Quốc hội đánh giá cao tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2011

Theo Chinhphu.vn

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011 là 926.982 tỷ đồng, tăng 21,3% so với dự toán Quốc hội giao, là kết quả tích cực mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được.

Nhờ tăng thu NSNN đã có thêm nguồn lực để thực hiện được một số nhiệm vụ quan trọng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nguồn: quangninh.gov.vn
Nhờ tăng thu NSNN đã có thêm nguồn lực để thực hiện được một số nhiệm vụ quan trọng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nguồn: quangninh.gov.vn
Sáng ngày 25/5, Quốc hội thảo luận về quyết toán NSNN năm 2011. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số thu cân đối NSNN năm 2011 là 962.982 tỷ đồng (bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN).

Trong đó, thu theo dự toán Quốc hội giao năm 2011 là 721.804 tỷ đồng, vượt 126.804 tỷ  đồng (21,3%), tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu tại Nghị  quyết 11/NQ-CP của Chính phủ (tăng thu NSNN 7-8% so với dự toán đã được Quốc hội phê duyệt).

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhờ tăng thu NSNN đã có thêm nguồn lực để thực hiện được một số nhiệm vụ quan trọng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, cả 4 nguồn thu chủ yếu của NSNN đều tăng so với dự toán được giao, nhưng số thu NSNN vượt dự toán chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố khách quan, chiếm tỷ trọng lớn là do giá cả tăng, điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, tăng thu từ tài nguyên (dầu thô) và các khoản về nhà, đất.

Yếu tố tăng thu do sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số tăng thu, phản ánh thu NSNN tuy tăng cao nhưng thiếu vững chắc, chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế.

Cùng với những số liệu về thu NSNN năm 2011, tổng số chi cân đối theo báo cáo của Chính phủ là 1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012), bảo đảm các yêu cầu chi theo dự toán.

Trong bối cảnh thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, vừa phải tiết kiệm chi thường xuyên, vừa phải cắt giảm đầu tư công, nhưng tổng chi cân đối NSNN vẫn tăng cao (61.954 tỷ đồng), vượt 8,5% so với dự toán, trong đó chủ yếu là  do tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, số dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ khá nhiều, gây lãng phí, khối lượng nợ đọng đầu tư xây dựng tăng cao… do vậy, Chính phủ cần khẩn trương có biện pháp hữu hiệu để xử lý.

Bên cạnh đó, chi NSNN để phát triển các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ không đạt dự toán được giao. Trong đó, chi sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 90,2% dự toán; chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt 89,1% dự toán; chi sự nghiệp khoa học công nghệ đạt 89,5% dự toán; chi sự nghiệp kinh tế đạt 91,5% dự toán; chi chương trình mục tiêu đạt 77% dự toán.

Thảo luận về quyết toán NSNN năm 2011, các đại biểu Quốc hội đồng tình với các đánh giá trên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Các đại biểu cũng nhất trí phải tăng cường kỷ luật, trách nhiệm trong quản lý, sử  dụng ngân sách để tránh thất thoát, đặc biệt là tham nhũng NSNN.

“Ngân sách là tiền của nhân dân, Chính phủ cần xác định địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm minh những ai làm thất thoát nguồn lực quốc gia”, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nói và cho rằng cần sớm sửa đổi Luật NSNN.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội  xem xét việc truyền hình trực tiếp phiên thảo luận về ngân sách để cử tri và nhân dân giám sát.