Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 14/12/2016, Bộ Tài chính đã gửi công văn số 17733/BTC-TCHQ tới 11 Bộ, kiến nghị sửa đổi, bổ sung 76 nhóm văn bản liên quan đến hoạt động quản lý chuyên ngành và kiểm chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bộ Tài chính được Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì trong việc nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động xuất nhập khẩu theo Quyết định 2026/QĐ-TTg ban hành ngày 27/11/2015.
Đối chiếu yêu cầu tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, hiện có tổng số 76 nhóm văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành cần sửa đổi, bổ sung.
Trong tháng 11/2016, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với một số đơn vị chuyên môn thuộc các bộ tổ chức đợt rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu đầu tư các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung, xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành. Bộ Tài chính có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng văn bản điện tử của đại lý hải quan. Các bộ có trách nhiệm xem xét, quyết định áp dụng văn bản điện tử trong kiểm tra chuyên ngành, trường hợp không áp dụng phải có giải trình cụ thể, công khai.
Vừa qua, một số Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, đã có những động thái khá quyết liệt trong cải cách thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, những vướng mắc trong các thủ tục chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, đối với kiểm tra chuyên ngành với những hàng hóa sản phẩm có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình thực hiện thấy nhiều nhóm hàng chỉ phải kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm nhưng có độ rủi ro thấp. Trong trường hợp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, các hàng hóa chỉ kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm có độ rủi ro thấp đề nghị kiểm tra sau khi đã thông quan (hậu kiểm).
Bên cạnh yêu cầu các Bộ, ban ngành sửa đổi các văn bản kiểm tra trong quyền hạn của mình, Bộ Tài chính cũng yêu cầu duy trì hoạt động của 10 điểm kiểm tra chuyên ngành chung của Hệ thống một cửa quốc gia nhằm kiểm tra chuyên ngành tập trung, nhanh gọn cho doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại 8 Cục Hải quan tỉnh, thành phố Bước đầu, các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung được đánh giá đã góp phần giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan.
Địa điểm kiểm tra chuyên ngành là nơi thuận tiện để cơ quan kiểm tra chuyên ngành và doanh nghiệp thực hiện các khâu: Đăng ký kiểm tra, lấy mẫu và trả kết quả kiểm tra, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. Là cầu nối để doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp cơ quan kiểm tra chuyên ngành được dễ dàng, hạn chế đi lại nhiều.
Khi 10 điểm kiểm tra chuyên ngành hoạt động, đề nghị bãi bỏ các địa điểm kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ban ngành hoạt động kém hiệu quả, lãng phí và phát sinh thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
76 nhóm văn bản Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi, bổ sung, chia theo Bộ, ngành:
Bộ Khoa học và Công nghệ: 06 văn bản; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 28 văn bản; Bộ Công Thương: 12 văn bản; Bộ Y tế: 09 văn bản; Bộ Giao thông vận tải: 07 văn bản; Bộ Xây dựng: 04 văn bản; Bộ Thông tin và Truyền thông: 03 văn bản; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 01 văn bản;Bộ Tài nguyên và Môi trường: 02 văn bản; Bộ Công an: 02 văn bản; Bộ Quốc phòng: 02 văn bản.