Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Với hơn 90% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (447/450), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 9/11, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trên cơ sở 321 ý kiến nhất trí, 63 ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến đề nghị rà soát rút ngắn, lựa chọn nội dung trọng điểm; tránh dàn trải, trùng với các nhiệm vụ, giải pháp; đề nghị bổ sung nội dung: Bảo đảm môi trường đầu tư, thu hút và giữ chân nhà đầu tư FDI; Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách... Vấn đề này, UBTVQH đã rà soát khái quát, ngắn gọn, súc tích, tổng quan nhất về mục tiêu năm 2024, là cơ sở để triển khai 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Những nội dung cụ thể đã được tiếp thu, thể hiện tại các nhiệm vụ, giải pháp.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,0-6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5-6%. Giải trình về vấn đề này, UBTVQH nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu, do đó, đề nghị Quốc hội giữ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế như dự thảo.
Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ tư, UBTVQH sửa đổi, bổ sung nội dung: Thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường “thương mại điện tử”, tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...
Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ năm, UBTVQH sửa đổi, bổ sung nội dung: Hoàn thiện việc biên soạn các bộ sách giáo khoa “còn lại” đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ sáu, UBTVQH sửa đổi, bổ sung nội dung: Đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao; Sơ kết 05 năm thực hiện Chiến lược phát triển Dân số Việt Nam đến năm 2030; Nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...
Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ bảy, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Tập trung hoàn thiện trình Quốc hội Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, “sụt lún”, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven biển, khu vực Bắc Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng giải trình một số nội dung khác, đồng thời cho biết, theo nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, Nghị quyết cần ngắn gọn, súc tích, các giải pháp tổng thể đã bao quát các định hướng chính sách lớn để trên cơ sở đó Chính phủ sẽ chủ động điều hành theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, một số nội dung sẽ được rà soát, nghiên cứu thể hiện trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết chung của Kỳ họp...
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 90,49%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Theo đó, Nghị quyết quyết nghị, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển các loại thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững; nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu rõ mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, hợp tác công - tư; có cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, bảo đảm kết nối với khu vực kinh tế trong nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chăm lo các đối tượng chính sách. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu bao gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD); Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%; Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ; Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%...
Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, thực hiện nghiêm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị...
Ngoài ra, Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; khai thác hiệu quả cơ hội từ các quan hệ đối tác, Hiệp định thương mại tự do; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam...