Phòng chống rửa tiền: Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý

PV.

Hoạt động rửa tiền là một trong những vấn đề nghiêm trọng không phải của riêng quốc gia nào, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giao dịch quốc tế ngày càng đa dạng cùng với sự phát triển công nghệ mới đã tạo ra nhiều thách thức đối với công tác phòng chống rửa tiền tại Việt Nam.

Luật Phòng chống rửa tiền được ban hành vào năm 2012, sau 5 năm có hiệu lực thi hành, Luật đã góp phần quan trọng tạo lập hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và toàn diện cho việc triển khai đồng bộ và có hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Với việc ban hành và thực thi mạnh mẽ Luật Phòng chống rửa tiền, Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là có nhiều nỗ lực và bước tiến đáng kể trong công tác phòng, chống rửa tiền. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động tích cực tới chính trị, xã hội và sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, là cơ sở cho hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam ngày càng thuận lợi; đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, nâng cao uy tín và sức hút vốn đầu tư nước ngoài, cũng như đầu tư ra nước ngoài.

Không dừng lại ở đó, trên cơ sở Luật Phòng chống rửa tiền, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền. Điển hình như: Việt Nam đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền; Kiện toàn cơ cấu tổ chức đơn vị chuyên trách là Cục phòng, chống rửa tiền; Thiết lập đầu mối các bộ, ngành chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Bên cạnh đó, Luật pháp Việt Nam cũng quy định cụ thể, hàng năm các cấp, các ngành phải thực hiện báo cáo về phòng, chống rửa tiền với các tiêu chí cụ thể: Đối tượng báo cáo; báo cáo giao dịch tiền mặt có giá trị lớn và báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử vượt ngưỡng... Những yêu cầu này có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nói riêng... Qua đó, các cơ quan chức năng có được thông tin, dữ liệu phân tích, sàng lọc những giao dịch nghi ngờ để có phương án phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời.

Từ những kết quả phân tích thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ và các báo cáo khác, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển giao nhiều thông tin liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và hỗ trợ tích cực các đơn vị có chức năng thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội và giúp các cơ quan quản lý nhà nước xác định được những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong thực thi pháp luật về phòng chống rửa tiền, thực tiễn cũng còn một số vấn đề ra cần tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh, nhất là việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan.

Theo một số chuyên gia luật, hiện nay, một số chủ thể có hoạt động có thể bị lợi dụng để rửa tiền nhưng chưa được quy định vào đối tượng báo cáo hoặc một số quy định của Luật Phòng chống rửa tiền còn chưa đồng bộ hoặc còn chồng chéo dẫn đến bất cập trong quá trình triển khai; Một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền nhưng chưa có quy định; Một số quy định chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế mới về phòng, chống rửa tiền.

Mặt khác, một số điều khoản của Luật Phòng chống rửa tiền còn sơ hở; các quy định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống rửa tiền chưa rõ ràng; nhiều quy định chưa được cụ thể hóa trong hoạt động của các cơ quan pháp luật nên chưa phát huy được năng lực và thẩm quyền của các cơ quan thi hành luật, làm cho bọn tội phạm luồn lách Luật Phòng chống rửa tiền ở Việt Nam.

Luật Phòng chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, nhưng ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng chống rửa tiền tại các ngân hàng thương mại chưa đáp ứng được yêu cầu, còn rất lúng túng trong việc lựa chọn phần mềm hỗ trợ phòng chống rửa tiền. Nhiều ngân hàng thương mại hiện nay còn thiếu sự đào tạo nâng cao nhận thức cho nhân viên, bên cạnh đó ngân sách dành cho đầu tư công nghệ thông tin còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính và đặc biệt là ngân hàng thương mại chưa nâng cao nhận thức về công tác phòng chống rửa tiền, bằng chứng họ đã thiếu sự chú ý đến: Danh sách cảnh báo, danh sách đen, danh sách cấm vận quốc tế; những báo cáo, giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ...

Bên cạnh đó, trong bối cảnh phát triển công nghệ hiện nay khi tiền ảo được sử dụng ngày một phổ biến và cũng là kênh rửa tiền được các đối tượng hướng đến, thì đòi hỏi đặt ra, Việt Nam cần phải hoàn thiện quy định nhằm chống rửa tiền bằng tiền ảo.

Ngày 21/8/2017, Thủ tướng ban hành Quyết định 1255/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử. Theo đó, Thủ tướng phân công trách nhiệm, lộ trình thực hiện cho các Bộ, ngành liên quan với mục tiêu hoàn thành trong tháng 9/2019 một số vấn đề sau: Bộ Công An thực hiện đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; Bộ Tư Pháp đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Đồng thời, Bộ Tư pháp còn chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.