Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư:
Quy định chặt chẽ việc lựa chọn nhà đầu tư
Lựa chọn nhà đầu tư là khâu quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của dự án PPP. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP trong thực tế vừa qua còn nhiều bất cập, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án do đa số các dự án được áp dụng hình thức chỉ định thầu… Vì thế, dự án Luật PPP cần quy định rất chặt chẽ về lựa chọn nhà đầu tư.
Thiếu minh bạch về thông tin dự án
Theo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP, việc thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu từ nguồn trong nước, trong nhiều trường hợp là các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng quốc doanh.
Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài chỉ hạn chế ở lĩnh vực năng lượng, trong một số dự án BOT nhiệt điện quy mô lớn. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Báo cáo của Chính phủ là do các rủi ro gặp phải trong quá trình thực hiện dự án như: Rủi ro về giải phóng mặt bằng, chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro về doanh thu… Tuy nhiên, một nguyên nhân cơ bản khiến các nhà đầu tư nước ngoài “nhụt chí” tham gia dự án PPP ở nước ta là do sự thiếu rõ ràng, minh bạch về thông tin dự án.
Báo cáo của Chính phủ cũng nhận định, việc chỉ định nhà đầu tư, gắn liền với nguồn vốn của ngân hàng thương mại (phần nhiều là doanh nghiệp nhà nước hoặc Nhà nước có cổ phần chi phối) đầu tư các dự án PPP trong thời gian qua đã làm cho việc đầu tư theo mô hình PPP tại nước ta giảm tính cạnh tranh, minh bạch và hấp dẫn để thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài theo đúng cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn thiếu các chế tài xử lý vi phạm khi không công bố công khai thông tin dự án PPP. Nhiều địa phương cố tình trì hoãn không công khai thông tin dự án PPP để mời gọi nhà đầu tư mà nhân sự kiện nào đó của địa phương, bộ, ngành hoặc quốc gia rồi cho rằng dự án có tính đặc thù, cấp bách để áp dụng cơ chế kém cạnh tranh, thậm chí là xin - cho đối với dự án.
Vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên khi Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ Tám. Nhiều ý kiến đề nghị, thay vì chỉ định nhà đầu tư theo cơ chế “xin - cho”, các dự án PPP cần hướng đến tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, nâng cao tính giải trình để lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm thi công, khả năng quản lý… giúp dự án triển khai đúng kế hoạch, bảo đảm về chất lượng và thời gian thu hồi vốn.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo, điểm cốt lõi để có thể minh bạch hóa được phải là đấu thầu dự án. Việc đấu thầu dự án mới bảo đảm sự khép kín - nhà đầu tư nào đưa ra dịch vụ tốt nhất, thu phí thấp nhất, ngắn nhất và trách nhiệm của nhà đầu tư, từ tổ chức thi công, đến quản lý vận hành, sửa chữa đều gắn liền trong dự án, được làm rõ và thể hiện qua hợp đồng, ông Nguyễn Ngọc Bảo nói.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân cũng cho rằng, dự luật PPP phải có quy định về đấu thầu công khai, trừ những trường hợp đặc biệt, Nhà nước phải có cơ chế đặc thù thực hiện dự án thì mới được chỉ định thầu. Ngay cả các trường hợp đặc biệt này, theo ông Lê Thanh Vân cũng vẫn phải xác định rõ là những trường hợp như thế nào vì đã nói đặc biệt tức là rất ít. Nếu không quy định rõ về tình huống đặc biệt mà chỉ nêu chung chung thì sau này, trong quá trình áp dụng luật sẽ bị lạm dụng.
Chi tiết và chặt chẽ hơn
Dự thảo Luật PPP đã có những quy định khá chặt chẽ về điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu. Theo đó, Khoản 1 Điều 32 quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu chỉ được áp dụng đối với dự án có mục tiêu trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện: Có báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh, ý kiến của bộ quản lý chuyên ngành đối với yêu cầu về bảo đảm bí mật nhà nước.
Khoản 2, Điều 32 cũng quy định, việc chỉ định thầu đối với dự án phải thực hiện ngay để bảo đảm tính liên tục trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Hợp đồng đã được ký kết nhưng đã bị chấm dứt trước thời hạn hoặc có nguy cơ bị chấm dứt trước thời hạn mà không do lỗi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng; không thể áp dụng được hình thức lựa chọn nhà đầu tư quy định tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 31 của Luật này; có ý kiến thống nhất của bên cho vay.
Đa số đại biểu Quốc hội thống nhất việc quy định về lựa chọn nhà đầu tư tại Chương III dự thảo Luật, đồng thời yêu cầu bổ sung quy định chi tiết hơn tại Chương này nhằm hướng đến đấu thầu rộng rãi, quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá về năng lực và tài chính của nhà đầu tư để lựa chọn được nhà đầu tư có đủ tiêu chuẩn trong quá trình thực hiện dự án; thận trọng trong việc chỉ định thầu đối với các dự án PPP, tránh xảy ra tiêu cực đối với các trường hợp chỉ định thầu.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế - cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật PPP cho biết, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể tại Chương III, tăng từ 9 điều của dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám lên thành 15 điều; đồng thời, bố cục lại Chương III thành 3 mục với các nội dung: Quy định chung về lựa chọn nhà đầu tư; hình thức lựa chọn nhà đầu tư; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu.
Các nội dung này được thiết kế dựa trên nguyên tắc chuyển những quy định liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP từ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 sang dự án Luật PPP và sửa đổi, bổ sung những quy định đặc thù cho phù hợp với việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP; đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 108 (Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan) của dự thảo Luật các quy định liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP tại Luật Đấu thầu.
Việc tiếp thu, bổ sung nội dung quy định chi tiết hơn về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP tại Chương này nhằm bảo đảm quy định đồng bộ, thống nhất cả vòng đời dự án từ việc chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án, ký kết hợp đồng, triển khai thực hiện, chuyển giao, thanh lý hợp đồng dự án PPP.