà cung cấp đã khai nộp 42,3 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đã báo cáo kết quả công tác đã đạt được trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, các Thứ trưởng đã có những chỉ đạo cụ thể đối với từng nội dung công tác của các đơn vị.
Phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị các đơn vị khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các luật sẽ trình Quốc hội nhiệm kỳ này, các nghị định theo chương trình, nhiệm vụ.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị phối hợp tốt thực hiện nhiệm vụ công tác tài chính ngân sách theo dự toán năm 2022 đã được phê duyệt, đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính. Trong đó, tăng cường công tác quản lý thu ngân sách; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung huy động vốn theo dự toán ngân sách năm 2022 đã được Quốc hội phê duyệt; đánh giá khả năng huy động vốn trong nước để có kế hoạch phù hợp, trong đó có đánh giá về lãi suất...
Về triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, các đơn vị cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham gia phân bổ vốn đầu tư theo các chương trình, theo các dự án, xem xét khả năng giải ngân trong năm 2022 - 2023. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội về xây dựng chính sách cấp bù lãi suất, qua đó xem xét nhiệm vụ huy động vốn để cấp bù lãi suất.
Thứ trưởng giao Vụ Ngân sách nhà nước chủ trì đánh giá tổng thể về khả năng thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách, đánh giá khả năng thu chi ngân sách cũng như yêu cầu vay thêm. Các đơn vị liên quan như Tổng cục Thuế, Cục Quản lý công sản cần đánh giá hoàn thiện các văn bản như: nghị định về việc giãn, hoãn, giảm tiền thuê đất, giãn hoãn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước... để hoàn thiện chương trình hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.
Về quản lý phát triển thị trường vốn, Thứ trưởng yêu cầu rà soát Luật Chứng khoán 2019, các nghị định hướng dẫn, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi Nghị định số 153 và Nghị định số 155, đồng thời rà soát quy trình, quy chế hoạt động của các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán để bổ sung sửa đổi kịp thời.
Đặc biệt, thực hiện thanh tra kiểm tra đối với 1 số doanh nghiệp theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt; Giám sát chặt chẽ toàn bộ hoạt động của thị trường chứng khoán, các định chế tài chính trung gian, hoạt động kế toán kiểm toán, từ khâu giao dịch, thanh toán, bù trừ, công bố thông tin, tổ chức thẩm định giá, đảm bảo hoạt động của thị trường lành mạnh, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư...