Quản trị chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu ngành Dệt may
Ngành Công nghiệp Dệt may Việt Nam đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay, Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Bài viết trao đổi tổng quan về quản trị chuỗi cung ứng, thực trạng chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu ngành Dệt may, từ đó đưa ra một số đề xuất đối với quản trị chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu của Ngành này trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Với mục tiêu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Dệt may là một trong những ngành được chú trọng và ưu tiên phát triển. Nhiều năm qua, Dệt may là ngành “tiên phong” trong Chiến lược xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới, thu về cho Đất nước một lượng ngoại tệ khá lớn. Ngành Dệt may Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao, chiếm 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và đang xuất khẩu sang khoảng 66 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Nguyên vật liệu đầu vào là một mắt xích quan trọng hỗ trợ cho ngành Dệt may phát triển. Đối với hàng may mặc, giá trị của phần nguyên phụ liệu chiếm tỷ trọng lớn và quyết định đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp (DN) dệt may còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nguyên phụ liệu của nước ngoài. Do vậy, việc quản trị chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu ngành Dệt may là rất quan trọng nhằm đảm bảo tránh rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng, góp phần giúp ngành Dệt may phát triển bền vững, đóng góp ngày càng hiệu quả cho nền kinh tế.
Tổng quan về chuỗi cung ứng ngành Dệt may
Chuỗi cung ứng ngành Dệt may
Theo Ganesham, Ran, Terry P.Harrison (1995), “Chuỗi cung ứng là một mạng lưới các lựa chọn sản xuất và phân phối nhằm thực hiện các chức năng thu mua nguyên liệu, chuyển đổi nguyên liệu thành bán thành phẩm và thành phẩm, và phân phối chúng cho khách hàng”. Đối với ngành Dệt may, chuỗi cung ứng hàng dệt may có đặc thù là chịu ảnh hưởng toàn bộ bởi người mua; để tạo ra một thành phẩm, các nguyên vật liệu phải trải qua nhiều công đoạn sản xuất và các công đoạn này thường được tiến hành ở các quốc gia khác nhau. Đặc biệt, các nhà sản xuất lớn, bán buôn và bán lẻ rất quan trọng khi kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu thụ hàng loạt. Chuỗi giá trị dệt may toàn cầu được chia thành 5 giai đoạn cơ bản: Cung cấp nguyên liệu thô (bông tự nhiên, chỉ...); Sản xuất hàng hóa trung gian từ nguyên liệu thô, sản phẩm của công đoạn này là sợi, vải do các công ty dệt, đan, nhuộm cung cấp; Thiết kế và sản xuất thành phẩm do các DN may mặc thiết kế; Xuất khẩu sang các nước/người mua khác bằng các trung gian thương mại; Tiếp thị và phân phối theo đại lý.
Nguyên phụ liệu ngành Dệt may
Nguyên vật liệu đầu vào là một mắt xích quan trọng hỗ trợ cho ngành Dệt may phát triển. Đối với hàng may mặc, giá trị của phần nguyên phụ liệu chiếm tỷ trọng lớn và quyết định đến chất lượng sản phẩm. Nguyên phụ liệu trong ngành Dệt may thường chia thành hai phần: nguyên liệu chính và phụ liệu. Nguyên liệu chính là thành phần chính tạo nên sản phẩm may mặc, chính là các loại vải. Phụ liệu là các vật liệu đóng vai trò liên kết nguyên liệu, tạo thẩm mỹ cho một sản phẩm may mặc, gồm có hai loại phụ liệu chính là chỉ may và vật liệu dựng. Vật liệu dựng là các vật liệu góp phần tạo dáng cho sản phẩm may như: khóa kéo, cúc, dây thun... Nguyên phụ liệu chính là đầu vào, là thành phần quan trọng để tạo sản phẩm đến với khách hàng.
Quản trị chuỗi cung ứng
Theo định nghĩa của Hội đồng các chuyên gia Quản trị chuỗi cung ứng (CSCMP), quản trị chuỗi cung ứng bao gồm quá trình lập kế hoạch, tìm kiếm nguồn cung ứng, mua nguyên liệu thô, cho đến khi sản phẩm hoàn thiện, và cuối cùng là các hoạt động hậu cần, phân phối thông qua các kênh phân phối khác nhau để đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Quản trị chuỗi cung ứng mang lại nhiều lợi ích cho DN. Quản trị hiệu quả chuỗi cung ứng có thể giúp tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí lưu trữ không cần thiết và đảm bảo chất lượng hàng hóa. Theo ước tính, việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng trung bình có thể giúp DN tăng lợi nhuận sau thuế lên tới 20%. Sự hiệu quả của quy trình quản lý chuỗi cung ứng phụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp. DN cần thực hiện quá trình lựa chọn nhà cung cấp phù hợp cho mình. Nhà cung cấp này cần có khả năng cung cấp nguyên vật liệu đúng thời điểm, chính xác và tuân thủ các thỏa thuận đã được đặt ra.
Thực trạng chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu ngành Dệt may
Từ năm 1990 đến nay, ngành Dệt may của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng của nền kinh tế. Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay, Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng lớn nhất. Năm 2010, với giá trị xuất khẩu lên tới 11,2 tỷ USD, Dệt may đã đóng góp trên 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2022, nhờ đà phục hồi của kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19, xuất khẩu dệt may Việt Nam tương đối thuận lợi với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức cao, đạt gần 44,5 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2021. Năm 2023, dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, đặc biệt sau gần 3 năm đối dịch mặt với đại dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ngành Dệt may vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 47-48 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, dù luôn nằm trong số các ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, ngành Dệt may cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang thay đổi khi ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm, đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm, trong khi ngành Dệt may Việt Nam đang thiếu tính liên kết theo chuỗi cung ứng.
Thực tế cho thấy, vai trò của Dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu gần như không có. Ngành Dệt may chỉ tham gia nhiều nhất là các công đoạn cắt và may, tức là gia công may. Hiện chỉ có 21% DN nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia. Hiện nay, chỉ có gần 10% các nguyên liệu đầu vào cung cấp cho ngành Công nghiệp Dệt may Việt Nam sử dụng là có nguồn gốc trong nước. Đơn cử, Việt Nam hiện sử dụng khoảng 400.000 tấn bông mỗi năm, tuy nhiên, chỉ có 3.000 tấn nguyên liệu này được cung cấp bởi các chuỗi cung ứng trong nước, phần còn lại là nhập khẩu. Suốt một thời gian dài, Việt Nam không có quy hoạch cụ thể phát triển vùng nguyên liệu cho ngành, còn DN trong nước chỉ tập trung may sản phẩm để kinh doanh và xuất khẩu. Điều đó cho thấy, chuỗi cung ứng ngành Dệt may nói chung và nguyên phụ liệu nói riêng vẫn là điểm yếu của ngành Dệt may Việt Nam.
Thực tế thời gian qua cho thấy, thách thức lớn nhất của Dệt may Việt Nam là tình trạng lệ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại. Việc phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc (chiếm gần 50%) sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành Dệt may trong nước nếu có những biến động bất lợi. Đáng nói hơn, hiện nay sản xuất nguyên liệu hỗ trợ cho ngành Dệt may mới chỉ tập trung cho các công đoạn giá trị gia tăng thấp như cúc, nhựa cài, chỉ dây, khóa kéo… còn các khâu có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải vẫn phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa các DN trong ngành còn yếu. Thậm chí, có DN mạnh dạn đầu tư để đảm nhiệm vai trò là nhà sản xuất phụ trợ cho một số DN ngành Dệt may, nhưng DN Dệt may lại không đảm bảo được việc tiêu thụ sản phẩm lâu dài do khó khăn trong việc tìm bạn hàng và hợp đồng dài hạn nên DN phụ trợ gặp khó. Điều này cho thấy, sự liên kết giữa các DN trong ngành còn rất lâu mới đạt được sự ổn định, bền vững.
Đề xuất giải pháp
Nhằm nâng cao hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu ngành Dệt may trong thời gian tới, tác giả kiến nghị một số giải pháp sau:
Đối với Nhà nước
- Để tăng cường tính tự chủ về nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập, về lâu dài, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cần tập trung ngay từ khâu vật tư cung ứng nguyên phụ liệu “xanh” cho đến khâu sản xuất phân phối. Trong đó, phải có định hướng quy hoạch cụm công nghiệp hỗ trợ với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tập trung vào các công đoạn có lợi thế cạnh tranh rõ rệt để thu hút đầu tư FDI.
- Về trung và dài hạn, hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia nhằm giúp ngành Dệt may tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu; tạo điều kiện để DN phát triển và sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là khâu vải hoàn tất.
- Cần phát huy hiệu quả vai trò của các tham tán thương mại nước ngoài nhằm tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường ở cả chiều nhập và xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường cung ứng nguyên vật liệu chất lượng cao, giá rẻ, từ đó tăng sức cạnh tranh của DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đối với doanh nghiệp dệt may
- Cần phải tư duy dài hạn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cần định vị lại vị thế của mình. Không còn đơn thuần là gia công công đoạn (CMT), lợi nhuận thấp, thường xuyên bị ép giá mà phải sớm chuyển đổi sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng), từng bước đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của “Chuỗi cung ứng bền vững”. Đây không phải là một khái niệm mới trong ngành Dệt may và trên thực tế không phải đến thời điểm hiện tại vấn đề này mới được chú trọng, mà dưới tác động của dịch COVID-19, các DN Dệt may Việt Nam càng nhận thức rõ tầm ảnh hưởng của chuỗi cung ứng bền vững như thế nào. Cần thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm, tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường đến tay người tiêu dùng.
- Chủ động, linh hoạt trong việc tìm kiếm các xây dựng, phát triển nguồn cung ứng nguyên phụ liệu trong nước, hoặc liên kết với các DN có vốn đầu tư nước ngoài để tận dụng lợi thế, kinh nghiệm trong việc hình thành các cụm cung cấp nguyên phụ liệu cho các DN dệt may, tránh quá phụ thuộc vào các thị trường biến động như Trung Quốc.
Kết luận
Ngành công nghiệp Dệt may hiện đang giữ một vai trò quan trọng trong phát triển tăng trưởng kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày, ngành Dệt may còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc tế. Để ngành Dệt may tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế, cần chú trọng quan tâm đến quản trị chuỗi cung ứng nói chung và chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu nói riêng, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành Dệt may.
Tài liệu tham khảo:
- Mỹ Phương (2022), Giải pháp quản lý chuỗi cung ứng dệt may phát triển bền vững. Trang điện tử Bnews;
- Đặng Thị Tuyết Nhung, Đinh Công Khai (2011), Chuỗi cung ứng trong ngành Dệt may Việt Nam. Tài liệu nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright;
- Thu Hường (2023), Ngành Dệt may: Đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu. Truy cập từ link: https://congthuong.vn/nganh-det-may-da-dang-hoa-nguon-cung-nguyen-phu-lieu-250592.html;
- Nguyễn Văn (2023), Chuỗi cung ứng biến động, dệt may có chậm một nhịp? Tạp chí Công Thương;
- Trang Nhi (2023), Chiến lược duy trì chuỗi cung ứng ngành Dệt may. Báo Công lý.