Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016

Theo mof.gov.vn

Tại phiên họp thứ 50, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và tình hình thực hiện dự toán NSNN 6 tháng đầu năm, triển khai dự toán NSNN 6 tháng cuối năm 2016.

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Nhiều yếu tố không thuận ảnh hưởng đến thu ngân sách

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 trong 6 tháng đầu năm và đề xuất, kiến nghị thực hiện những tháng cuối năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, Nghị quyết của Quốc hội, năm 2016 GDP tăng 6,7%, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước. Để đạt mức tăng trưởng này, GDP 6 tháng cuối năm phải đạt gần 7,6% là khó khả thi đặc biệt trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng ở mức hợp lý nhưng sẽ có nhiều áp lực dồn lên CPI trong 6 tháng cuối năm nhất là tác động tăng giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình, giá dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại và tăng giá lương thực, thực phẩm vào mùa mưa bão, do đó, đòi hỏi phải kiên trì và có biện pháp kiểm soát đồng bộ thì mới thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết Quốc hội.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo về tình hình thực hiện NSNN 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thành nhiệm vụ NSNN năm 2016. Theo đó, thực hiện thu 6 tháng ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015. Dự toán chi cân đối NSNN là 1.273,2 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện chi 6 tháng đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015. Bội chi NSNN năm 2016 Quốc hội quyết định là 254 nghìn tỷ đồng (4,95%GDP), ước thực hiện 6 tháng là 85,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán năm.

Thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện dự toán NSNN 6 tháng đầu năm, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội thống nhất với những nhận định, đánh giá của Chính phủ. Những yếu tố không thuận lớn đã và đang ảnh hưởng lớn đến thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2016. Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ kinh tế- xã hội trong 6 tháng đầu năm chậm, nhất là phân bổ vốn xây dựng cơ bản.

Về kết quả thu NSNN, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mặc dù nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, các yếu tố làm giảm thu NSNN lớn nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt sự cố gắng của cơ quan thuế, hải quan, tiến độ thu NSNN đạt mức trung bình so cùng kỳ các năm gần đây là thể hiện sự cố gắng, nỗ lực lớn của Chính phủ, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.

Về chi NSNN, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ. Theo đó, cơ bản các nội dung chi được điều hành theo dự toán được Quốc hội giao, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Việc điều hành bội chi 6 tháng đầu năm ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán năm, theo Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội là hợp lý. Cơ quan này cho rằng, việc phát hành TPCP để bù đắp bội chi NSNN được đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chi của NSNN.

Đảm bảo dự toán ngân sách năm 2016

Để đảm bảo hoàn thành dự toán NSNN cả năm 2016, trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ khẩn trương triển khai có hiệu quả các giải pháp về điều hành ngân sách 6 tháng cuối năm 2016 theo Chỉ thị 22/CT-TTg ngày 3-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016.

Trong đó, tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp quan trọng chủ yếu như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN, chủ động xử lý các tác động do biến động giá dầu thô, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định…

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cơ bản thống nhất với 8 nhóm pháp của Chính phủ để hoàn thành nhiệm vụ NSNN năm 2016. Cơ quan này cũng đề nghị cần triển khai quyết liệt Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, bảo đảm giải ngân các nguồn vốn đúng tiến độ; phấn đấu đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Quốc hội, góp phần tăng thu ngân sách.

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, từ nay đến cuối năm cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong công tác tổ chức thu NSNN; tăng cường thanh kiểm tra, chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống thất thu, trốn thuế, xử lý dứt điểm nợ đọng thuế.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý chi NSNN, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tăng thu để đảm bảo nhiệm vụ chi ngân sách; quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công; xem xét thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng tiết kiệm chi tiêu cho NSNN, hạn chế mua xe công 6 tháng cuối năm 2016.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị quản lý chặt chẽ nợ công, cơ cấu nợ theo quy định tại Nghị quyết 99/2015/QH13 của Quốc hội, trong đó tăng cường vay dài hạn, lãi suất thấp; quản lý chặt bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, không chuyển thành nợ công.

Liên quan đến việc thu, nộp vào NSNN cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị thực hiện đầy đủ, kịp thời vào NSNN, theo đúng quy định tại Chỉ thị số 22/CT-TTg: "Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện nộp đầy đủ, kịp thời vào NSNN lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật, không được giữ lại để bổ sung vốn điều lệ".