Thực hành ESG đồng nghĩa với cam kết minh bạch thông tin doanh nghiệp
Thực hành ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững và minh bạch, góp phần đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Thu hút dòng tiền thông minh
Tại Hội thảo "Thúc đẩy thực hành ESG trên thị trường chứng khoán Việt Nam - Thực tiễn và giải pháp" diễn ra ngày 26/11, ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng, thúc đẩy thực hành ESG không chỉ giúp các doanh nghiệp niêm yết định hướng phát triển bền vững, nâng cao uy tín, tạo ra giá trị lâu dài cho cổ đông và các bên liên quan, mà còn góp phần nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn và tính cạnh tranh, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, tăng khả năng thu hút các dòng vốn đầu tư - nhất là dòng vốn đầu tư từ nước ngoài.
Trên phương diện vĩ mô, việc thực hành tốt các vấn đề ESG còn được xem là công cụ mạnh mẽ và hiệu quả để hỗ trợ Chính phủ thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Từ nhận thức đến cam kết, từ cam kết đến hành động, từ hành động đến kết quả thực sự là một hành trình đầy thử thách của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp niêm yết trong thực hành ESG. Hành trình này cần phải có, và sẽ có, sự chung tay, sự phối hợp của tất cả các bên có liên quan – từ các cơ quan quản lý đến các sở giao dịch chứng khoán, các tổ chức trung gian đến các nhà đầu tư, và cả cộng đồng”, Phó Chủ tịch UBCKNN chia sẻ.
Theo ông Bùi Hoàng Hải, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có UBCKNN, đã sớm có những động thái liên quan tới thúc đẩy thực hành ESG và đang ngày càng nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu đó. UBCKNN đã tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành quy định yêu cầu các công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán phải công bố báo cáo phát triển bền vững (hay công bố thông tin ESG). Bên cạnh đó, UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán cũng đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp về ESG.
Mới đây, tháng 10/2024, UBCKNN phối hợp với Chương trình Hợp tác thúc đẩy chuyển dịch vì khí hậu của Chính phủ Anh (UK PACT) giới thiệu Sổ tay về triển khai và công bố thông tin ESG nhằm triển khai và nâng cao chất lượng công tác công bố thông tin ESG cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte cho rằng, những doanh nghiệp thực hành ESG và có chiến lược phát triển theo hướng phát triển bền vững chắc chắn sẽ là những doanh nghiệp tốt, những doanh nghiệp được lựa chọn trong cái rổ của các nhà đầu tư, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài. “Dòng tiền cũng rất thông minh, dòng tiền sẽ chảy vào những tài sản sinh lời trong tương lai và phát triển bền vững", bà Ngọc chia sẻ.
Là chiến lược phát triển quan trọng
Theo ông Lê Trung Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (UBCKNN), mục tiêu thực hành ESG trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á. Áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn ESG hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế. Đây cũng là mục tiêu đã được Chính phủ cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Các giải pháp được đề ra bao gồm: Nâng cao chất lượng báo cáo thường niên của công ty đại chúng, hướng tới yếu tố phát triển bền vững dựa trên áp dụng tiêu chuẩn ESG theo thông lệ quốc tế. Áp dụng thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn ESG tại các sở giao dịch chứng khoán, VSDC hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững trong lĩnh vực chứng khoán.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Hải, ESG tại Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai với sự tham gia chủ yếu từ các doanh nghiệp lớn. Một số doanh nghiệp áp dụng ESG một cách bị động và đối phó, phần lớn làm vì phải tuân thủ luật pháp và yêu cầu từ phía đối tác kinh doanh. Chất lượng quản trị công ty còn chưa đồng đều giữa các doanh nghiệp.
Ông Lê Trung Hải lấy dẫn chứng, trên khía cạnh quản trị, nhiều doanh nghiệp đã có thành viên hội đồng quản trị độc lập nhưng vai trò chưa cao, chưa đảm bảo các tiêu chí để phát huy chức năng, nhiệm vụ. Cơ cấu, số lượng các thành viên hội đồng quản trị độc lập cũng chưa được đảm bảo. Hoặc một thực trạng khác là mới chỉ có 80 trong khoảng gần 800 doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh, ảnh hưởng đến tính công bằng trong tiếp cận thông tin với nhà đầu tư nước ngoài.
Ở hai tiêu chí còn lại là môi trường (E) và xã hội (S), nhiều doanh nghiệp cũng chưa thực hiện công bố tác động thông qua chính sách và thực hành với cơ quan hữu quan, chưa công bố và thực hành các bộ quy tắc cần thiết.
Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng cho biết, nhằm khuyến khích doanh nghiệp niêm yết thực hành ESG một cách hiệu quả, UBCKNN đã triển khai nhiều chương trình, chẳng hạn như phối hợp với Chương trình hợp tác thúc đẩy chuyển dịch vì khí hậu của Chính phủ Anh để giới thiệu sổ tay triển khai, công bố thông tin ESG.
Bộ Tài chính mới đây cũng đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC quy định lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh cho các công ty đại chúng, với việc yêu cầu các công ty đại chúng có quy mô lớn phải công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh kể từ năm 2025.
Đây là những nỗ lực nhằm thúc đẩy doanh nghiệp thực hành ESG đi vào thực chất thay vì chỉ đối phó một cách bị động, là yêu cầu thiết yếu để hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025.