Quản lý nợ thuế Xuất nhập khẩu: Nhiều bất cập về chính sách

Ngành Hải quan được giao quản lý thu thuế đối với hàng hoá XNK, bao gồm các loại thuế: Thuế XNK (thực hiện từ năm 1987), thuế TTĐB (thực hiện từ năm 1996) và thuế GTGT (thực hiện từ năm 1999). Theo số liệu tổng hợp đối với hàng hoá XNK luỹ kế tính đến ngày 31-10-2011, nợ thuế chuyên thu quá hạn của ngành Hải quan khoảng 5.218 tỷ đồng.

Quản lý nợ thuế Xuất nhập khẩu:  Nhiều bất cập về chính sách
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh.

Ngành Hải quan đã và đang tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ thuế, kiến nghị sửa đổi nhiều chính sách bất cập, gây khó khăn cho công tác đôn đốc thu đòi nợ thuế.

Quy định chưa chặt chẽ

Theo Cục Thuế XNK - Tổng cục Hải quan, đối với các khoản nợ thuế tồn đọng từ các năm trước (trước thời điểm 1-7-2007) khó có khả năng thu đòi do các quy định của luật và các văn bản hướng dẫn (mặc dù đã được tháo gỡ) còn có nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác đôn đốc thu đòi nợ thuế của ngành Hải quan.

Ví dụ như Luật Thuế XK, thuế NK hiệu lực thi hành trước ngày 1-1-2006, cho phép DN được nợ thuế mà không ràng buộc điều kiện phải là DN chấp hành tốt pháp luật thuế và không quy định nộp thuế theo thứ tự, nên hiện nay còn tồn đọng các khoản nợ của DN tự ngừng hoạt động, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc thu hồi nợ thuế.

Một cán bộ Cục Thuế XNK phân tích: Luật Doanh nghiệp quy định về thủ tục, điều kiện thành lập DN thông thoáng, tạo thuận lợi cho các đối tượng và mọi thành phần kinh tế khi thành lập DN.

Tuy nhiên, do quy định điều kiện thành lập DN còn dễ dàng và sơ hở (không có quá trình xác minh, điều tra trước khi thành lập DN, quản lý DN trong quá trình hoạt động, tồn tại) nên bị một số DN lợi dụng để thành lập DN.

Nhiều trường hợp người đứng tên chủ doanh nghiệp là người được mượn tên khi thành lập DN không phải là người đầu tư vốn nên không có năng lực về tài chính, kinh tế (thậm chí nhiều người không có nhà cửa, tài sản) hoặc là chủ DN nhưng cố tình lẩn trốn pháp luật, DN giải thể, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký,… dẫn đến cơ quan Hải quan không thể thu hồi nợ thuế.

Điều 42 Luật Quản lý thuế hiện quy định thời hạn nộp thuế. Việc cho áp dụng thời hạn nộp thuế hiện đang là một trong những nguyên nhân làm tăng nợ thuế của ngành Hải quan do DN lợi dụng chính sách trây ỳ không chịu nộp thuế; cơ quan Hải quan phải duy trì một nguồn nhân lực và chi phí để quản lý nợ thuế.

Các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 93 Luật Quản lý thuế chỉ có thể thực hiện hiệu quả đối với các DN đang còn hoạt động, khó thực hiện đối với DN cố tình trây ỳ, bỏ trốn và khi thực hiện tuần tự các biện pháp dễ dẫn đến trường hợp DN tìm cách đối phó như khi thực hiện biện pháp sau thì DN đã di dời chỗ khác, người đại diện theo pháp luật đã tẩu tán tài sản và bỏ trốn.

Hiện nay, việc giải thể DN được thực hiện theo quy định tại Điều 157, 158 Luật DN. Theo đó, khi giải thể, DN phải thông báo và gửi quyết định giải thể cho cơ quan đăng ký kinh doanh, các chủ nợ kèm theo thông báo về phương án giải quyết nợ.

DN chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Tuy nhiên, thực tế có nhiều DN không thực hiện đúng quy định, không thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các chủ nợ (trong đó có cơ quan Hải quan), đến khi cơ quan Hải quan phát hiện thì DN đã tự giải thể, không còn hoạt động, tài sản của DN không còn hoặc đã thế chấp tại ngân hàng, vì vậy cơ quan Hải quan không thể thu hồi được nợ của những đối tượng này.

Lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt làm DN khó khăn về tài chính và chưa có khả năng nộp thuế; lãi suất cho vay của ngân hàng trên 20%, trong khi phạt chậm nộp thuế là 0,05%/ngày chậm nộp, tương đương khoảng 18%/năm nên DN trây ỳ không nộp thuế đúng thời hạn.

Giải pháp xử lý nợ thuế

Nhằm tăng cường quản lý nợ thuế, Tổng cục Hải quan kiến nghị sửa đổi một số Điều của Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, trong đó đề nghị sửa các điều liên quan đến quản lý nợ thuế.

Đó là thời hạn nộp thuế theo hướng yêu cầu DN nộp thuế trước khi nhận hàng hoặc phải có bảo lãnh nộp thuế. Đề nghị sửa về xoá nợ tiền thuế, tiền phạt để xử lý các khoản nợ phát sinh do khách quan đã quá 10 năm. Kiến nghị sửa về xoá nợ tiền thuế, tiền phạt theo hướng: Bổ sung thêm các trường hợp xoá nợ tiền thuế, tiền phạt đối với các khoản nợ quá 10 năm đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thu đòi nợ thuế nhưng khó thu hồi.

Đề nghị sửa về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo hướng: Cho phép áp dụng linh hoạt các biện pháp cưỡng chế để tăng cường tính chủ động cho cơ quan Hải quan trong thu hồi nợ thuế.

Vì việc thực hiện tuần tự các biện pháp cưỡng chế không thật sự hiệu quả, không được áp dụng những biện pháp cần áp dụng ngay một cách phù hợp nhất với tình thế.  

Giải pháp tổ chức thực hiện:

Thực hiện cơ cấu lại tổ chức công tác theo dõi quản lý nợ thuế tại các đơn vị Hải quan từ Tổng cục đến cục Hải quan các tỉnh, thành phố đều có các bộ phận có chức năng quản lý nợ thuế.

Tại các chi cục Hải quan: Phân công cán bộ chuyên quản để theo dõi DN nhằm có những thông báo, đôn đốc kịp thời để DN chấp hành nghĩa vụ nộp thuế như: Gọi điện thoại, gửi công văn thông báo nhắc nhở, đề nghị các DN nộp thuế đúng hạn; gửi thông báo đốc thu hồi nợ thuế đến các DN mới phát sinh quá hạn; Có văn bản gửi tới các cục thuế địa phương, ngân hàng, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhằm thực hiện việc phối kết hợp trong công tác thu đòi nợ thuế của các DN trây ỳ; đưa thông tin trên hệ thống mạng về danh sách các đối tượng nợ tiền thuế, tiền phạt quá hạn; thực hiện việc xác minh về tình hình hoạt động của DN thông qua cơ quan Thuế.

 Các giải pháp khác về công tác quản lý nợ thuế:

-Tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Sở Kế hoạch và Đầu tư, ban quản lý khu công nghiệp, chính quyền địa phương và cục Thuế để truy tìm DN, chủ sở hữu DN trong công tác thu hồi nợ đọng thuế.

-Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ pháp luật cho người nộp thuế, giúp họ  hiểu từ đó tự giác tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế.

-Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ quản lý thuế theo hướng chuyên sâu. Xây dựng bộ máy quản lý thuế hiện đại và chuyên nghiệp, đảm bảo quản lý thuế công bằng, minh bạch, thu đúng, thu đủ, nộp ngân sách kịp thời.

- Từng cục, chi cục thành lập đoàn đi đôn đốc thu đòi nợ thuế; phối hợp với chính quyền địa phương để thu thập, xác minh thông tin về các DN bỏ trốn, mất tích khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

- Gắn việc xử lý nợ với xét thi đua khen thưởng: Trên cơ sở kết quả công tác quản lý nợ thuế và thu hồi nợ thuế hàng năm để đưa ra tiêu chí xét khen thưởng về thành tích thu thuế.

(Nguồn: Tổng cục Hải quan)


Theo Báo Hải quan ( Đăng ngày 27/12/2011 )