Quản lý điều hành chính sách tiền tệ và kết quả đạt được trong quý I/2021


Trong những tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, trong những tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Một số kết quả nổi bật trong quý I/2021

Trong những tháng đầu năm 2021, là thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu dùng, thanh toán của người dân tăng cao, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa (CSTK) và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM), góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ (TTTT) và ngoại hối, cụ thể:

Đảm bảo thanh khoản của hệ thống: Trong quý I/2021, chính sách tiền tệ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để điều hành chủ động, đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó giảm áp lực lên lãi suất huy động và cho vay. Đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,90% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho nền kinh tế.

Trong quý I/2021, chính sách tiền tệ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để điều hành chủ động, đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho tổ chức tín dụng, qua đó giảm áp lực lên lãi suất huy động và cho vay.

Điều hành lãi suất: Từ đầu năm đến nay, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận ngồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 02/2021 giảm nhẹ, khoảng 0,1%/năm so với tháng 12/2020.

Lãi suất là một trong những chỉ số quan trọng và được triển khai quyết liệt để thay đổi trong nhiệm kỳ của Chính phủ năm 2016-2021. So mặt bằng năm 2015-2016 thì lãi suất huy động đã giảm 2,3% và lãi suất cho vay đã giảm khoảng 3,6%. Đến nay, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên vào khoảng 4 - 5%. Mức lãi suất cho vay của Việt Nam đang thấp hơn mức bình quân của các nước trong khối ASEAN.

Tỷ lệ lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng đều ở mức thấp, nhưng tín dụng tăng chưa như kỳ vọng (dù mức tăng 2,4% của 3 tháng đầu năm 2021 là tích cực hơn so con số 1,3% của cùng kỳ năm 2020). Từ thực tế đó, việc điều hành lãi suất trước hết là phải ổn định và sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định này kể cả với lãi suất huy động và lãi suất cho vay. 

Theo NHNN, lãi suất thị trường liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi cá nhân tăng trở lại. Tại nhiều ngân hàng, từ đầu tháng 3/2021 đến nay, lãi suất huy đồng VND ở các kỳ hạn đã được điều chỉnh theo hướng tăng. Có ngân hàng, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên đến hơn 6%/năm. Vì thế, nhiều chuyên gia dự báo lãi suất có khả năng sẽ thiết lập mặt bằng mới vào quý II/2021.

Điều hành tín dụng: Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2021 đạt khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, có thể lên đến 14-15%. Cụ thể: NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên tinh thần đồng hành và chia sẻ. Thống kê đến 16/4/2021, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Các TCTD đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tính đến 05/4/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến tháng 4/2021 đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.

Đối với chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, đến ngày 31/1/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), NHNN đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tổng số tiền khoảng 42,9 tỷ đồng và NHCSXH đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ gần 42 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; dư nợ của chương trình tại NHCSXH đến nay là gần 40 tỷ đồng.

Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện. Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), nhất là thanh toán điện tử tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng. Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã mở rộng về số lượng dịch vụ triển khai, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ. Hoạt động TTKDTM trong những tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng trưởng khá. Tính đến cuối tháng 3/2021 đã có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. So với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh internet tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 78% về số lượng và  103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị.

NHNN điều hành cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy, đến tháng 3/2021, dư nợ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên trong, trong đó có tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 2.327.762 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2020 và chiếm tỷ nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm khoảng 24,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 11,52%, chiếm 24,78%). Ước cuối tháng 4/2020, dư nợ lĩnh vực này khoảng 2.287.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với cuối năm 2020. Đây là lĩnh vực có dư nợ lớn nhất trong 5 lĩnh vực ưu tiên. 

Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố. Chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế. Đến nay, hầu hết các TCTD đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN. Trước tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19, NHNN đã chỉ đạo các TCTD rà soát nợ xấu, kế hoạch xử lý nợ xấu để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch  bệnh Covid-19; Tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; Xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; Bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; Bán nợ theo cơ chế thị trường; Sử dụng dự phòng rủi ro...

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới

Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN; Chủ động, linh hoạt trên cơ sở theo dõi sát diễn biến, dự báo kinh tế vĩ mô và thị trường nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thanh khoản và duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là quan điểm xuyên suốt cho cả năm 2021.

Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam thấp hơn mức lãi suất bình quân của ASEAN+4, đây là một trong những chỉ số tích cực trong thời gian vừa qua. Tính đến hết tháng 3/2021, mức lạm phát và chỉ số CPI tăng thấp, tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng nhưng vẫn đang có những dấu hiệu tích cực, dư nợ tín dụng đang có chiều hướng tích cực với mức tăng 2,04% (cùng kỳ năm ngoái là 1,3%).

Chính vì thế, việc điều hành chính sách lãi suất trong thời gian tới vẫn trên quan điểm tạo sự ổn định và duy trì sự ổn định này đối với cả lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới hoặc một số lĩnh vực khác, kể cả việc dịch chuyển giữa các dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, thị trường vốn hoặc thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… để điều hành chính sách lãi suất hợp lý.

Thứ hai, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp; Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Thứ ba, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; Tăng cường làm việc trực tiếp với TCTD để chỉ đạo về công tác xử lý nợ xấu, xây dựng các kịch bản để kiểm soát và xử lý nợ xấu. Chỉ đạo TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng; Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật; Tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu của các TCTD.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thành Nghị định mới về TTKDTM và các thông tư hướng dẫn triển khai; Nghiên cứu, dự thảo nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với fintech trong lĩnh vực ngân hàng; Trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án; Phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ; Hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số; Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm góp phần thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện...          

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2017), Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng;

2. Chính phủ (2021), Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;

3. Ngân hàng Nhà nước (2016), Thông tư số 41/2016/TT-NHNN Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

4. Ngân hàng Nhà nước (2021), Thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng Quý I/2021.

(*) Thái Thị Thu Trang, Hoàng Mỹ Bình - Trường Đại học kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2021.