Quản trị công ty đại chúng và niêm yết ở Việt Nam
TCTC Online - Sự phát triển của TTCK Việt Nam khiến các công ty đại chúng nói chung và công ty niêm yết nói riêng đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong nền kinh tế. Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính đến ngày 4/5/2010, tổng giá trị vốn hoá trên TTCK Việt Nam đạt 740.433 tỷ đồng (bằng 45% GDP năm 2009, tương đương khoảng 39 tỷ USD). Hiện tại đã có khoảng 2.000 công ty đại chúng tại Việt Nam và khoảng 600 DN đã niêm yết trên 2 sàn chứng khoán. Chính vì vậy, việc quản trị công ty(QTCT) đại chúng/niêm yết là một vấn đề mới và rất quan trọng...

Tại sao quản trị công ty lại quan trọng?
Đối với những quốc gia có nền kinh tế thị trường mới nổi như Việt Nam, việc tăng cường QTCT có thể phục vụ cho rất nhiều mục đích chính sách công quan trọng. QTCT tốt sẽ giảm thiểu khả năng tổn thương trước các biến động không mong muốn, củng cố quyền sở hữu, giảm chi phí giao dịch và chi phí vốn, tạo điều kiện cho TTCK phát triển. Một khuôn khổ QTCT yếu kém sẽ làm giảm mức độ tin tưởng của các nhà đầu tư (NĐT), kìm hãm sự phát triển lành mạnh của cả chủ thể nền kinh tế nói chung.
QTCT tốt có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lành mạnh, tạo ra một loạt các mối quan hệ giữa ban giám đốc, Hội đồng quản trị (HĐQT), các cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan tạo nên định hướng và sự kiểm soát công ty. Mối quan hệ này được xác định một phần bởi luật pháp, lịch sử, văn hóa của quốc gia nơi công ty đặt trụ sở. QTCT tốt thúc đẩy hoạt động, tăng cường khả năng tiếp cận của công ty với các nguồn vốn bên ngoài ở mức chi phí thấp, góp phần giảm thiểu rủi ro kinh doanh, tăng cường đầu tư và phát triển bền vững.
Ngược lại, một khuôn khổ QTCT yếu kém sẽ làm giảm độ tin tưởng của các NĐT, không đón nhận được nguồn vốn từ bên ngoài, giảm giá trị kinh tế của công ty và có thể dẫn tới các nguy cơ phá sản hoặc bị thôn tính, sáp nhập, làm tăng rủi ro đối với hệ thống kinh tế quốc gia. Như vậy, việc hoàn thiện và tăng cường hệ thống QTCT đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đối với các NĐT, QTCT sẽ góp phần củng cố quyền sở hữu, giảm thiểu các chi phí giao dịch, chi phí vốn và đồng nghĩa với việc đầu tư có hiệu quả.
Ở nhiều nước trên thế giới, vấn đề QTCT được đặc biệt coi trọng kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính tại Châu Á năm 1997 và sự sụp đổ của hàng loạt các công ty niêm yết (CTNY) tại các nước phát triển như Enron, Tyco, Adelphia và WorldCom (Mỹ); HIH và One. Tel (Úc) v.v... QTCT không chỉ thu hút sự quan tâm và chú ý của các nước, mà còn nhận được sự quan tâm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tổ chức các nước phát triển (Group of Seven-G7) còn ban hành Bộ nguyên tắc/Điều lệ tốt nhất về QTCT và kế toán. Bởi vậy, QTCT hiệu quả (good corporate governance) được coi như nhân tố cơ bản cho phát triển kinh tế và đang trở thành một mục tiêu tại tất cả các quố gia.
Hiện nay, WB là tổ chức đánh giá việc áp dụng các tiêu chuẩn của OECD về QTCT. Các đánh giá này là một phần trong chương trình “Báo cáo về Tình hình tuân thủ các Tiêu chuẩn và Chuẩn mực (ROSC)” của WB và IMF. Mục tiêu của sáng kiến ROSC là xác định những yếu kém có thể dẫn đến khả năng bị tổn thương về kinh tế và tài chính của một quốc gia. Mỗi đánh giá ROSC về QTCT là rà soát khuôn khổ pháp lý cũng như các thông lệ và việc tuân thủ của các CTNY, đồng thời đánh giá khuôn khổ QTCT so với các chuẩn mực được quốc tế công nhận.
Quản trị công ty đại chúng và CTNY ở Việt Nam hiện nay
Khung pháp lý - thành công bước đầu
Tại Việt Nam, khuôn khổ pháp lý cho việc nâng cao hoạt động QTCT về cơ bản đã được đề cập trong Luật DN 2005, Luật Chứng khoán 2006, Điều lệ Mẫu áp dụng cho các CTNY- Quyết định 15/2007/QĐ-BTC, ngày 19/03/2007 của Bộ Tài chính. Riêng với CTNY, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/03/2007 về Quy chế QTCT áp dụng cho các CTNY trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán.
Tháng 6/2006, WB xuất bản “Báo cáo đánh giá về tình hình QTCT của Việt Nam” theo đó đã đưa ra những nhận xét tương đối khách quan về tình hình Tuân thủ Chuẩn mực và Nguyên tắc về QTCT (ROSC) của Việt Nam. Từ thời điểm đó đến nay, Việt Nam đã tiến bộ hơn trong việc nâng cao, tăng cường năng lực QTCT.
Về khung pháp lý, có thể coi đó là thành công bước đầu trong QTCT ở Việt Nam khi Luật DN 2005 là một bước tiến lớn tạo ra thay đổi căn bản trong quá trình hoàn thiện khung quản trị, cũng như quy định khá đầy đủ và cụ thể các nội dung hay yếu tố cấu thành của khung quản trị. Bên cạnh đó các quy định của Luật Chứng khoán 2006, Quy chế QTCT niêm yết, Điều lệ mẫu áp dụng cho các CTNY đã bổ sung tương đối đầy đủ khung quản trị cho các công ty đại chúng và CTNY.
Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế khung quản trị cụ thể của các công ty nói chung hiện nay ở nước ta phần nhiều còn mang tính tuỳ nghi, chưa thật sự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông và hệ quả là sự phân hoá sâu sắc các nhóm cổ đông trong công ty làm nguồn cho các cuộc thâu tóm, sáp nhập có nguy cơ diễn ra trên diện rộng. Điều này do nhiều nguyên nhân mà một trong số những nguyên nhân chính lại nằm trong khung quản trị của các công ty trong việc ngăn ngừa các xung đột lợi ích một cách hiệu quả.
Hàng loạt các bất cập liên quan đến cơ cấu tổ chức, đảm bảo quyền và lợi ích của cổ đông, công khai hoá thông tin và các lợi ích có liên quan, các quy định về kế toán và kiểm toán đã nảy sinh làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều công ty; các nhóm cổ đông bị phân hoá quyền và lợi ích rất sâu sắc; quyền của cổ đông thiểu số bị lạm dụng... Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà một trong các nguyên nhân chính là khung pháp lý về quản trị được ban hành và tuân thủ chưa đầy đủ làm cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông/NĐT.
Một số hạn chế nổi bật
* Chưa đảm bảo mọi quyền lợi của cổ đông nói chung, cổ đông thiểu số: Quyền của cổ đông trên thực tế vẫn chưa được đối xử công bằng. Điều lệ không ít công ty vẫn không áp dụng nguyên tắc “One - share- One- Vote” - “Một cổ phần - Một phiếu bầu”; vẫn có quy định loại bỏ các cổ đông nhỏ không được tham gia dự họp Đại hội đồng cổ đông(ĐHĐCĐ), bằng quy định tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu để cổ đông tham dự ĐHĐCĐ.
* Mức độ công khai hoá chưa được tuân thủ: Kém công khai hoá là một trong số các vấn đề lớn của QTCT hiện nay ở nước ta, ngay cả với các công ty đại chúng cũng như niêm yết. Chủ sở hữu, các cổ đông không nhận được một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ các thông tin cơ bản về công ty, từ tổng số tài sản đến đánh giá chính xác về thực trạng tài chính hiện nay và thông tin về lưu chuyển tiền tệ trong quá khứ.
Thông tin loại này bao gồm những dự đoán của HĐQT hay cán bộ quản lý về những biến đổi giá có thể xảy ra trên mỗi loại thị trường mà công ty đang hoạt động (thị trường sản phẩm, thị trường cung ứng nguyên liệu, thị trường vốn, thị trường lao động), và ước tính thay đổi cầu đối với sản phẩm của công ty. Đây là không thể thiếu được để đánh giá giá trị công ty trong dòng vận động, vì nó cho phép NĐT dự tính được những thay đổi có thể xảy ra thì tương lai, trong lưu chuyển tiền tệ. Bên cạnh đó, các thông tin trực tiếp liên quan đến lợi ích của những người quản lý cũng rất ít, thậm chí không được công khai hoá. Đó là các thông tin về tiền lương, thù lao, và lợi ích khác, thông tin về dòng tiền đến với cổ đông đa số.
* Chưa kiểm soát được các giao dịch của công ty với các bên có liên quan: Cũng như ở hầu khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, Luật DN 2005 ngay từ đầu đã không cấm các giao dịch giữa công ty với các bên có liên quan. Điều đó xuất phát từ nhiều lý do khác nhau nhưng suy cho cùng là tránh việc lợi dụng sự sơ hở trong QTCT để trục lợi của những người quản lý. Đó là thành viên HĐQT, những người quản lý cao cấp và các cổ đông lớn thường là những bạn hàng mà công ty phải giao dịch.
Luật DN năm 2005 đã quy định khá chi tiết và cụ thể các bên có liên quan của công ty và cả chế độ, cách thức kiểm soát các giao dịch của công ty với các bên có liên quan. Tuy vậy, trên thực tế, sự kiểm soát này còn hết sức yếu kém, thậm chí có thể nói chưa hiện diện trong chế độ quản trị các công ty ở nước ta. Các cổ đông, thành viên HĐQT và những người quản lý khác, các cơ quan thực thi pháp luật và xã hội nói chung chưa thực sự ý thức được sự tồn tại và tác hại đối với lợi ích của công ty, của cổ đông và những người khác, nếu giao dịch của công ty với các bên có liên quan bị lạm dụng.
Trên thực tế, trong hầu hết các trường hợp, các công ty chưa xác định cụ thể đối tượng thuộc diện các bên có liên quan của công ty; chưa có cơ chế và cách thức thu thập, tập hợp, lưu trữ và quản lý ”hồ sơ” cũng như xác định danh tính cụ thể của từng bên có liên quan của công ty... Như vậy, có thể nói, yêu cầu công khai hóa và kiểm soát các giao dịch của công ty với các bên có liên quan hầu như chưa thực hiện được. Đây thực sự đang là một lỗ hổng lớn trong khung QTCT hiện nay ở nước ta.
* Kiểm soát nội bộ còn hình thức và kém hiệu quả: Về hình thức, cơ cấu quản lý nội bộ của các công ty cổ phần ở nước ta là hợp lý và cân bằng. Ban kiểm soát (BKS) thực hiện vai trò giám sát và kiểm soát nội bộ; trực tiếp giám sát HĐQT và giám đốc điều hành. BKS có vai trò và địa vị ngang bằng với HĐQT, cùng chịu trách nhiệm trước cổ đông trong thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình.
Nhìn chung, vai trò của BKS (BKS) trong CTNY được thể hiện rất rõ ràng trong Luật DN, Quy chế, Điều lệ Mẫu; tuy nhiên, trong thực tiễn, tại nhiều CTNY, vai trò của BKS chỉ “tồn tại trên giấy”. Trên thực tế, việc thành lập BKS tại nhiều DN hiện nay gần như chỉ mang tính thủ tục, hình thức.
Những kiến nghị, đề xuất
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức về khung pháp lý QTCT. Cùng với việc tuyên truyền phổ biến, đào tạo về QTCT, cần hỗ trợ, giúp các chủ sở hữu DN, những người quản lý nhận biết được thực trạng quản trị hiện tại, những thay đổi cần thực hiện để có thể tiến tới áp dụng được khung quản trị hiện đại.
Thứ hai, nâng cao vai trò của HĐQT phù hợp với địa vị pháp lý và ý nghĩa thực tế của nó trong QTCT. Các thành viên HĐQT hợp lại là “đầu não” điều khiển của công ty; còn những người quản lý là “cánh tay” của công ty. Sự phát triển bền vững và ổn định của công ty phụ thuộc nhiều vào chất lượng của HĐQT nói chung và của từng thành viên nói riêng. Nói cách khác, phương thức làm việc chủ yếu của thành viên HĐQT là nghiên cứu, là tư duy về các vấn đề chiến lược chứ không phải điều hành và quyết định các công việc hàng ngày.
Cơ cấu HĐQT nên gồm cả những thành viên không điều hành. Nói cách khác, một số thành viên sẽ không trực tiếp giữ các chức vụ điều hành công ty, mà chỉ tập trung chuyên trách vào định hướng chiến lược và giám sát, đảm bảo công ty phát triển đúng theo định hướng đã vạch. Các công ty sở hữu nhà nước nên khuyến khích đi đầu trong thực hiện biện pháp cải cách này. Cơ chế khuyến khích vật chất, nhất là chế độ tiền lương cũng hết sức quan trọng. Toàn bộ tiền lương, lợi ích vật chất và chi phí làm việc của HĐQT nói chung và của từng thành viên HĐQT nói riêng phải được coi là chi phí hợp lệ, được tính vào chi phí kinh doanh của công ty.
Hiệu quả hoạt động của cả Hội đồng và từng thành viên HĐQT là căn cứ không thể thiếu được để xác định mức tiền lương cụ thể và lợi ích khác của họ. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu hình thành phương pháp, cách thức và cộng cụ đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động của HĐQT. Như vậy, có các phương pháp khoa học, phù hợp với thực tế và dễ áp dụng để đánh giá thành viên và cả HĐQT cũng sẽ góp phần vào việc nâng cao hiệu lực khung QTCT ở nước ta.
Nâng cao và thống nhất nhận thức về nghĩa vụ các thành viên HĐQT và người quản lý. Bên cạnh nghĩa vụ tuân thủ luật pháp, thì nghĩa vụ uỷ thác và nghĩa vụ cẩn trọng và chuyên cần là hai nghĩa vụ cơ bản của thành viên HĐQT và những người quản lý khác.
Thứ ba, hoàn thiện chế độ công khai hoá thông tin và mức độ minh bạch trong QTCT. Bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật trực tiếp liên quan đến chế độ công khai hoá thông tin của DN. Yêu cầu tất cả các công ty cổ phần nói chung, các CTNY nói riêng, các công ty có ít nhất 50% sở hữu nhà nước phải được kiểm toán; phải công khai báo cáo tài chính đầy đủ trên mạng thông tin của DN và mạng thông tin quốc gia về DN. Ngoài báo cáo tài chính, các công ty nói trên còn phải công khai hoá báo cáo đánh giá về HĐQT và thành viên HĐQT, báo cáo của HĐQT dự đoán về xu thế phát triển của công ty trong 3 năm tiếp theo. Các cơ quan thực thi pháp luật về QTCT như UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán, hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh cần phải được tăng cường về năng lực chuyên môn và trang thiết bị, đủ sức thực thi đầy đủ, công bằng các quy định bắt buộc về công khai hoá thông tin và minh bạch hoá quản lý.
Thứ tư, công khai hoá và giám sát có hiệu quả các giao dịch với các bên có liên quan. Việc công khai hoá các giao dịch và lợi ích liên quan mang tính hình thức cho thấy đây đang là một lỗ hổng lớn trong QTCT hiện nay ở nước ta; tạo không ít cơ hội cho những người quản lý lạm dụng quyền và vị thế của họ để chiếm đoạt giá trị và tài sản của công ty một cách hợp pháp. Vì vậy, thu hẹp dần “lỗ hổng” này là việc cần làm ngay đối với từng công ty, nhất là các CTNY và các công ty có tỷ lệ lớn sở hữu nhà nước.
Để giám sát được các giao dịch của công ty với các bên có liên quan, việc đầu tiên cần phải làm là phải xác định được “danh tính” cụ thể của từng “người có liên quan” của công ty và trên có sở này đặt ra yêu cầu quản lý qua một trong các phương thức sau:
Nâng cao nhận thức về quyền, quyền lợi và nghĩa vụ của cổ đông thiểu số trong QTCT; khuyến khích và tạo điều kiện để họ thực hiện được các quyền của mình,kể cả việc giám sát các cổ đông đa số. Sự giám sát đó của cổ đông thiểu số cũng sẽ là một nguồn thông tin về các bên có liên quan của công ty.
Khuyến khích, tạo điều kiện để người lao động có thể tích cực tham gia vào việc giám sát hoạt động kinh doanh của công ty. Qua đó, họ có thể phát hiện và khai báo về người có liên quan của công ty.
Thứ năm, nâng cao tính độc lập, chuyên nghiệp và hiệu lực của BKS. BKS được quy định là cơ quan kiểm soát quản trị nội bộ công ty. Việc nâng cao tính độc lập, tính chuyên nghiệp và hiệu lực của BKS là một trong số các giải pháp cơ bản cải thiện hiệu lực QTCT ở nước ta. BKS do ĐHĐCĐ bầu ra để thay mặt cổ đông thực hiện quyền giám sát đối với tình hình sản xuất kinh doanh của công ty do đó việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tác dụng của BKS chuyên nghiệp và độc lập đối với sự phát triển và lợi ích của công ty, lợi ích của chủ sở hữu và cổ đông là điều cần phải được nhận thức đúng; phải coi hoạt động kiểm soát chuyên nghiệp và độc lập như là nhu cầu nội tại tất yếu đối với sự phát triển bền vững của công ty.
Những cổ đông lớn, thành viên HĐQT và những người quản lý khác cũng phải coi việc “được giám sát hay kiểm soát” là một nhu cầu, giúp ngăn ngừa và phát hiện sớm những khiếm khuyết trong QTCT để có giải pháp khắc phục kịp thời và ít tốn kém.
Nhu cầu tìm kiếm các ứng cử viên bên ngoài là những chuyên gia tư vấn độc lập có trình độ nghề nghiệp cao và giàu kinh nghiệm thực tế làm thành viên BKS của công ty đã và đang được áp dụng rất hiệu quả ở nhiều công ty hiện nay. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, xây dựng và đưa vào áp dụng phương pháp đánh giá hoạt động của BKS và từng thành viên BKS sẽ góp phần thúc đẩy BKS và các thành viên nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc; đồng thời, giúp các bên có liên quan, nhất là các cổ đông giám sát được chính các hoạt động của BKS.
Thứ sáu, tăng cường vai trò của UBCKNN và các Sở Giao dịch Chứng khoán. UBCKNN phải đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đầy QTCT. Những nỗ lực của Bộ Tài chính, UBCKNN, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước... Đề nghị thành lập một ủy ban cấp cao về QTCT bao gồm các cơ quan hữu quan để đẩy mạnh công tác QTCT.
Cần củng cố quá trình chọn lựa công ty kiểm toán độc lập để đảm bảo tính độc lập của các công ty kiểm toán. Theo thông lệ tốt quốc tế, ban giám đốc công ty không được lựa chọn công ty kiểm toán. Đại diện của HĐQT và/hoặc BKS sẽ là những người lựa chọn công ty kiểm toán và ký hợp đồng kiểm toán.