Quy định của pháp luật về những dấu hiệu rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm
(Tài chính)Năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật số 07/2012/QH13 về phòng, chống rửa tiền nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền. Luật có hiệu lực từ năm 2013, trong đó có các quy định về về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm.
Khoản 4 Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền quy định 8 dấu hiệu dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm gồm:
(i) Khách hàng yêu cầu mua một hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn hoặc yêu cầu thanh toán trọn gói phí bảo hiểm một lần đối với các sản phẩm bảo hiểm không áp dụng hình thức thanh toán trọn gói, trong khi những hợp đồng bảo hiểm hiện tại của khách hàng chỉ có giá trị nhỏ và thanh toán định kỳ;
(ii) Khách hàng yêu cầu ký kết hợp đồng bảo hiểm với khoản phí bảo hiểm định kỳ không phù hợp với thu nhập hiện tại của khách hàng hoặc yêu cầu mua hợp đồng bảo hiểm liên quan đến công việc kinh doanh nằm ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng;
(iii) Người mua hợp đồng bảo hiểm và thanh toán từ tài khoản không phải là tài khoản của mình hoặc bằng các công cụ chuyển nhượng không ghi tên;
(iv) Khách hàng yêu cầu thay đổi người thụ hưởng đã chỉ định hoặc bằng người không có mối quan hệ rõ ràng với người mua hợp đồng bảo hiểm;
(v) Khách hàng chấp nhận tất cả các điều kiện bất lợi không liên quan đến tuổi tác, sức khỏe của mình; khách hàng đề nghị mua bảo hiểm với mục đích không rõ ràng và miễn cưỡng cung cấp lý do tham gia bảo hiểm; điều kiện và giá trị hợp đồng bảo hiểm mâu thuẫn với nhu cầu của khách hàng;
(vi) Khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm ngay sau khi mua và yêu cầu chuyển tiền cho bên thứ ba; khách hàng thường xuyên tham gia bảo hiểm và nhượng lại hợp đồng bảo hiểm cho bên thứ ba;
(vii) Khách hàng là doanh nghiệp có số lượng hợp đồng bảo hiểm cho nhân viên hoặc mức phí bảo hiểm của hợp đồng đóng phí một lần tăng bất thường;
(viii) Doanh nghiệp bảo hiểm thường xuyên chi trả bảo hiểm với số tiền lớn cho cùng một khách hàng.