Quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế vẫn nhiều khó khăn

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Mặc dù tốc độ bao phủ bảo hiểm y tế đang phát triển tích cực, tuy nhiên quá trình thực hiện chích sách bảo hiểm y tế vẫn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc cần sớm phải được tháo gỡ nhằm đạt mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.

Quá trình thực hiện chính sách BHYT vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn: Internet
Quá trình thực hiện chính sách BHYT vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn: Internet

Tại hội nghị Giao ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) quý I/2019, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã cùng thảo luận đánh giá khái quát công tác quản lý Nhà nước và công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2018 và quý I/2019, chính sách BHYT có nhiều thay đổi với nhiều Nghị định, Thông tư mới, quan trọng trong lĩnh vực này được ban hành như: Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT; Thông tư số 15/2018/TT-BYT và Thông tư số 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá dịch vụ KCB trong một số trường hợp…

Ngoài ra, có nhiều văn bản, đề án khác cũng đang được xây dựng, hoàn thiện như: Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 146/2018/NĐ-CP; Thông tư bổ sung, sửa đổi Thông tư 30 về danh mục thuốc BHYT; Thông tư hướng dẫn việc thanh toán chi phí KCB theo định suất; Đề án sửa đổi Luật BHYT; Thông tư hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng KCB ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán chi phí KCB…

Báo cáo từ BHXH Việt Nam còn cho biết, đến hết quý I/2019 cả nước có 83,4 triệu người tham gia BHYT; hơn 41,7 triệu lượt KCB BHYT, tăng 1,47 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2018; số chi KCB BHYT là 22.697 tỷ đồng, tăng 794 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, tỷ lệ liên thông dữ liệu KCB BHYT toàn quốc đã đạt 97,82%. Hồ sơ gửi lên hệ thống đúng ngày đạt 79,3%, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình thực hiện chính sách BHYT gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Thông tư số 39/2018/TT-BYT hiện có 2 mẫu giấy chuyển tuyến KCB BHYT theo quy định cũ và mới; chưa rõ trong việc xác định tiêu chí KCB theo yêu cầu. Mặt khác, khó khăn trong xác định tổng mức thanh toán KCB BHYT; vướng mắc trong thanh toán đối với phẫu thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây tê hay quy định cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề KCB tại cơ sở y tế tư nhân của bác sĩ đang công tác tại bệnh viện công lập…

BHXH Việt Nam là cơ quan được giao tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, vì vậy, đánh giá về công tác thực hiện chính sách BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ông Phạm Lương Sơn cho hay, qua thực tế, BHXH Việt Nam đã phát hiện một số tồn tại, vướng mắc và luôn kịp thời kiến nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để tìm cách khắc phục, tháo gỡ. Theo đó, đối với những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, phía BHXH Việt Nam luôn mong muốn Bộ Y tế sớm chỉ đạo, phối hợp cùng giải quyết.

Theo ông Phạm Lương Sơn, trên cơ sở các văn bản, ý kiến thảo luận, trao đổi, thống nhất giữa 2 ngành, cần sớm có văn bản hướng dẫn để các địa phương, cơ sở y tế thực hiện. Đặc biệt, các phương án xử lý cần phải linh hoạt, nhất quán, khả thi cao, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và quản lý an toàn, hiệu quả quỹ BHYT.

Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện BHXH Việt Nam đang thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành với nguồn dữ liệu tập trung toàn quốc. Do đó, việc chia sẻ thông tin giữa hai ngành là rất có giá trị. Tuy nhiên, trong chia sẻ thông tin, các đơn vị của Bộ Y tế cần xác định rõ số liệu, thông tin cần chia sẻ đảm bảo nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm thời gian, nguồn lực của hai ngành.

Còn đối với giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách BHYT, trong đó tập trung vào các hạn chế về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, danh mục thuốc, vật tư y tế, đấu thầu thuốc tập trung, điều trị nội trú, tổ chức hoạt động của các phòng khám đa khoa khu vực… Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện Bộ Y tế đang yêu cầu các Vụ, Cục của Bộ này khẩn trương phối với các đơn vị liên quan của BHXH Việt Nam rà soát, giải quyết ngay các vướng mắc để báo cáo lãnh đạo hai ngành.

Bộ Y tế thống nhất với BHXH Việt Nam cùng chung sức tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT để hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.