Quốc hội thông qua 2 dự thảo luật về thuế với số phiếu tán thành cao

Theo mof.gov.vn

Sáng 6/4, với số phiếu tán thành cao, Quốc hội đã nhất trí thông qua 2 dự án Luật do Bộ Tài chính trình đó là: dự án Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua chiều 06/04. Nguồn: internet
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua chiều 06/04. Nguồn: internet

Ngăn chuyển giá trốn thuế, gây thất thu cho NSNN

Với 86,64% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

Ngày 22/3/2016, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường cho ý kiến về Dự thảo Luật, sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật.

Về sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB, có ý kiến đề nghị quy định giá tính thuế TTĐB là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra, trường hợp phát hiện việc chuyển giá thì cơ quan thuế được quyền áp dụng biện pháp ấn định thuế để chống chuyển giá. Có ý kiến đề nghị không quy định cứng ở mức tỷ lệ 7% mà nên quy định khung tỷ lệ từ 3% đến 12% và giao cho Chính phủ căn cứ đặc điểm, tính chất của từng mặt hàng để quy định mức tỷ lệ cụ thể. Có ý kiến cho rằng, việc quy định cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở không có quan hệ công ty mẹ, công ty con là chưa bảo đảm tính bao quát, đề nghị bổ sung các quan lệ liên kết, góp vốn vào Dự thảo luật.

UBTVQH xin tiếp thu, giải trình như sau: Về nguyên tắc trong quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường nhưng thực tế thời gian qua, xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng quy định thiếu chặt chẽ của pháp luật để tìm cách chuyển giá nhằm trốn, tránh thuế, gây thất thu cho NSNN. Để khắc phục tình trạng này, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm chặt chẽ, ngoài quy định công ty mẹ, công ty con, UBTVQH xin Quốc hội cho phép bổ sung trường hợp cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có mối quan hệ liên kết. Đồng thời, để đảm bảo điều hành linh hoạt theo từng thời kỳ và từng nhóm hàng, ngành hàng cụ thể giao cho Chính phủ quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) so với giá bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra, trường hợp thấp hơn mức quy định này thì cơ quan thuế căn cứ vào tỷ lệ trên để thực hiện quyền ấn định thuế. Nội dung này đã được thể hiện tại khoản 1 Điều 2 của Dự thảo luật.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, thảo luận trước đó, có ý kiến đề nghị quy định mức tiền chậm nộp thuế là 0,03%/ngày thay tỷ lệ 0,04%/ngày. UBTVQH cho biết, dự thảo luật quy định mức tỷ lệ tiền chậm nộp thuế đối với các hành vi vi phạm pháp luật của người chậm nộp tiền thuế là chế tài, mang tính quy phạm pháp luật nhằm bắt buộc người nộp thuế phải chấp hành. Tuy nhiên, để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và tạo điều kiện cho doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước thì quy định tỷ lệ tiền chậm nộp thuế là 0,04%/ngày trong xu thế lãi suất vay ngân hàng ngày một giảm là cao, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Do vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH xin Quốc hội cho phép quy định mức tiền chậm nộp thuế là 0,03%/ngày như Dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, trừ khoản 2 Điều này. Khoản 4 Điều 3 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2016.

Áp thuế phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước

Với 91,30% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Cho ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường trước đó, vấn đề thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ; và miễn thuế được nhiều Đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Về vấn đề thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc áp dụng thuế phòng vệ như là hình thức xây dựng hàng rào thuế quan nhằm ngăn cản hàng nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước, vì có thể gây biến động thị trường và ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền quyết định mức thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ cho Chính phủ thay vì giao cho Bộ Công thương.

UBTVQH cho biết: Việc áp dụng các loại thuế phòng vệ thương mại không nhằm mục đích ngăn cản hàng hóa nhập khẩu mà nhằm xử lý đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất khẩu nước ngoài gây ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, theo thông lệ quốc tế, các nước trên thế giới đều áp dụng các loại thuế phòng vệ thương mại và giao cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại và cạnh tranh (tương tự như Bộ Công thương) có trách nhiệm trong việc điều tra và quyết định mức thuế phòng vệ thương mại để bảo đảm kịp thời banh hành các biện pháp nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực do hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất khẩu nước ngoài, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ sản xuất kinh doanh trong nước.

Do vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ quy định giao thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho Bộ Công thương như Dự thảo luật. Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi áp dụng thuế chống bán phá giá, có một số trường hợp lợi dụng việc áp dụng các loại thuế này để đầu cơ và có các hành vi không lành mạnh làm biến động thị trường, tăng giá hàng hóa.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế, chỉ đạo các bộ ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời có các biện pháp đồng bộ, công khai, minh bạch để xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để làm tăng giá cả hàng hóa khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Về miễn thuế, trước đó, có ý kiến đề nghị sửa khoản 13 Điều 16 về nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu để sản xuất cho dự án thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Theo UBTVQH, tại Điều 15 của Luật đầu tư năm 2014 đã quy định cụ thể các hình thức và đối tượng ưu đãi đầu tư, riêng mức ưu đãi cụ thể đối với từng ngành nghề, lĩnh vực được ưu đãi thì áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế. Do đó, để phân biệt mức độ ưu đãi đối với các loại dự án đầu tư, kế thừa quy định tại Điều 16 của Luật thuế XNK hiện hành, tại Điều 16 của Dự thảo luật đã quy định đối tượng và mức ưu đãi cụ thể về thuế theo nguyên tắc: Tất cả các dự án được ưu đãi đầu tư được miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định cho dự án; các dự án đầu tư vào ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, địa bàn đặc biệt khó khăn và doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ, được miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ như Dự thảo luật.

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2016.