Quản lý hoạt động môi giới bất động sản


Thực tế, ngành nghề môi giới bất động sản được xem là lĩnh vực gần như không có rào cản, tạo kẽ hở cho những môi giới tự do lừa đảo khiến niềm tin khách hàng sụt giảm.

Cần có cơ chế rõ ràng để quản lý hoạt động môi giới bất động sản.
Cần có cơ chế rõ ràng để quản lý hoạt động môi giới bất động sản.

Mặc dù môi giới bất động sản đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng môi giới bất động sản tại Việt Nam theo đúng nghĩa vẫn còn rất hạn chế. Trên thị trường hiện nay, phần lớn là những người làm trung gian mua bán, chuyển nhượng bất động sản theo kiểu "cò đất," thay vì là môi giới bất động sản thực sự. 

Nguyên nhân của tình trạng này là do ngành nghề môi giới bất động sản ở Việt Nam gần như không có rào cản khi nhân sự muốn gia nhập hoặc rút lui khỏi ngành này. Thông thường, vào những thời điểm có sự tăng cầu mua bán bất động sản, nhiều người từ các nghề nghiệp khác nhau đều có thể tham gia vào ngành môi giới bất động sản, làm gia tăng sự cạnh tranh cũng như số lượng môi giới.

Những đối tượng này thường không được đào tạo chuyên nghiệp, thiếu kiến thức hành nghề và thường hoạt động một cách tự phát mà không chịu sự quản lý chuyên nghiệp từ bất kỳ cơ quan nào.

Theo ông Cao Văn Hữu - Trưởng phòng kinh doanh của Công ty SouthernHomes Việt Nam, nhiều môi giới bất động sản thường không có tấm chứng chỉ hành nghề cần thiết bởi phần lớn đều là các "tay ngang".

Những đối tượng môi giới này thường không xem môi giới bất động sản là một nghề nghiêm túc và không có ý định gắn bó lâu dài với nó. Không những vậy, sự thờ ơ của nhiều sàn môi giới cũng đóng vai trò quan trọng và điều kiện tuyển dụng thường quá dễ dàng, phần lớn không đòi hỏi chứng chỉ hành nghề. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho biết, bên cạnh những nhà môi giới vừa có tâm vừa có tầm, một bộ phận không nhỏ "cò" nhà đất hám lợi tận dụng thời cơ để lừa khách hàng, đặc biệt là khách hàng sẵn tiền nhưng kiến thức còn non, không thể chọn lọc được thông tin tiếp nhận.

Điển hình mới đây nhất là vụ lừa đảo của Công ty Lộc Phúc. Để đưa các nhà đầu tư “vào tròng”, doanh nghiệp đã tuyển một lượng lớn nhân sự đóng vai làm môi giới bất động sản, sau đó hướng dẫn họ vào các trang mạng xã hội lấy hình ảnh những căn nhà đẹp, đăng lên website của công ty và các nền tảng khác để giới thiệu bán.

Nhiều người có nhu cầu mua nhà ở sẽ được hẹn gặp tại một địa điểm rồi đưa khách lên xe chở về một địa điểm hoàn toàn không liên quan tới nơi giới thiệu dự án ban đầu. Lúc này, trên xe được bố trí sẵn những "diễn viên quần chúng" được thuê giả làm "cò mồi" lôi kéo, dụ dỗ khách hàng cùng tham gia.

Hầu hết khách hàng bị thao túng với những lời tư vấn quá “bùi tai” và các bài chim mồi, đánh vào tâm lý khách hàng như có khách chốt cọc liên tục, chiết khấu giảm giá chỉ trong ngày duy nhất, rút thăm trúng thưởng.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả nhà đầu tư đều vì hám lợi mà mắc bẫy lao vào những dự án “ma”.

Cũng theo ông Đính, so với một số quốc gia có thị trường bất động sản phát triển như Mỹ và Úc, thì ở Việt Nam, hiện vẫn tồn tại tình trạng một căn nhà có thể được bán bởi vô số người khác nhau. Trong khi đó, tại những quốc gia này, môi giới bất động sản thường chỉ bán một căn nhà duy nhất.

Bên cạnh đó, vai trò và trách nhiệm của môi giới bất động sản cũng được quy định rõ ràng hơn nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư hoặc người mua nhà khi tham gia giao dịch bất động sản. Trong khi ở Việt Nam vẫn chưa có các quy định ràng buộc tương tự đối với môi giới bất động sản.

Cùng với đó, VARS nhấn mạnh, đối với các quy định của pháp luật hiện hành, giao dịch bất động sản có thể hoàn thành mà không cần sự tham gia của môi giới. Hai bên bán và mua có thể tự thỏa thuận, tự ký kết và hoàn thành giao dịch mà không cần sự trung gian của môi giới.

Do đó, thời gian qua đã có nhiều kiến nghị trong quá trình sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư hoặc người mua nhà khi tham gia giao dịch.

Để thoát khỏi nhãn danh "cò đất," môi giới bất động sản cần tham gia vào các khóa học đào tạo, liên tục học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm, cùng với việc hoàn thành kỳ thi để đạt được chứng chỉ môi giới.

Theo đó, môi giới có thể phát triển các kỹ năng cần thiết, bao gồm tư vấn, định giá, đọc bản vẽ thiết kế, lập kế hoạch tài chính, và hiểu rõ về luật pháp, nhằm tư vấn hiệu quả và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Góp ý dự thảo luật tại Hội nghị đại biểu Quốc hội tháng 8 vừa qua, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho biết, về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện: Có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; phải hành nghề trong một sàn giao dịch bất động sản hoặc tổ chức môi giới.

Từ đó, bà Thanh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chế tài xử lý cá nhân hoạt động môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và không làm việc trong một tổ chức sàn kinh doanh bất động sản.

Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn