Quản trị công ty: Tuân thủ là chưa đủ
Chất lượng quản trị cần được ưu tiên hàng đầu để phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, tiệm cận xu hướng quốc tế. Do đó, việc tuân thủ thực hành quản trị công ty là chưa đủ, doanh nghiệp cần phải vượt lên trên sự tuân thủ đó.

Vì mục tiêu chất lượng quản trị công ty trên mức bình quân Đông Nam Á
Quản trị công ty là hệ thống các quy tắc, cơ chế, quy định mà thông qua đó doanh nghiệp được điều hành và kiểm soát. Về cơ bản, quản trị công ty liên quan đến việc cân bằng lợi ích của các bên liên quan, chẳng hạn như cổ đông, người quản lý, khách hàng, nhà cung cấp, người xuất vốn, Chính phủ và cộng đồng.
Quản trị công ty tốt giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và các hành vi gian lận về tài chính, ngăn ngừa các giao dịch trục lợi cá nhân của các nhà quản lý, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường vốn, nâng cao uy tín và thương hiệu. Mặc dù quản trị công ty đem lại nhiều lợi ích nhưng chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam coi trọng đúng mức, một số doanh nghiệp đã thực hiện nhưng chưa hiệu quả.
Theo bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Thành viên Hội đồng quản trị (VIOD), nâng cao chất lượng và mặt bằng quản trị công ty cần được coi là một mục tiêu chiến lược quan trọng và ưu tiên hàng đầu hiện nay. Điều này đã được nêu rõ trong Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023, tại mục 3 “Mục tiêu cụ thể” với nội dung: “Nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á”.
Việc nâng cao chất lượng quản trị công ty đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc thu hút vốn đầu tư của các quỹ đầu tư quốc tế, mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho chính thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Hiện điểm quản trị công ty ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn mức bình quân và thấp nhất trong 6 quốc gia ASEAN. Mức điểm gần nhất công bố năm 2022 của Việt Nam là 57,6/130 điểm.
Theo kết quả đánh giá quản trị công ty năm 2024 của Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA), điểm số về quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá sơ bộ 2024 Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN - ASEAN (ACGS), Việt Nam vẫn chưa thể đạt được mức độ trung bình, cần nỗ lực rất lớn của từng doanh nghiệp niêm yết và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết.
“Hội đồng quản trị của doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi nhận thức về quản trị công ty để nhanh chóng xây dựng khuôn khổ quản trị tích hợp ba trụ cột ESG một cách đúng và hiệu quả. Từ đó, doanh nghiệp cũng sẽ bắt nhịp với những thông lệ quản trị tốt và tạo ra những giá trị thiết thực cho chính doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững”, bà Thanh chia sẻ.
Cần vượt lên sự tuân thủ
Bà Thanh cho rằng, việc thực hành quản trị công ty theo tư duy tuân thủ là chỉ làm đúng (không làm sai) là không thể đủ. Từng doanh nghiệp niêm yết cần có tư duy áp dụng các thông lệ tốt, được dẫn dắt bởi các nguyên tắc quản trị công ty tốt (Việt Nam CG Code), vượt lên trên sự tuân thủ để làm đủ và làm tốt nhất quản trị công ty, từ đó, góp phần nâng cao tổng thể mặt bằng chung của Việt Nam.

Yếu tố tiên quyết đầu tiên để nâng cao chất lượng quản trị công ty chính là thay đổi nhận thức và tư duy của các nhà lãnh đạo, bao gồm các thành viên hội đồng quản trị và ban điều hành của doanh nghiệp.
Hội đồng quản trị phải đảm bảo rằng việc xây dựng và thực hiện chiến lược của doanh nghiệp luôn hướng đến các mục tiêu minh bạch, hiệu quả và bền vững. Để đạt được điều này, cần thiết phải đưa các vấn đề quản trị công ty và yếu tố ESG vào chiến lược phát triển kinh doanh hàng năm.
Ví dụ, trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2024 - 2025, các doanh nghiệp cần phải có mục tiêu rõ ràng về ESG, với các nội dung cụ thể được bàn luận và giám sát tại các cuộc họp hội đồng quản trị.
Đồng thời, nhận thức này cần phải xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống điều hành doanh nghiệp, từ cấp hội đồng quản trị đến ban điều hành và các phòng, ban. Việc này đòi hỏi một quá trình lồng ghép có hệ thống các yếu tố quản trị công ty và ESG vào nội dung họp định kỳ của hội đồng quản trị và ban điều hành để đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả.
Thêm vào đó, quản trị công ty không chỉ dừng lại ở việc tuyên bố hoặc xây dựng các chính sách trên giấy tờ, mà cần được cụ thể hóa bằng các quy chế và quy trình rõ ràng. Để làm được điều này, hệ sinh thái quản trị công ty phải được xây dựng một cách đồng bộ, gắn với các quy chuẩn và quản trị rủi ro nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi. Cấu trúc quản trị công ty cần phải đáp ứng các yêu cầu về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc điều hành doanh nghiệp. Các quy trình cần được xây dựng rõ ràng để đo lường và quản lý rủi ro ở các cấp độ quản lý khác nhau, từ cấp cao nhất đến cấp trung và cấp cơ sở, nhằm đảm bảo quản trị công ty được thực hiện một cách triệt để và nhất quán.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tư duy vượt “vượt lên trên sự tuân thủ” của doanh nghiệp là rất quan trọng trong thực thi cải cách của doanh nghiệp.
“Gọi là vượt lên trên sự tuân thủ, có nghĩa là không chỉ làm để đảm bảo yêu cầu của luật pháp, Chính phủ mà làm chính vì lợi ích của các doanh nghiệp, lợi ích của khách hàng, của nhà đầu tư. Ví dụ, có thể luật pháp không yêu cầu, doanh nghiệp vẫn nỗ lực làm tốt hơn những quy định của luật như công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị rủi ro, áp dụng chuẩn IFRS…”, ông Hiếu chỉ rõ.