Phòng, chống ô nhiễm chất thải nhựa đại dương
Để bảo vệ môi trường biển trước ô nhiễm rác thải nhựa, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã dành 01 điều (Điều 73) quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.
Theo Báo cáo Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam năm 2020 của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN), Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng chất thải rắn xả ra biển nhiều nhất trên thế giới (trong số 20 quốc gia được nghiên cứu). Mỗi năm, lượng chất thải rắn thải ra biển khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa đại dương.
Nhằm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, Điều 73, Luật Bảo vệ môi trường quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.
Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng
hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý.
Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.