Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử tại một số nước

Hải An

(Tài chính) Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Bên cạnh việc quản lý an toàn, khai thác hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân thì việc đề phòng, khắc phục rủi ro có thể xảy ra là rất cần thiết. Vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong xây dựng và hình thành sản phẩm bảo hiểm năng lượng nguyên tử cho các nhà máy điện hạt nhân là rất cần thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bảo hiểm năng lượng nguyên tử là loại hình bảo hiểm rất đặc thù với số hợp đồng ít, phí bảo hiểm cao, tần suất phát sinh thấp nhưng mức độ ảnh hưởng và hậu quả thiệt hại rất lớn. Do đó, từng doanh nghiệp bảo hiểm không thể tự thực hiện việc bảo hiểm mà phải thông qua Quỹ Bảo hiểm năng lượng nguyên tử .

Việc thành lập các quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử đã trở thành thông lệ quốc tế. Theo đó, các nước có nhà máy điện hạt nhân đều thành lập quỹ, phần lớn các quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ làm thành viên.

Các quỹ này thay mặt các thành viên thực hiện các vai trò: thu xếp đơn bảo hiểm, phân chia trách nhiệm bảo hiểm cho các công ty thành viên, thu phí bảo hiểm, thu xếp tái bảo hiểm, giám định, bồi thường, tham gia vào các diễn đàn quốc tế về bảo hiểm năng lượng nguyên tử để thực hiện các quyền và nghĩa vụ quốc tế khác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Tại Đài Loan, việc bảo hiểm cho các nhà máy điện hạt nhân được thực hiện thông qua Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử Đài Loan (triển khai từ năm 1974 khi nhà máy điện nguyên tử đầu tiên bắt đầu được xây dựng). Ngoài việc bảo hiểm cho thị trường trong nước, Quỹ còn nhận tái bảo hiểm của thị trường bảo hiểm năng lượng nguyên tử nước ngoài. Trong các năm vừa qua, doanh thu phí bảo hiểm năng lượng nguyên tử (bao gồm bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm) tương đối ổn định (khoảng gần 6 triệu USD); tỷ lệ bồi thường trong nước thấp bởi tại Đài Loan, kể từ khi các nhà máy điện nguyên tử đi vào hoạt động chưa xảy ra vụ tổng thất đáng kể nào. Tỷ lệ bồi thường nhận tái bảo hiểm nước ngoài không cao (cao nhất là năm 2012 là 12% do tổn thất nhà máy điện Fukushima ở Nhật Bản).

Từ khi thành lập đến nay, năng lực cung cấp bảo hiểm của Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử Đài Loan không ngừng tăng lên (mức trách nhiệm bảo hiểm năm 2009 gần 30 triệu USD, năm 2013 gần 40 triệu USD). Tuy nhiên, phần lớn mức trách nhiệm bảo hiểm năng lượng nguyên tử phải tái bảo hiểm cho thị trường quốc tế. Tỷ lệ giữ lại chỉ đạt khoảng 6-7%.

Chia sẻ với Bộ Tài chính Việt Nam về kinh nghiệm của Nhật Bản với bảo hiểm năng lượng nguyên tử, Giám đốc điều hành Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử Nhật Bản Koichi Hattori cho biết, về nguyên tắc bảo hiểm thông thường là lấy số đông bù số ít chịu rủi ro, nên việc hình thành sản phẩm và mức phí cũng dễ và nhẹ hơn. Trong khi đó, sản phẩm bảo hiểm năng lượng nguyên tử là loại hình đặc thù, số lượng đơn vị tham gia ít nhưng phí phải đóng rất lớn, ít xảy ra sự cố nhưng khi đã có sự cố thì thiệt hại mà ngành bảo hiểm phải chi trả sẽ rất lớn. Do đó, việc nghiên cứu, lựa chọn mô hình hoạt động cũng như các điều khoản trong các hợp đồng bảo hiểm đòi hỏi rất khắt khe, chặt chẽ.

Đi liền với đó, ở mỗi quốc gia khi ký hợp đồng bảo hiểm năng lượng nguyên tử, họ lại phải ký tái bảo hiểm với các đơn vị khác để chia sẻ rủi ro. Trong quản lý bảo hiểm, cần nghiên cứu kỹ, phân định cụ thể trách nhiệm - quyền lợi nghĩa vụ của bên được bảo hiểm, bên tham gia bảo hiểm, nội dung, thời gian bảo hiểm. 

Về Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử Nhật Bản, ông Koichi Hattori cho biết, Quỹ này hình thành song song với quá trình xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nên Nhật Bản có rất nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành. Quỹ được thành lập nhằm cùng nhau thực hiện các loại bảo hiểm hạt nhân như bảo hiểm thiệt hại vật chất hạt nhân, bảo hiểm trách nhiệm hạt nhân... cũng như thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và quản lý phù hợp bảo hiểm hạt nhân ở Nhật Bản.

Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử Nhật Bản giải quyết bồi thường theo tiến trình: nhận thông báo tổn thất từ người được bảo hiểm, kiểm tra các chi tiết của khiếu nại, mở hồ sơ khiếu nại phù hợp/thu xếp giám định tổn thất, báo cáo lên tiểu ban bồi thường, xin phê duyệt và cuối cùng là trả bồi thường.

Có 3 loại hình bảo hiểm được áp dụng trong đó 2 loại bắt buộc là bảo hiểm trách nhiệm lắp đặt hạt nhân (trách nhiệm với bên thứ 3 của các cơ sở hạt nhân) và bảo hiểm trách nhiệm chuyên chở hạt nhân (trách nhiệm với bên thứ 3 của các nhà chuyên chở hạt nhân); 1 loại bảo hiểm tự nguyện là bảo hiểm thiệt hại vật chất hạt nhân (bảo hiểm thiệt hại tài sản đối với các cơ sở hạt nhân).

Trên đây là một số nét khái quát về quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử tại Đài Loan và Nhật Bản. Hy vọng trong thời gian tới Việt Nam cũng sẽ sớm thành lập Quỹ Bảo hiểm năng lượng nguyên tử để bảo trợ, tạo sự an tâm cho những người dân sống xung quanh nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.