Quản lý nợ công: Giảm bảo lãnh chính phủ, tiến tới tăng vay ưu đãi và vay thương mại
(Tài chính) Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) trong năm 2014 đã chủ trì đàm phán, ký kết 34 hiệp định vay vốn với tổng trị giá hơn 3,920 tỷ USD. Trong đó, vốn vay đầu tư tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án trong lĩnh vực điện.
Dành vốn phát triển kinh tế xã hội
Theo đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, trị giá rút vốn vay ODA ước đạt khoảng 357 nghìn tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch; từ các loại vốn vay ưu đãi nước ngoài khác ước đạt 5,350 tỷ USD, bằng 118% kế hoạch năm 2014.
Cũng trong năm 2014, Chính phủ bảo lãnh cho các khoản vay trong và ngoài nước của doanh nghiệp với tổng trị giá 2,6 tỷ USD, trong đó: Bảo lãnh vay nước ngoài cho 8 chương trình, dự án đầu tư với trị giá tạm tính 2,44 tỷ USD trong các lĩnh vực điện (6 dự án), mua máy bay (1 dự án với 2 lần cấp bảo lãnh), công nghiệp khai khoáng (1 dự án); Bảo lãnh vay trong nước cho 1 dự án với giá trị 157,06 triệu USD trong lĩnh vực điện.
Tổng trị giá giải ngân của các dự án bảo lãnh trong năm 2014 dự kiến là 3,24 tỷ USD, trong đó rút vốn từ các khoản vay nước ngoài là 3 tỷ USD; từ các khoản vay trong nước là 0,24 tỷ USD. Số rút vốn ròng các dự án bảo lãnh vay nước ngoài dự kiến trong năm 2014 là 2,16 tỷ USD, trong khi số rút vốn dòng vay trong nước không đáng kể.
Tổng trị giá viện trợ không hoàn lại từ các nguồn phi chính phủ và song phương năm 2014 đạt 245,1 triệu USD, trong đó: viện trợ bằng tiền cho NSNN là 41,85 triệu USD; viện trợ không hoàn lại của các tổ chức Liên Hiệp quốc, phi chính phủ và EC là 150 triệu USD.
Các khoản viện trợ phi chính phủ được triển khai thực hiện trên các lĩnh vực: xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, xã hội, môi trường. Nguồn vốn này đã góp phần hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương giải quyết trực tiếp, cụ thể các vấn đề thực tế, gắn kết với các nhiệm vụ của mỗi bộ ngành, địa phương một cách kịp thời, phù hợp với yêu cầu phát triển và đồng thời hỗ trợ một cách tích cực vào các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tổ chức phát hành thành công trái phiếu chính phủ, với tổng trị giá 1 tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế, với mức lãi suất 4,8%/năm. Đây được coi là đợt phát hành hoán đổi có tỷ lệ thành công cao nhất từ trước tới nay, giúp Chính phủ thiết lập mức lãi suất chuẩn mới trên thị trường vốn quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn quốc tế với chi phí thấp hơn trước và cũng là bước đánh dấu lần đầu tiên thử nghiệm nghiệp vụ quản lý nợ chủ động.
Vay nợ của chính quyền địa phương tính đến ngày 30/11/2014 là 13.608 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã góp phần tích cực hỗ trợ ngân sách của các địa phương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là đối với các tỉnh nghèo, có nhiều khó khăn.
Nhiều giải pháp quản lý vốn vay
Trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tốt việc tập trung quản lý chặt chẽ vốn vay trong nước và nước ngoài, nhất là các khoản vay mới (gồm vay của Chính phủ, vay được Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương), đảm bảo trong giới hạn cho phép và an toàn tài chính quốc gia; tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch.
Bộ Tài chính cũng sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay theo hướng: rà soát lại các dự án đang triển khai; cơ cấu lại nguồn vốn, loại bỏ dự án không hiệu quả; phân kỳ đầu tư để tập trung vốn cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính xác định rõ danh mục chương trình, dự án sử dụng vốn vay công mới trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016- 2020, sắp xếp ưu tiên và đề xuất cơ chế tài chính cấp phát/cho vay lại ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư, để đánh giá tác động lên nợ công, thẩm định chặt chẽ khả năng trả nợ và đảm bảo trong giới hạn nợ công, nợ chính phủ.
Bộ Tài chính sẽ kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu đủ nợ đối với các khoản vay về cho vay lại; thực hiện điều chỉnh giảm bảo lãnh chính phủ, thắt chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên và tiến tới thu hẹp, chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại theo cơ chế thị trường.
Bộ Tài chính đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công, chiến lược và chương trình quản lý nợ trung hạn trên cơ sở đó xây dựng, triển khai và giám sát nợ công theo các chương trình quản lý nợ trung hạn, có tính đến xu hướng giảm dần huy động vốn ODA, tiến tới tăng vay ưu đãi và vay thương mại nhằm thực hiện tốt các mục tiêu quản lý nợ công./.