Quảng Nam giải ngân vốn đầu tư công chưa đến 50%
Tính đến hết tháng 9/2024, tỉnh Quảng Nam mới giải ngân được 40,79%. Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài…
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 27/9, vốn đầu tư công năm 2024 của Tỉnh (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân đạt 40,79%.
Theo đánh giá trước đó của UBND tỉnh Quảng Nam, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 chỉ đạt 38,8% (2.741 tỷ đồng/7.057 tỷ đồng). Kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài thời gian giải ngân khá hơn đôi chút, nhưng cũng không thể đạt đến 50% khi chỉ đạt 48,3% (883 tỷ đồng/1.827 tỷ đồng). Một thống kê khác công bố chỉ 10/27 chủ đầu tư khối tỉnh và 6/18 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân hơn 50%.
Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Nam thấp là do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài; công tác chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, sâu sát. Ngoài ra, các dự án của ngành Y tế gặp khó liên quan đến công tác thẩm định giá thiết bị y tế.
Đối với một số sự án sử dụng vốn ODA chậm do công tác xem xét và chấp thuận của nhà tài trợ đối với các thủ tục đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ rút vốn thường rất lâu. Công tác giải phóng mặt bằng chậm do vướng đất rừng, vướng quy hoạch vẫn còn, nên một số dự án triển khai chậm.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản của các cơ quan Trung ương ban hành để triển khai thực hiện chương trình vẫn còn chậm và chưa được đồng bộ. Một số địa phương gặp khó khăn về cán bộ thực hiện…
Các chủ đầu tư, địa phương đều cam kết sẽ giải ngân tối đa vốn đầu tư công năm 2024. Song theo phân tích của các cơ quan quản lý (Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước) thì giải ngân hết vốn đầu tư năm 2024 khó có thể thực hiện được khi chỉ còn ít tháng nữa là kết thúc niên độ tài chính.
Tập trung cao độ giải ngân vốn đầu tư công
Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư chưa đến 50% trong 9 tháng năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã có các chỉ đạo để đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra trực tiếp, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện từng dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trọng điểm để kịp thời ghi nhận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc…
Đồng thời, phải kiên quyết điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn từ các công trình, dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không đạt tiến độ để bổ sung cho các công trình, dự án giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn...
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam được giao chủ động rà soát các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, tham mưu UBND Tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn trong nội bộ chủ đầu tư hoặc tham mưu UBND Tỉnh trình HĐND Tỉnh xem xét điều chuyển kế hoạch vốn giữa các chủ đầu tư, địa phương trong tháng 10/2024.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND Lê Văn Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng, không để dồn hồ sơ thanh toán gộp nhiều đợt nghiệm thu vào những ngày cuối năm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh;
Tổ chức lập hồ sơ quyết toán ngay sau khi công trình hoàn thành để tăng tỷ lệ giải ngân vốn theo kế hoạch; thực hiện đúng quy định về mức vốn tạm ứng; rà soát nợ tạm ứng quá hạn để khẩn trương thu hồi, xử lý, đề xuất các phương án xử lý triệt để và quyết liệt thực hiện, đảm bảo thu hồi hết số tạm ứng quá hạn.
Các đơn vị liên quan còn phải chủ động phối hợp và gửi danh sách nhà thầu có số dư tạm ứng quá hạn cho Kho bạc nhà nước nơi giao dịch, nếu nhà thầu có khối lượng thanh toán của các công trình khác thì đề xuất xử lý các thủ tục để cấn trừ, thu hồi vốn kịp thời.