Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi):

Quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả, tiết kiệm

PV.

Bộ Tài chính đang tiếp tục lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2016 và sớm đưa luật này vào cuộc sống.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 24/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí nhấn mạnh, công tác quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài sản công được Chính phủ hết sức coi trọng.

Thứ trưởng cho biết, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) lần này có phạm vi điều chỉnh theo hướng bao quát các loại tài sản công theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013, hướng tới mục tiêu khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công và quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng, Dự thảo luật sửa đổi được xây dựng trên quan điểm đưa ra những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công; đổi mới phương thức theo hướng nắm chắc, phản ánh đầy đủ tài sản công cả về giá trị và hiện vật.

Theo đó, Dự thảo Luật gồm 10 Chương, 137 Điều, trong đó, 5 chương quy định về các vấn đề chung và 5 chương quy định chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công.

Dự thảo Luật đưa ra các nhóm nguyên tắc để áp dụng thống nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, chú trọng giao quyền quản lý, quyền sử dụng cho cơ quan, tổ chức, và các đối tượng khác nhằm xác định rõ chủ thể sử dụng, gắn với trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, sử dụng; tiết kiệm, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Để đảm bảo việc công khai tài sản công đi vào thực chất, dự thảo luật đã bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng đối với tài sản công. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan có liên quan tổ chức việc giám sát tài sản công của cộng đồng, tập trung vào những nội dung như việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; tình hình quản lý, sử dụng tài sản công và việc thực hiện công khai…

Đánh giá về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch nhận định, Dự thảo Luật đã tiếp cận khái niệm tài sản công theo Điều 53 Hiến pháp năm 2013 nên rất rộng, nó bao gồm cả khái niệm “tài sản” và “tài nguyên” thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đây là điểm mới rất quan trọng so với phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành.

Đồng quan điểm trên, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, Dự thảo Luật ra đời là cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý góp phần khắc phục những nhược điểm hạn chế nổi cộm trong quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước như: Phân tán, thiếu thống nhất, phạm vi quản lý hạn hẹp… dẫn đến việc quản lý tài sản Nhà nước còn lỏng lẻo, tùy tiện, tài sản Nhà nước bị sử dụng lãng phí, thất thoát, không đúng mục đích, đối tượng.