Quản trị nhân sự trong khủng hoảng
Không thể phủ nhận vai trò của quản trị: tài chính, kể toán, sản xuất, marketting, nhưng rõ ràng quản trị nhân sự đóng vai trò rất quan trọng trong mọi doanh nghiệp, nhất là vào thời kỳ khó khăn này.
Quản trị nhân sự là một môn khoa học và nghệ thuật. Muốn quản trị nhân sự tốt cần cả khoa học lẫn nghệ thuật. Một việc quan trọng lúc này là rà soát nhân sự. Những ai không phải là hiền tài cần thanh lọc. Quyết định và bắt tay ngay. Tránh ném chuột vỡ bình.
Đào tạo cũng là việc rất cần làm lúc này. Có 3 cấp độ để đào tạo nhân viên và chúng ta cần suy nghĩ kỹ, lựa chọn 1 trong 3 cấp độ đào tạo để có những nhân viên tốt nhất. Đầu tư vào giáo dục và đào tạo, đầu tư vào con người bao giờ cũng là đầu tư khôn ngoan và tuyệt vời nhất.
Cũng cần lưu ý các khái niệm lãnh đạo, nhất là L và M, không nên lờ mờ 2 chữ LM và để làm sao có những L và M mạnh. Cần áp dụng tốt việc tìm ra các tố chất của L và M để lựa chọn và tranh thủ bổ dưỡng đội ngũ kế cận.
Trong thời kỳ khủng hoảng khi năm 2011 có đến gần 60.000 DN đóng cửa và con số này của năm 2012 còn lớn hơn thì đây là cơ hội tuyệt vời để có những nhân sự tốt. Năm 2012 là cơ hội hiếm để có bộ máy mạnh, đợi khi sóng gió trôi qua, ta ra biển lớn.
Có cuốn sách rất quý “Miếng pho mát bị bỏ quên” với tít phụ là “Kiếm tiền từ khủng hoảng tài chính”. Đây cũng là cơ hội lớn nếu chúng ta biết huy động nguồn lực để làm giàu. Trong khi khủng hoảng, nhiều DN tranh thủ làm giàu và kiếm tiền.
Trong lúc khủng hoảng, lãnh đạo các DN nên gần gũi nhân viên. Khách hàng chưa phải là thượng đế. Thượng đế chính là đồng nghiệp của mình. Nên ngồi lại, nhìn nhận lại, nên ứng dụng tốt nhất AAR để tìm ra những thế mạnh và những điểm yếu của mình. Và cùng nhau xác lập mục tiêu. Nếu mục tiêu không rõ ràng, thì khó có thể đi xa.
Chính trong lúc khó khăn nên tăng sự khen ngợi. Khi chiến thắng ai cũng vui, nhưng lúc thất bại và khó khăn, chúng ta càng cần những lời khen và sự động viên. Lắng nghe nhau và khen nhau. Nghe đến khi lắng xuống tận tâm can. Khen để thấy có thêm năng lượng và sức mạnh. Tôi cũng đã chia sẻ hàng triệu lần “Enegy is everything. Without enegy, you can do nothing”. Năng lượng là tất cả. Nếu không có năng lượng, bạn không thể làm được gì hết.
Cũng cần lưu ý khen chê đúng lúc, khen chê cụ thể và chia sẻ tình cảm. Lúc khủng hoảng này rất cần.
Tôi khuyên các nhà lãnh đạo tạo động lực tiếp lửa cho các đồng nghiệp của mình. Cái này quan trọng nhất vì nó định đoạt vận mệnh của DN. Đi đến đích hay bỏ cuộc là do ngọn lửa trong người. Mỗi thành viên phải thực sự biết đối diện với thử thách, khó khăn, tình thể tuyệt vọng và chông gai. Đây là dịp thử bản lĩnh của các DN, lửa cháy cần chạy nhanh.
Cũng cần nghiên cứu để tìm ra lợi thế cạnh tranh.Các sản phẩm và dịch vụ phải rất khác biệt. Trong lúc khủng hoảng này chúng ta có cơ hội ngồi lại để suy nghĩ và định vị lại sức mạnh cạnh tranh của mỗi nhân sự, mỗi sản phẩm hay dịch vụ.
Khi khủng hoảng chúng ta có cơ hội chăm sóc sức khỏe. Đức phật đã dạy: tài sản lớn nhất là sức khỏe và trí tuệ. Sức khỏe tốt giúp vượt qua mọi áp lực và những lời chê từ gia đình, đối tác, cổ đông, nhà tài trợ, nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng và bất cứ ai. Mà lãnh đạo thì mấy ai làm hết 12h một ngày, mấy ai có thứ 7 và chủ nhật.