PVN phải thoái vốn tại nhiều đơn vị

Theo VIR

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được yêu cầu đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn tại khá nhiều đơn vị thành viên.

Theo Quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu PVN giai đoạn 2012-2015 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực chính là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ khí chất lượng cao. Trong đó, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực kinh doanh chính.

Liên quan tới yêu cầu sắp xếp lại các đơn vị thành viên, PVN sẽ chỉ tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP). Các đơn vị PVN được yêu cầu giữ nguyên tỷ lệ vốn hiện có là Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ dầu khí - PV Driling (50,38%), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (51%), Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro (51%), Công ty TNHH liên doanh Rusvietpetro (49%), Công ty TNHH Gaspromviet (49%), Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (25,1%) và Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn (18%).

Tuy nhiên, hàng loạt đơn vị thành viên của PVN cũng được yêu cầu cổ phần hóa, đồng thời giảm tỷ lệ nắm giữ của PVN xuống trong giai đoạn 2012-2015. Đó là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với tỷ lệ nắm giữ của PVN còn 75%. PVN cũng được yêu cầu chỉ còn nắm giữ 51% vốn điều lệ tại Công ty TNHH một thành viên Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) khi tiến hành cổ phần hóa; nắm giữ 36% vốn điều lệ tại Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất.

Cũng trong giai đoạn 2012-2015, PVN được yêu cầu bán bớt phần vốn đang nắm giữ tại Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans) từ 57,82% xuống tối thiểu 36%; tại Tổng công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam – Công ty cổ phần từ 41% xuống tối thiểu 36%; tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) từ 54,54% xuống tối thiểu 36%; tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi tổng hợp Dầu khí (PV Tex) từ 56% xuống tối thiểu 36%; tại Công ty cổ phần PVI từ 39,05% xuống còn 35%.

Trong giai đoạn sau năm 2015, một số đơn vị khác cũng được yêu cầu cổ phần hóa là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVP) và PVN chỉ nắm giữ 75% vốn điều lệ. Riêng với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần thì PVN cũng phải giảm tỷ lệ nắm giữ từ 61,37% hiện nay xuống 51% vốn điều lệ.

PVN cũng được yêu cầu thoái toàn bộ vốn đang nắm giữ tại các doanh nghiệp là Công ty TNHH một thành viên KCN Lai Vu, Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank), Công ty cổ phần Phát triển Đông Dương Xanh, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn 2012-2015. Còn sau năm 2015 là thoái hết vốn đang nắm giữ tại Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco)...

Cũng tại Quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu PVN, Chính phủ cũng chỉ đạo, hoàn thiện cơ chế quản lý và tái cơ cấu về cơ cấu tổ chức đối với doanh nghiệp cấp II và cấp III. PVN sẽ định hướng các doanh nghiệp thành viên cấp II và cấp III trong các vấn đề chiến lược phát triển, phối hợp kinh doanh chung trong PVN.

ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN cho hay, Đề án Tái cơ cấu PVN được phê duyệt liên quan tới tất cả các đơn vị và rất nhiều người lao động. Tuy nhiên, PVN sẽ tập trung để triển khai Đề án này trong thời gian tới.

Thừa nhận trong điều kiện khó khăn về tài chính thế giới và Việt Nam hiện nay, việc cổ phần hóa và bán cổ phần của các đơn vị để giảm vốn điều lệ mà PVN đang nắm giữ xuống theo yêu cầu của Chính phủ sẽ có những khó khăn nhất định, nhưng ông Thực cũng cho rằng, sẽ có không ít đơn vị vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư bởi các chính sách về tài chính cho doanh nghiệp đã được Chính phủ tháo gỡ, như trường hợp của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn...