Quốc hội biểu quyết thông Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Bảo Thương

Sáng 23/6/2023, với 460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 93,12% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã chính thức được thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 Chương, 96 Điều và có nhiều điểm mới so với Luật hiện hành. Theo đó, tại Điều 16, liên quan đến 9 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, Luật đã bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.

Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung vào Điều 23, luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Về chào hàng cạnh tranh tại Điều 24, Luật bổ sung quy định áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 24; quy định về hình thức chào hàng cạnh đã cho phép áp dụng rộng rãi đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, và hỗn hợp.

Bên cạnh đó, việc xác định tính chất đơn giản, phức tạp của công trình xây lắp thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, người có thẩm quyền. Theo đó, khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy định của pháp luật xây dựng về phân loại, phân cấp công trình và giá gói thầu để áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu cho phù hợp, trong đó có hình thức chào hàng cạnh tranh. Đồng thời, Luật đã bổ sung quy định về giá gói thầu, theo đó “Chính phủ quy định chi tiết về nội dung giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu” tại khoản 2 Điều 39 của dự thảo Luật.

Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, Luật đã sử dụng cụm từ “vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế” tại các điều khoản liên quan thay cho cụm từ “thiết bị y tế, vật tư y tế”.

Liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế, Luật đã bao quát các trường hợp mua hóa chất, thiết bị y tế, trong đó quy định rõ việc chuyển giao quyền quản lý sử dụng/chuyển giao quyền sở hữu trong từng trường hợp mua sắm cụ thể...

Luật Đấu thầu quy định đối với trường hợp không thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả và mua vắc xin tiêm chủng theo hình thức dịch vụ tại khoản 2 Điều 55 như sau: “Đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình”.

Đa số các đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. 
Đa số các đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. 

Đáng chú ý, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã quy định hướng dẫn mua sắm thuốc, vật tư y tế của cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, cụ thể: “Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật này đối với mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó chỉ được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế theo đúng giá mặt hàng thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo đơn giá đã trúng thầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, tuyến trung ương hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn; nếu không có giá trúng thầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, tuyến trung ương hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.”.

Trước đó, trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, chỉnh lý Điều 84, Điều 85 của dự thảo Luật, lược bỏ các quy định để bảo đảm tính thống nhất; sửa 2 điều: Điều 84. Quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và Điều 85. Quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Điều 84 mới về “trách nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉnh lý các nội dung để bảo đảm bao quát hơn và ghép 3 Điều: Điều 87. Thanh tra hoạt động đấu thầu, Điều 88. Kiểm tra hoạt động đấu thầu và Điều 89. Giám sát hoạt động đấu thầu thành Điều 86 mới về “Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu”.

Về xử lý tình huống và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, chỉnh lý quy định tại các Điều: từ Điều 88 đến Điều 94 của dự thảo Luật mới. Theo đó, đã chỉnh sửa quy định về trường hợp phát sinh tình huống chưa được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu (Điều 88 mới); quy định về giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu (Điều 89 mới).