Quản lý rủi ro - Giải pháp hữu hiệu phát triển hải quan hiện đại
(Tài chính) Kể từ năm 2011, hoạt động quản lý rủi ro (QLRR) đã và đang được ngành Hải quan đẩy mạnh, triển khai bài bản và sâu rộng trong các khâu nghiệp vụ, góp phần hữu hiệu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu (XNK).
Phát huy hiệu quả
Thời gian vừa qua, cùng với việc triển khai thủ tục hải quan điện tử, Tổng cục Hải quan đã từng bước hoàn thiện bộ tiêu chí áp dụng trong toàn Ngành, đáp ứng việc phân luồng kiểm tra hàng hoá theo Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 và Thông tư số 196/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012.
“Trong quản lý hải quan hiện đại, việc áp dụng phương pháp QLRR được coi là khâu quan trọng. QLRR có thể xác định trọng điểm các đối tượng tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, để từ đó cơ quan hải quan có biện pháp xử lý ngăn ngừa hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan…” Phó Ban QLRR, Tổng cục Hải quan Bùi Thái Quang chia sẻ.
Hiện nay, việc xây dựng, hình thành và áp dụng bộ tiêu chí QLRR đã góp phần giúp cho việc phân luồng hàng hoá xuất nhập khẩu được minh bạch - hiệu quả, được phân loại theo 3 cấp độ cơ bản.
Nhóm 1, đã xác lập tiêu chí kiểm tra điều kiện hàng cấm xuất khẩu và cấm nhập khẩu cho hơn 100 mã hàng theo quy định tại phụ lục 1 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP. Có thể nói đây là màng lưới lọc đầu tiên đối với các hàng hóa XNK để cơ quan hải quan căn cứ đưa ra quyết định thông quan hàng hóa.
Nhóm 2, tiêu chí phân luồng kiểm tra thông quan hàng hoá có hàng ngàn mã hàng và nhóm mã cụ thể.
Đây là nhóm hàng hóa cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu trên cơ sở phải đáp ứng những điều kiện nhập khẩu, xuất khẩu được quy định tại các văn bản quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành. Doanh nghiệp phải xuất trình, nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan điện tử để cán bộ công chức hải quan kiểm tra trước khi cho phép thông quan hàng hoá.
Nhóm 3, tiêu chí phân luồng xanh điều kiện có đến hơn ngàn mã hàng và nhóm mã. Hàng hoá thuộc nhóm 3 là các lô hàng được giải phóng hàng hoá, được đưa về kho bảo quản, được chuyển khẩu… với điều kiện phải xuất trình hoặc nộp các chứng từ, tài liệu như: giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký kiểm dịch, giấy đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm…theo quy định tại Thông tư 196/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính.
Việc các bộ, ngành đưa ra danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành kịp thời, chính xác và đầy đủ mã hồ sơ sẽ giúp cho việc sử dụng các tiêu chí đánh giá rủi ro xác định và phân luồng được nhanh chóng và tạo thuận lợi hơn cho việc làm thủ tục hải quan.
Đang được nâng tầmĐể hoạt động quản lý tuân thủ xuất nhập khẩu đạt hiệu quả, Bộ Tài chính vừa phê duyệt đề án “Tăng cường năng lực QLRR của ngành Hải quan giai đoạn 2013 – 2015, tầm nhìn 2020”, hướng đến mục tiêu tăng cường hiệu quả quản lý, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Việc thực hiện đề án nêu trên sẽ góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuống còn dưới 10% vào năm 2015 và dưới 7% vào năm 2020.
Theo đó, năm 2015, hoạt động QLRR phấn đấu đạt một số mục tiêu cốt lõi.
Tổng số cán bộ công chức chuyên trách chiếm khoảng 10% biên chế trong toàn ngành Hải quan (trên 1000 người). Toàn bộ số cán bộ, công chức sẽ được đào tạo kiến thức cơ bản về QLRR; trong đó, trên 70% có khả năng chủ động và độc lập thực hiện được nhiệm vụ công tác được giao.
Triển khai áp dụng QLRR toàn diện, đầy đủ trong các khâu hoạt động nghiệp vụ theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Luật Hải quan.
Kiện toàn hoạt động QLRR ở ba cấp: Tổng cục, cục hải quan, chi cục hải quan và đơn vị thu thập, xử lý thông tin, QLRR ở các cục nghiệp vụ chuyên môn thuộc cơ quan Tổng cục vừa đảm bảo tính hệ thống, vừa đảm bảo tính đặc thù, đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế và cải cách hiện đại hóa hải quan. Đảm bảo cung cấp dữ liệu đánh giá rủi ro phục vụ tự động hóa trong các khâu nghiệp vụ hải quan đạt trên 70%.