Quản lý thuế hộ kinh doanh: Chưa bao giờ hết khó

Theo Tạp chí Thuế

Hiện nay Việt Nam có khoảng 1,7 triệu hộ kinh doanh (HKD), đóng góp khoảng 2,65% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN). Mặc dù số thuế đóng góp cho ngân sách không cao, song việc quản lý các HKD có ý nghĩa rất quan trọng đối với mục tiêu xây dựng môi trường quản lý thuế minh bạch, hiệu quả.

 Quản lý thuế hộ kinh doanh: Chưa bao giờ hết khó
Tổng cục Thuế thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh
Chính vì vậy, việc nghiên cứu hiện trạng, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng quản lý đối với HKD trở thành nhiệm vụ cấp bách của ngành Thuế. Đây cũng là nội dung chính của hội thảo do Tổng cục Thuế tổ chức trong 2 ngày 14-15/3 tại Hà Nội.Quản lý HKD: chưa bao giờ hết khó.
 
So với doanh nghiệp (DN) Nhà nước và các DN đầu tư nước ngoài thì phần lớn chủ DN ngoài quốc doanh và HKD đều chưa được đào tạo bài bản về kinh tế tài chính, ý thức chấp hành pháp luật thuế cũng chưa cao, nên việc quản lý của cơ quan Thuế đối với đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên là khâu quản lý danh bạ và cấp mã số.

Xác định đây là khâu quan trọng giúp cơ quan Thuế đưa được số hộ có đăng ký nộp thuế đến gần với số hộ thực tế có hoạt động sản xuất kinh doanh, bởi vậy hầu hết các Cục Thuế đã chỉ đạo các chi cục Thuế phối hợp với các cấp, ngành trên địa bàn thường xuyên thực hiện rà soát cấp mã số cho các HKD mới. Tuy nhiên công tác này vẫn gặp không ít khó khăn khi nhiều HKD nhỏ lẻ có kê khai đăng ký nộp thuế, nhưng do không có chứng minh nhân dân nên không cấp được mã số thuế và không quản lý được trên ứng dụng của Ngành.

Để lập bộ tính thuế đối với các hộ chưa có mã số thuế, các địa phương sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau nên khi tổng hợp thống kê số liệu không chính xác, không đồng bộ. Về lý thuyết, quy trình quản lý thuế đối với HKD yêu cầu các đội Thuế liên xã, phường, phải lập hồ sơ quản lý theo từng địa bàn để đảm bảo quản lý tốt danh bạ HKD.

Tuy nhiên trong thực tế, các đội Thuế chỉ có thể lập danh sách mà không thể lúc nào cũng lập được sơ đồ vì với các xã, phường trung tâm có địa chỉ rõ ràng thì số lượng HKD quá lớn, lại phát sinh nhiều hộ vãng lai không ổn định; còn đối với vùng núi, vùng sâu, các HKD phân tán nhỏ lẻ cách xa nhau nên càng gây khó khăn. Quy định về phân loại và xác định phương pháp thuế khoán hay kê khai nộp thuế cũng gây nhiều bất cập cho công tác quản lý, bởi việc này hoàn toàn phụ thuộc vào cán bộ Thuế, đồng nghĩa với dễ phát sinh tiêu cực khi HKD có thể thoả thuận với cán bộ Thuế về phương pháp nộp thuế có lợi nhất cho mình. 
 
Bên cạnh đó, việc thực hiện đôn đốc thu nộp tờ khai thuế cũng còn nhiều bất cập, do số lượng HKD lớn, thông báo thuế phải nộp có nhiều mẫu biểu tờ khai, nhiều mẫu thông báo thuế riêng biệt, trong khi thời hạn nộp thuế hàng tháng, hàng quý khác nhau. Những khó khăn này cộng với trình độ của các hộ rất hạn chế nên gây tốn kém về giấy tờ, thủ tục cho cơ quan Thuế, thêm việc cho cán bộ Thuế và HKD mất rất nhiều thời gian đi nộp thuế trong khi số thuế phải nộp rất nhỏ. Hơn nữa, tỷ lệ thu hồi tờ khai thuế của HKD nộp thuế khoán còn thấp. Theo thống kê cho thấy, có tới 26,84% chi cục Thuế cho rằng không thu hồi được đầy đủ các tờ khai; chất lượng kê khai và độ tin cậy của thông tin trên tờ khai cũng rất hạn chế. Hầu hết các HKD kê khai doanh số mang tính tượng trưng, rất thấp so với thực tế kinh doanh. 
 
Một số đề xuất nâng cao chất lượng quản lý HKD
 
Theo Vụ trưởng, Phó ban Cải cách và hiện đại hoá Tổng cục Thuế Nguyễn Quang Tiến, xuất phát từ đặc thù của HKD nên hệ thống chính sách thuế quản lý đối tượng này cần thiết kế đơn giản về quy trình thủ tục phù hợp với khả năng và trình độ của người nộp thuế, tạo tiền đề xây dựng cơ chế quản lý thuế minh bạch. Để thực hiện được mục tiêu đó, Ban Cải cách đề xuất trong thời gian tới cần đơn giản hoá chính sách thu đối với HKD theo hướng thực hiện một loại thuế theo tỷ lệ % dựa trên doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trên cơ sở ban hành ngưỡng chịu thuế Giá trị gia tăng.

Chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đánh thuế, tập trung vào những HKD có số thu lớn, kinh doanh trong các lĩnh vực rượu, bia, casino, sân gôn, xổ số; không đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với những HKD trong các lĩnh vực phổ biến, quy mô nhỏ như karaoke, massage để tiết kiệm chi phí hành thu; đồng thời không thu thuế tài nguyên đối với hộ khai thác nhỏ lẻ vì hiện tại đã có quy định cơ sở thu mua tài nguyên của các hộ nhỏ phải nộp thuế thay cho người khai thác. 
 
Trong thời gian qua, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế đối với HKD, Tổng cục Thuế đã ban hành quy trình mới theo hướng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong các khâu công việc, nâng cao trách nhiệm của từng bộ phận chức năng trong việc quản lý, điều tra doanh số, lập bộ, tính và thông báo thuế đối với HKD.

Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Sổ tay nghiệp vụ quản lý thuế đối với HKD cá thể và các tài liệu hướng dẫn chuyên sâu về quản lý danh bạ người nộp thuế, điều tra doanh số ấn định thuế, trên cơ sở đó nghiên cứu thực hiện các biện pháp thu thuế hiện đại như nộp thuế qua ngân hàng, qua mạng hoặc các máy ATM. Theo định hướng này, Vụ Cải cách sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin Tổng cục Thuế phát triển các ứng dụng quản lý thuế HKD tích hợp vào chung một hệ thống.

Cùng với đó, cơ quan Thuế các cấp sẽ nghiên cứu, tổ chức sắp xếp lại bộ máy cấp chi cục Thuế và nhân lực của các đội Thuế liên xã phường, trên cơ sở đó thống kê đối tượng quản lý, cân đối nhiệm vụ phát sinh hàng tháng, quý đảm bảo hợp lý hiệu quả .