Chủ động kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

PV

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), giai đoạn từ năm 2013–2023, các công cụ quản lý môi trường được triển khai đồng bộ, hiệu quả, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát và ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn.

Chính phủ đưa ra nội dung xác định các nhóm, loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Chính phủ đưa ra nội dung xác định các nhóm, loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT), trong tháng 8 vừa qua, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo chuyên đề đánh giá việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết.

Báo cáo của Bộ TN&MT cho biết, trong 10 năm qua, các đơn vị chức năng đã thẩm định, có ý kiến đối với hơn 190 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt hơn 1.500 báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường liên tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình, thủ tục nhằm phát huy vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc sàng lọc, kiểm soát định hướng, quy hoạch, dự án đầu tư phát triển phù hợp với yêu cầu BVMT. Chỉ tính riêng trong 4 năm (2019-2022), các Bộ, ngành đã phê duyệt khoảng 200 báo cáo và các địa phương phê duyệt hơn 12.000 báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nhiều hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành đã giúp các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan quản lý có cơ sở triển khai thực hiện quy định pháp luật. Điển hình là Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá môi trường chiến lược chuyên ngành cho các loại hình quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng và cấp tỉnh, quy hoạch phát triển giao thông đường bộ, quy hoạch phát triển khu công nghiệp; Hướng dẫn kỹ thuật lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chuyên ngành (Dự án Nhà máy điện hạt nhân, khai thác than bằng công nghệ khí hóa, xây dựng khu du lịch và xử chất thải nguy hại bằng công nghệ đốt...); 7 Hướng dẫn kỹ thuật lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (Dự án chế biến đất hiếm, xây dựng công trình thủy lợi, xây dựng đường sắt trên cao, xây dựng cơ sở sản xuất tinh bột mì, xây dựng cơ sở sản xuất phân hữu cơ vi sinh, xây dựng cơ sở xử lý, tái chế chất thải nguy hại...).

Thông qua công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, các chiến lược, quy hoạch phát triển đã có sự điều chỉnh các định hướng phát triển, bố trí không gian phát triển và đầu tư phù hợp hơn về môi trường, bổ sung các biện pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường.

Các cơ quan đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, dừng triển khai đối với một số dự án lớn có nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường như: Dự án Mở rộng quy mô nâng công suất phân bón của Công ty TNHH Phú Châu; Dự án Cảng Lạch Huyện; Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A; Dự án khai thác quặng sắt Thạch Khê; các dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên; Dự án khai thác đất hiếm tại Đông Pao, Lai Châu...

Trước những vấn đề môi trường mới nảy sinh, đặc biệt là các sự cố môi trường đã xảy ra, lần đầu tiên, Chính phủ đưa ra nội dung xác định các nhóm, loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trong Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT.

Tiếp đó, Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã phân nhóm các dự án đầu tư, trong đó tập trung kiểm soát 17 loại dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (Nhóm I) và 11 loại dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường (Nhóm II).

Các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương hình thành phương thức phối kết hợp trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh. Trong đó, tập trung quản lý tốt 20-30% các cơ sở có nguồn thải lớn nhưng gây ra 70-80% các vấn đề môi trường, áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự cố, giám sát chặt chẽ việc xả thải, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm. Bộ TN&MT đã thành lập Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương.

Nhiều địa phương cũng đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn. Một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ quá trình thu hút đầu tư.

Việc giám sát từ sớm, từ xa thông qua đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ quan trắc tự động, liên tục, trực tuyến. Đến nay, cả nước đã 1.298 trạm quan trắc tự động đã truyền số liệu về Bộ TN&MT. Bên cạnh đó, đã có 1.430 trạm quan trắc phát thải được các cơ sở sản xuất/khu công nghiệp xây dựng và truyền số liệu về Sở TN&MT và Bộ TN&MT.

Hiện nay, Chính phủ đang xem xét ban hành Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, cập nhật mới các nội dung về quan trắc môi trường quốc gia so với giai đoạn 2016-2025, đáp ứng các quy định của Luật BVMT. Nội dung Quy hoạch bao gồm chương trình quan trắc chất lượng môi trường tại các lưu vực sông và hồ liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn tác động liên tỉnh, quan trắc môi trường xuyên biên giới. Đây là cơ sở để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo môi trường phục vụ công tác quản lý trong giai đoạn tới.

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tập hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đơn vị quản lý nhà nước đối với 9 lĩnh vực, cũng như 63 tỉnh thành trực thuộc Trung ương tiếp tục tổng hợp thông tin, số liệu trong và ngoài nước, các dự báo của khu vực và thế giới, của các nhà khoa học về vấn đề chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, từ đó tham mưu cho các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT có báo cáo đầy đủ, sản phẩm khoa học tập hợp được những ý kiến tâm huyết nhất, kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị để có những quyết sách chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.