Phòng ngừa rủi ro trong các giao dịch xuất nhập khẩu

Theo thoibaonganhang.vn

Trước bối cảnh toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới đang diễn ra sâu rộng, các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu ngày càng có nhiều cơ hội tham gia và đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế. Song cơ hội cũng thường đi liền với nhiều thách thức và khó khăn, vì vậy, khi đàm phán về phương thức thanh toán, các bên đều nỗ lực thoả thuận điều kiện thanh toán có lợi cho mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trong mối quan hệ đó, phương thức thanh toán tín dụng chứng từ (L/C) thường được các DN tin tưởng và lựa chọn sử dụng như một biện pháp dung hoà được lợi ích giữa các bên tham gia giao dịch. Tuy nhiên, liệu đây có phải là phương thức luôn đảm bảo sự an toàn và phát huy được những ưu việt của nó trong mọi trường hợp?

Về bản chất, thư tín dụng (L/C) là cam kết thanh toán không hủy ngang của đơn vị phát hành với người thụ hưởng khi chứng từ được xuất trình phù hợp. Mặc dù vậy, thực tiễn cho thấy, phương thức này vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định như rủi ro về uy tín của đơn vị phát hành thư tín dụng, rủi ro về quốc gia, chính trị, rủi ro điều khoản thư tín dụng bất lợi cho DN Việt Nam và các rủi ro khác trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt những năm gần đây, môi trường kinh doanh quốc tế tiềm ẩn và nảy sinh nhiều yếu tố phức tạp và gây ra tác động nhất định. Điển hình một số trường hợp, do đặc thù về hàng hóa có các yêu cầu kiểm tra chất lượng, kiểm dịch chặt chẽ tại nước nhập khẩu, nội dung thư tín dụng có thể quy định những điều khoản hạn chế thanh toán, phụ thuộc chứng từ của bên thứ ba dẫn tới thư tín dụng lúc này không còn là cam kết chắc chắn của đơn vị phát hành.

Để phòng tránh và hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện giao dịch, DN khi giao thương trên thị trường quốc tế nên lưu ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, đối tác uy tín là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của một giao dịch. Do vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu DN cần thực hiện là tìm hiểu kỹ thị trường, đối tác. Việc thực hiện thẩm tra thông tin của đối tác có thể qua các nguồn tin công khai, mua dịch vụ từ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm tra/cung cấp thông tin uy tín, hoặc qua kênh của Hiệp hội tại quốc gia của đối tác, cơ quan đại diện ngoại giao...

Thứ hai, DN cần phải quy định đầy đủ và chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng mua bán với đối tác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Một hợp đồng mua bán với các điều khoản rõ ràng, hợp lý luôn là cơ sở tốt để giải quyết các tranh chấp (nếu có).

Thứ ba, khi lựa chọn phương thức thanh toán, DN cần hiểu rằng phương thức thư tín dụng, nhờ thu chứng từ hay chuyển tiền điện chỉ là các phương thức thanh toán giữa người mua và người bán. Vì vậy, DN cần tìm hiểu kỹ các ưu điểm và nhược điểm trong từng phương thức để có sự lựa chọn hợp lý và an toàn nhất.

Không những vậy, bản thân các DN – nơi khởi nguồn của các giao dịch – cần nhận thấy vai trò ngày càng quan trọng của mình. Bởi bên cạnh dịch vụ, các yếu tố hỗ trợ từ ngân hàng, các Hiệp hội, cơ quan, tổ chức… không một bên thứ ba nào có thể nắm bắt và hiểu rõ hơn các giao dịch của DN hơn chính bản thân DN đó. Đây cũng là yếu tố bản chất, cốt lõi quyết định tính thành công trong mỗi cơ hội kinh doanh khi các DN xuất nhập khẩu Việt Nam thâm nhập vào thị trường quốc tế.