Quản lý hàng gia công: Sẽ tập trung quản lý doanh nghiệp

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Đổi mới phương thức quản lý hàng gia công theo hướng quản lý đối tượng doanh nghiệp (DN), giao quyền tự chủ cho DN, cơ quan Hải quan kiểm soát trên cơ sở tuân thủ pháp luật của DN là đòi hỏi cấp bách trong quá trình hội nhập.

 Quản lý hàng gia công: Sẽ tập trung quản lý doanh nghiệp
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư gia công (Hải quan Hà Nội). Nguồn: baohaiquan.vn

Bỏ quy định “lỗi thời”

Yêu cầu của sự thay đổi một phần xuất phát từ sự “lỗi thời” của một số quy định hiện hành. Công tác quản lý đối với hàng gia công và hàng sản xuất xuất khẩu (XK) lâu nay đã bộc lộ những bất cập, cả DN và cơ quan Hải quan đều khó thực hiện. Thực tế, việc lấy mẫu chỉ thực hiện được đối với các mặt hàng dệt may, da giày. Nhiều DN trong lĩnh vực: Đóng tàu, cơ khí, thủy sản, điện tử… đã “than” rất khó lấy mẫu; nếu có lấy mẫu cũng khó đối chiếu được mẫu nguyên liệu với thành phẩm xuất khẩu.

Hơn nữa, việc lấy mẫu hiện tại áp dụng cho cả hàng phải kiểm tra và miễn kiểm tra. Trong trường hợp hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra, nhưng DN phải mất thời gian để chờ cơ quan Hải quan lấy mẫu. Hoạt động này làm tốn khá nhiều thời gian của DN. Trong khi đó, việc lấy mẫu cũng khá phức tạp, theo phản ánh của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có khi phải dỡ cả container để thực hiện lấy mẫu.

Điều chỉnh định mức nguyên, phụ liệu cũng là vấn đề các DN đề nghị cơ quan quản lý tạo thuận lợi. Nhiều trường hợp, định mức khai báo của DN không khớp với định mức khi thanh khoản, XK sản phẩm. Có trường hợp do cán bộ quản lý không tiếp cận được tình hình sản xuất thực tế để điều chỉnh định mức kịp thời, đến khi thanh khoản công ty mới phát hiện ra định mức tiêu hao đăng ký với cơ quan Hải quan không chính xác. Đây chỉ là một vài tình huống phát sinh trong hoạt động gia công của DN đòi hỏi cơ quan quản lý phải có sự thay đổi tạo thuận lợi cho DN nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu quản lý.

Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang hoàn thiện dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 117/2011/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài, thay đổi nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế như vấn đề lấy mẫu; quản lý định mức sử dụng... để đơn giản hóa thủ tục cho DN.

Dự thảo Thông tư cho phép DN được điều chỉnh định mức sau khi XK sản phẩm; đồng thời, bỏ quy định lấy mẫu đối Dự thảo Thông tư cũng bổ sung thêm một số quy định trong quản lý hàng gia công nhằm khắc phục những kẽ hở trong quản lý, những tình huống chưa được quy định tại các văn bản hiện hành, phù hợp với xu hướng từ quản lý mặt hàng sang quản lý theo loại hình DN của ngành Hải quan.

Đáp ứng yêu cầu mới

Để đáp ứng yêu cầu quản lý , một trong những điều kiện để cơ quan Hải quan nắm được tình hình hoạt động của DN là cơ sở sản xuất phải gắn liền với chi cục hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công, tránh việc phân tán làm giảm hiệu quả quản lý. Do đó, cần thiết phải quy định DN thực hiện hợp đồng gia công tại nơi có cơ sở sản xuất để theo dõi, nắm thông tin về DN, tránh trường hợp lợi dụng để gian lận trốn thuế.

Tuy nhiên, vẫn có những quy định mở về địa điểm làm thủ tục hải quan tạo thuận lợi cho DN. Tức là ngoài việc làm thủ tục hải quan tại nơi có cơ sở sản xuất, DN được làm thủ tục hải quan tại cơ sở sản xuất nơi gia công lại trong trường hợp thuê gia công nội địa và trường hợp tại nơi thương nhân có cơ sở sản xuất không có tổ chức hải quan thì thương nhân được lựa chọn một chi cục hải quan thuận tiện thuộc cục hải quan tỉnh, thành phố để đăng ký làm thủ tục hải quan.

Bên cạnh đó, dự thảo thông tư cũng bổ sung thêm hướng dẫn với những trường hợp phát sinh chưa được quy định cụ thể trong các văn bản hiện hành. Ví dụ như bổ sung điều kiện đối với DN đi thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất. Hiện nay, do chưa có quy định nên nhiều DN nhận gia công nhưng không có cơ sở sản xuất, mặt bằng sản xuất mà phải đi thuê.

Trong khi Thông tư hiện hành không điều chỉnh đối với DN cho thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất. Do vậy, nhiều trường hợp DN thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất để gia công nhưng không thực hiện gia công sản phẩm mà tự ý thanh lý hợp đồng thuê, bỏ trốn gây khó khăn cho việc quản lý, giám sát của cơ quan Hải quan.

Với những DN liên tục thông báo hợp đồng gia công khác vượt quá năng lực thực tế của chính thương nhân và/hoặc của thương nhân nhận gia công lại cũng sẽ thuộc “tầm ngắm” của cơ quan Hải quan, bị kiểm tra cơ sở sản xuất. Theo Ban soạn thảo, hiện nay có hiện tượng nhiều DN năng lực sản xuất có hạn, trong cùng một thời điểm chỉ có thể thực hiện được một số hợp đồng gia công nhất định nhưng lợi dụng chính sách không hạn chế việc thực hiện nhiều hợp đồng gia công trong một giai đoạn nên các DN này đã liên tục thông báo các hợp đồng gia công.

Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời rất có thể các DN này lợi dụng loại hình gia công để bán nguyên phụ liệu ra thị trường nội địa, trốn thuế. Do vậy, cần giao hải quan địa phương kịp thời kiểm tra cơ sở sản xuất để nhằm ngăn chặn gian lận thương mại. Chính vì vậy, việc kiểm tra năng lực sản xuất nhằm đánh giá thực chất hoạt động của DN là cần thiết. Tại dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã quy định nội dung kiểm tra năng lực sản xuất của DN.