Quản lý ví điện tử: Thay vì siết, xử lý nghiêm, phạt nặng
Ví điện tử (VĐT) được xem là cánh tay nối dài của các loại thẻ ngân hàng tới các ngõ ngách trong đời sống tiêu dùng, nếu ngăn chặn sẽ hạn chế trong việc thanh toán không dùng tiền mặt. Để làm rõ vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.
PV. Thưa ông, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014 có 2 điểm đáng chú ý là yêu cầu định danh VĐT và hạn mức sử dụng VĐT. Quan điểm của ông về những yêu cầu này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thứ nhất, yêu cầu định danh VĐT nhằm kiểm soát người sử dụng là cần thiết, vì VĐT có thể dùng cho những mục đích không phù hợp. Chẳng hạn người dùng có thể mở VĐT để mua bán những sản phẩm bất hợp pháp dưới nhiều hình thức.
Tương tự, việc quy định các VĐT liên kết với tài khoản người dùng tại các NH để nạp tiền vào ví, cũng là giải pháp để kiểm soát phòng chống tham nhũng và rửa tiền. Quy định này nhằm bảo vệ tài chính cho khách hàng sử dụng VĐT. Tuy nhiên, những quy định này đang mang lại bất tiện cho người dùng.
Thứ hai, hạn mức thanh toán tối đa qua VĐT đối với cá nhân 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; đối với tổ chức 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng, là mức quá thấp. Cần phải nâng hạn mức lên gấp đôi để người sử dụng VĐT có thể thanh toán nhiều khoản chi tiêu hơn. Hạn mức thanh toán VĐT của cá nhân có thể áp dụng tối đa 50 triệu đồng/ngày, 200 triệu đồng/tháng; đối với tổ chức mức tối đa 200 triệu đồng/ngày và 1 tỷ đồng/tháng.
Dĩ nhiên khi nâng cao hạn mức, rủi ro người dùng sử dụng tiền đó cho các hoạt động phạm pháp là có. Nhưng nếu không có VĐT, họ vẫn có thể dùng tiền rút ra từ ngân hàng để tài trợ các hoạt động phạm pháp.
Nhìn chung các quy định đưa ra hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động của dịch vụ VĐT, nhưng nếu quá khắt khe trong việc khai báo các thông tin người sử dụng và hạn chế hạn mức thanh toán như dự thảo thông tư, sẽ không thuận lợi cho người sử dụng VĐT, từ đó không hỗ trợ cho việc thanh toán phi tiền mặt.
VĐT đã hoạt động được 10 năm, vì sao đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đưa ra lấy ý kiến các quy định liên quan đến dịch vụ này. Và theo ông cần hành lang pháp lý nào để VĐT phát triển an toàn?
Thực ra NHNN vừa làm vừa học trong lĩnh vực VĐT. Lúc đầu NHNN mở toang cho nó hoạt động, nhưng khi nhận thấy nhiều hoạt động phạm pháp có thể dùng phương thức này để rửa tiền, nên siết lại.
Điều này cũng dễ hiểu vì công nghệ luôn phát triển, các cơ quan chức năng không thể chạy theo kịp, cần phải có thời gian để nghiên cứu, đưa ra những quy định phù hợp. Hiện nay, việc hỗ trợ trung gian thanh toán nói chung còn rất hạn chế vì Việt Nam mới đi vào lĩnh vực này, nên NHNN cần thời gian để quan sát và điều chỉnh hợp lý.
Tuy nhiên, thay vì mở rồi siết lại, cần phải có chính sách tổng thể về thanh toán phi tiền mặt, đưa ra những quy định chặt chẽ để quản lý cả hệ thống thanh toán phi tiền mặt. Trong đó, ngoài những quy định về cách thức hoạt động, sử dụng, cần đưa ra những điều lệ chặt chẽ hơn về xử phạt cũng như các quy định hành chính đối với việc lợi dụng các phương tiện này phục vụ mục đích giao dịch, thanh toán bất hợp pháp.
Khi đưa ra những quy định như vậy phải đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định. Chẳng hạn những người vi phạm phải đưa ra tòa án, công bố cho người dân biết người vi phạm bị xử lý nghiêm khắc.
Còn nếu những sai phạm trong thanh toán phi tiền mặt chỉ xử lý âm thầm bởi các cơ quan chức năng, hay xử lý hành chính không thể giải quyết được vấn đề, không răn đe được những người có ý định dùng thanh toán phi tiền mặt để thực hiện hành vi bất hợp pháp.
Ông đánh giá như thế nào về tốc độ phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt những năm gần đây?
Trong thanh toán không tiền mặt, VĐT chỉ là một trong các giải pháp nhưng việc phát triển cũng rất khó khăn. Hiện nay rất nhiều công ty phát hành VĐT, nhiều người dùng mở VĐT nhưng điểm chấp nhận VĐT còn hạn chế, dùng VĐT để đổ xăng, ăn uống cũng khó.
Tức đầu vào có, đầu ra không có nên VĐT chưa được phổ biến. Tâm lý người tiêu dùng Việt Nam lại luôn chạy theo các chương trình khuyến mại, trong khi thanh toán không tiền mặt chưa tiện lợi cho việc này.
Nhìn rộng ra, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ cần các giải pháp thanh toán, mà phải đồng bộ nhiều vấn đề, như làm sao thay đổi tâm lý của người tiêu dùng, khuyến khích nhiều tổ chức kinh tế chấp nhận thanh toán không tiền mặt như thẻ ngân hàng, VĐT, QR Code…
Hiện dùng tiền mặt vẫn là thói quen khó bỏ của người tiêu dùng. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng còn rất nhiều thành phần kinh tế không nhận thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Vì thế, cần nhiều thành phần kinh tế chấp nhận các hình thức thanh toán phi tiền mặt, người dân mới quen với việc không dùng tiền mặt.
Còn với tình trạng như hiện nay, ở thành thị dù một phần người tiêu dùng tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng vẫn phải chuẩn bị sẵn tiền mặt trong ví, bởi ở các vùng quê hầu như đều dùng tiền mặt.
Xin cảm ơn ông.