PPP tăng giá trị cho nông sản
(Tài chính) Trong 5 nhóm giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) xác định thúc đẩy mô hình đối tác công - tư (PPP) là hướng đi quan trọng. Ba năm qua, Bộ NN và PTNT đã cùng 17 tập đoàn đa quốc gia, công ty quốc tế triển khai mô hình đối tác công - tư với 6 nhóm ngành nông nghiệp.
Mô hình đối tác công - tư ngành nông nghiệp được triển khai từ 3 năm qua đối với 1 nhóm tài chính vi mô và 5 nhóm hàng hóa, gồm: cà phê, chè, rau quả, thủy sản, cây lương thực làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Nhóm PPP thủy sản do Metro Cash & Carry Vietnam chủ trì, bắt đầu từ dự án chuỗi cung ứng cá tươi, nhằm cung cấp cho người tiêu dùng thủy sản đạt chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế. Các đối tác tham gia nhóm PPP này gồm: Metro, Cargill, Fresh studio, Bộ NN và PTNT. Giám đốc điều hành của Metro Cash & Carry Việt Nam Philippe Bacac cho biết, đến nay đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho trên 2.000 nông dân nuôi trồng thủy sản và 400 thương lái chuyên thu gom thủy sản. Nông dân đã nắm vững kỹ năng kiểm soát môi trường, thuốc và sử dụng hóa chất, quản lý chất thải. Hoạt động thu hoạch cá, xử lý, đóng gói và vận chuyển cũng được kiểm soát chặt chẽ, truy xuất nguồn gốc trước khi vận chuyển cá tươi đến trung tâm Metro. Mỗi năm có hơn 4.000 tấn thủy sản sạch của chương trình được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị Metro và các siêu thị trên toàn quốc.
Nhóm PPP về cà phê đã thu hút được sự tham gia của các tập đoàn Bayer, Nedcoffe, Coex, Simexco, hiện đang triển khai Dự án sản xuất cà phê chứng nhận tại 5 tỉnh. Đến nay đã thành lập 150 mô hình nhóm nông dân trình diễn. Nông dân tham gia vào mô hình được hỗ trợ các giống cà phê mới cao sản, đồng thời được hỗ trợ 50% kinh phí tái canh phục tráng các vườn cà phê đã già cỗi, được hướng dẫn kỹ thuật tưới tiêu mới tiết kiệm 40% lượng nước tưới, những kỹ thuật bón phân cân bằng dinh dưỡng, sử dụng thuốc diệt nấm để hạn chế phun thuốc trừ sâu… Với kỹ thuật canh tác mới này đã giúp cây cà phê tăng năng suất thêm 480kg/ha (tương đương 11,4%), tăng doanh thu thêm hơn 18 triệu đồng/ha (tương đương với lợi nhuận tăng 14%).
Chương trình PPP về chè đã lồng ghép hướng dẫn kỹ thuật canh tác và chế biến vào trong chuỗi sản xuất của ngành hàng. Nông dân trồng chè và các chủ nhà máy chế biến chè quy mô nhỏ đã được đào tạo về canh tác nông nghiệp bền vững để đạt các chứng nhận quốc tế. Các tập đoàn đa quốc gia trong nhóm này đã đầu tư 440.000 euro để đào tạo và liên kết mô hình sản xuất với hơn 23.000 nông dân ở các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Yên Bái, Vĩnh Phúc và Nghệ An. Tổng Giám đốc Unilever Việt Nam, Trưởng nhóm PPP về chè J.V. Raman cho hay, mỗi năm Unilever đã mua 30.000 - 35.000 tấn chè được chứng nhận quốc tế từ nông dân để xuất khẩu.
Nhóm PPP về cây lương thực làm thức ăn chăn nuôi có sự tham gia của các tập đoàn Monsanto, Syngenta, Bunge với mục tiêu tăng 30% năng suất ngô tại các vùng trồng trọng điểm. Lãnh đạo Tập đoàn Monsanto cho biết, tập đoàn này đầu tư 1 triệu USD cho chương trình PPP tại Việt Nam trong 5 năm, vào các khâu cung cấp giống ngô lai, đào tạo kỹ thuật canh tác mới đến 150.000 nông dân. Nhiều giống ngô lai mới của Dekalb chuyển giao cho nông dân trồng đã đạt năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha, cao gấp hơn 2 lần so với năng suất ngô bình quân cả nước hiện nay. Với phương pháp làm đất tối thiểu, đã giúp tiết giảm 80% chi phí vật tư và lao động. Tính hiệu quả kinh tế, mỗi hecta trồng ngô cho lợi nhuận 17 triệu đồng/vụ (3 tháng). Trong khi trồng lúa trước đây, mỗi vụ nông dân chỉ lãi 4,7 triệu đồng/ha.
PPP: Thúc đẩy chính sách có lợi cho nông dân
Theo nhận định của Bộ trưởng NN và PTNT Cao Đức Phát, qua 3 năm triển khai, nhưng lợi ích PPP đem lại cho nông nghiệp rất lớn, đang là nhân tố chiến lược giúp tăng sức cạnh tranh của các chuỗi nông sản. Thông qua chương trình này, các tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư vào đào tạo tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, thiết lập cơ sở hạ tầng thị trường, giúp xây dựng kênh tiếp thị hiệu quả.
Trên hết, thu nhập của nông dân được bảo đảm vì sự gắn kết quan trọng nhất trong PPP chính là sự kết nối giữa những doanh nghiệp tiêu thụ và nông dân. Thông qua mô hình này, các nhà quản lý cũng có cái nhìn tổng thể và thước đo kinh tế chính xác hơn khi xây dựng và áp dụng các chính sách cho nông nghiệp. Ngay như ở nhóm cây lương thực, hiệu quả của trồng ngô được tính toán cho giá trị nổi bật hơn hẳn so với trồng lúa. Theo tính toán của nhóm này thì ngay khi bán gạo ở mức giá cao nhất và bán ngô ở mức thấp nhất, thu nhập từ ngô vẫn cao hơn 2,5-6 lần so với trồng lúa.
Chính vì hiệu quả kinh tế rõ ràng này, nhóm PPP cây lương thực đã dễ dàng kết nối thị trường đầu ra cho ngô. Hiện nay nhóm đã có sự tham gia của các Công ty Bunge, Vinasoy và Vinamilk để tiêu thụ các sản phẩm ngô và đậu tương, giảm được nhập khẩu.
Hiệu quả từ mô hình của nhóm cây lương thực đã thúc đẩy Bộ NN và PTNT đẩy nhanh quá trình thực hiện chính sách chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập cho nông dân. Trong năm 2014, Bộ NN và PTNT đã có chủ trương sẽ mở rộng diện tích trồng ngô lên 1,23 triệu hecta, tăng 73 nghìn hecta so với năm 2013 theo hướng tiếp tục đưa các giống ngô mới có năng suất cao, kết hợp thâm canh nhằm đạt sản lượng khoảng 5,66 triệu tấn.
Khi người nông dân và doanh nghiệp bắt tay trở thành một chuỗi gắn kết, các chính sách bổ trợ cho toàn chuỗi sẽ giúp từng mắt xích trong chuỗi được hưởng lợi. Đây là quá trình mà chính sách sẽ tác động theo hướng nâng cao thu nhập cho nông dân.