Quy định mới về chế độ hưu trí và vấn đề đặt ra đối với hệ thống hưu trí Việt Nam
Nghiên cứu các quy định mới về chế độ hưu trí năm 2021; những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang đối diện trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người lao động lúc về già, bài viết đề xuất giải pháp góp phần xây dựng hệ thống hưu trí Việt Nam toàn diện, hiệu quả.
Đặt vấn đề
Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn già hóa dân số, với 12% số dân trong độ tuổi từ 60 trở lên; dự báo đến năm 2030 tỷ lệ này sẽ tăng lên 18% và đến năm 2040 là khoảng 23%. Việc suy giảm thu nhập hưu trí và sự gia tăng đáng kể tuổi thọ đang là thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống an sinh xã hội (ASXH) và chất lượng đời sống của người lao động (NLĐ) lúc về già, do đó Việt Nam cần thiết lập hệ thống hưu trí (HTHT) phù hợp để đảm bảo người dân có một khoản thu nhập ổn định khi về già.
Nghiên cứu hiện trạng, sự điều chỉnh mới về chế độ hưu trí năm 2021, nhất là những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang đối diện trong việc nâng cao chất lượng đời sống của NLĐ lúc về già, bài viết đề xuất giải pháp góp phần xây dựng HTHT Việt Nam toàn diện, hiệu quả.
Chế độ và đặc điểm của hệ thống hưu trí Việt Nam
Đặc điểm hệ thống hưu trí đa tầng ở Việt Nam
HTHT Việt Nam hiện nay được chia theo 3 tầng:
Tầng 1- Hưu trí không đóng góp được lấy từ nguồn thuế (hưu trí xã hội): Mục đích của tầng này là đảm bảo mọi người đều có thu nhập tối thiểu khi về hưu thông qua lương hưu được lấy từ nguồn thuế. Đối tượng được hưởng trong nhóm này là người dân có độ tuổi từ 80 tuổi và không đủ điều kiện hưởng hưu trí BHXH. Tuy nhiên, mức trợ cấp hưu trí xã hội hiện nay còn thấp, cho nên đóng góp về phúc lợi cho người cao tuổi còn hạn chế.
Tầng 2- BHXH công bắt buộc: Hưu trí là một bộ phận của hệ thống BHXH Việt Nam - hệ thống bắt đầu hoạt động từ năm 1962. Trước năm 1995, HTHT là hệ thống có mức lương xác định và chỉ có lao động khu vực nhà nước tham gia hệ thống và nó được các cơ quan nhà nước quản lý dưới sự giám sát của Chính phủ. Trong hệ thống đó, mức hưởng hưu trí được xác định dựa trên số năm đóng góp và thu nhập cơ sở (thường là mức lương tại thời điểm nghỉ hưu). Khoản hưởng lợi được chi trả từ Quỹ BHXH - quỹ được hình thành từ khoản đóng góp của người sử dụng lao động - NSDLĐ (một phần quỹ lương) và từ trợ cấp của Chính phủ. Tuy nhiên, sự phức tạp và khó khăn nảy sinh từ việc quản lý tài chính, cùng với sự lớn mạnh nhanh chóng của thành phần kinh tế tư nhân, đã khiến Chính phủ cải cách hệ thống đó thành HTHT có mức hưởng được xác định vào trước năm 1995 và thành lập BHXH Việt Nam để quản lý dưới sự bảo trợ của Chính phủ.
- Mức đóng tham gia BHXH: Tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ thuộc khu vực nhà nước là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương, tiền công hàng tháng đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ thuộc khu vực ngoài nhà nước là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH tối đa bằng 20 tháng lương tối thiểu chung (hiện nay gọi là mức lương cơ sở). Theo Luật BHXH năm 2014, mức đóng BHXH là 25% mức tiền lương, tiền công, trong đó NLĐ đóng 8%, NSDLĐ đóng 17% (tổng cộng là 25% mức đóng).
- Tuổi nghỉ hưu: NLĐ tham gia BHXH (cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) đủ 20 năm trở lên thì đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
Tầng 3 - Hưu trí tư nhân bổ sung: Hưu trí nghề nghiệp hoặc hưu trí tư nhân tự nguyện khác cấu thành tầng 3 mang tính tự nguyện có vai trò khá hạn chế ở các quốc gia châu Á, vì chỉ một số ít người có khả năng đóng góp. Các chương trình hưu trí cá nhân này cung cấp một khoản hưu trí bổ sung thêm vào hưu trí công bắt buộc dành cho những người muốn có tỷ lệ thay thế cao hơn. Rủi ro và trách nhiệm trong trường hợp này thuộc về cá nhân.
Quy định mới về chế độ hưu trí
Điều 169, Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 quy định, tuổi nghỉ hưu của NLĐ từ năm 2021 như sau: Trong điều kiện bình thường, tuổi nghỉ hưu của NLĐ là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam, 04 tháng đối với lao động nữ đến khi nào đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Tính đến hết năm 2020, số lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH bắt buộc khoảng 16.164.000 người, đạt tỷ lệ 32,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 390.000 người so với năm 2019, đạt mức tăng 2,47%), trong đó số lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc là 15.036.000 người, còn số lượng tham gia BHXH tự nguyện là 1.128.000 người, tăng 554.000 người so với năm 2019, số lượng gần gấp đôi.
Theo đó, điều kiện hưởng lương hưu của NLĐ cũng có nhiều thay đổi, cụ thể:
- NLĐ nếu nghỉ việc, có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên sẽ được hưởng lương hưu nếu thuộc 05 trường hợp sau: (i) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2, Điều 169 của BLLĐ năm 2019; (ii) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 3, Điều 169 BLLĐ năm 2019 và có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tối thiểu 5 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (iii) NLĐ có độ tuổi thấp hơn 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định trong trường hợp thông thường nhưng có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; (iv) Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở địa phương có tham gia BHXH, khi nghỉ việc có đủ 15-20 năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định; (v) Người bị nhiễm HIV do rủi ro, tai nạn nghề nghiệp trong khi thực hiện công việc.
- NLĐ có đủ 20 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu khi thuộc các trường hợp sau: (i) Lao động có độ tuổi thấp hơn 05 tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2, Điều 169 BLLĐ năm 2019, trừ trường hợp các luật sau đây có quy định khác: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Cơ yếu, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; (ii) Lao động có độ tuổi thấp hơn 05 tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2, Điều 169 BLLĐ năm 2019 và có tối thiểu 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định, hoặc có đủ 15 năm làm việc ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, bao gồm cả khu vực có hệ số phụ cấp từ 0,7 trở lên; (iii) Người bị nhiễm HIV do rủi ro, tai nạn nghề nghiệp trong khi thực hiện công việc.
- NLĐ khi nghỉ việc và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên sẽ được hưởng lương hưu với mức thấp hơn trường hợp thông thường nếu thuộc các trường hợp sau: (i) Độ tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi nghỉ hưu quy định và bị suy giảm khả năng lao động từ 60% - dưới 81%; (ii) Độ tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi nghỉ hưu quy định và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; (iii) Có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
- NLĐ khi nghỉ việc và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên sẽ được hưởng lương hưu với mức thấp hơn trường hợp thông thường nếu thuộc các trường hợp sau: (i) Có độ tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi nghỉ hưu so với quy định; (ii) Có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Thách thức đối với hệ thống hưu trí Việt Nam
Thời gian qua, Việt Nam đã từng bước xây dựng HTHT mang tính toàn diện và hiệu quả, với sự kết hợp giữa BHXH và trợ cấp xã hội. Mặc dù, đã có thành tựu đáng kể, song HTHT Việt Nam vẫn tiếp tục đối diện với khá nhiều thách thức như:
Tốc độ già hóa dân số Việt Nam tăng nhanh: Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73,6 tuổi, trong đó tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi, nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng từ 65,2 tuổi năm 1989 đến năm 2019 là 73,6 tuổi. Mức này hiện nay đã cao hơn so với độ tuổi trung bình của thế giới năm 2019 (72 tuổi) là 1,6 tuổi. Nếu tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì dân số Việt Nam đã già hóa dân số hơn dân số thế giới khoảng 16 năm. Như vậy, tổng thời gian dân số Việt Nam già hóa nhanh so với mức chung của thế giới là khoảng 96 năm. Nguyên nhân là do mức sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Tỷ trọng dân số trên 65 tuổi tăng dần từ 5,8% năm 1999 đến 6,4% năm 2009 và năm 2019 là 7,7%. Xu hướng già hóa dân số còn được thể hiện qua một chỉ tiêu quan trọng là chỉ số già hóa. Chỉ số này được tính bằng tỷ số giữa dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi tính theo phần trăm. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, tính đến năm 2039, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi sẽ chiếm 15% tổng dân số.
Tỷ lệ tham gia BHXH còn thấp: Việc áp dụng Luật BHXH năm 2014 đã mở rộng đáng kể đối tượng tham gia BHXH hưu trí. Từ ngày 1/1/2018, tất cả NLĐ có hợp đồng từ 1 tháng trở lên đều phải tham gia BHXH bắt buộc, kể cả lao động nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, những lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều được tham gia hệ thống BHXH tự nguyện. Vì thế, về mặt lý thuyết, tất cả lao động trong độ tuổi từ 15-60 tuổi đều tham gia BHXH, mức độ bao phủ của hệ thống sẽ là 100%. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng tham gia BHXH hiện nay của lực lượng lao động vẫn còn thấp. Tính đến hết năm 2020, số lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH bắt buộc khoảng 16.164.000 người, đạt tỷ lệ 32,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 390.000 người so với năm 2019, đạt mức tăng 2,47%), trong đó số lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc là 15.036.000 người, còn số lượng tham gia BHXH tự nguyện là 1.128.000 người, tăng 554.000 người so với năm 2019, số lượng gần gấp đôi.
Áp lực đặt ra đối với Quỹ Hưu trí ngày càng lớn: Việc thay đổi cơ cấu dân số hiện nay tạo áp lực ngày càng lớn cho HTHT hiện nay Việt Nam. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, nguồn thu chủ yếu của các Quỹ Hưu trí đang có xu hướng suy giảm dần theo từng năm. Điều này dẫn tới áp lực rất lớn cho quỹ Hưu trí hiện nay. Việc tỷ lệ người đóng ngày càng giảm so với người hưởng và thời gian hưởng, sẽ tạo ra thách thức lớn đối với hệ thống tài chính Quỹ BHXH.
Xây dựng hệ thống hưu trí Việt Nam toàn diện, hiệu quả
Để có thể xây dựng được một HTHT toàn diện, hiệu quả, Tổ chức Lao động Quốc tế khuyến nghị: Việt Nam cần thiết lập một hợp phần hưu trí hiệu quả tài trợ từ thuế, được tích hợp trong hệ thống đa tầng. Hưu trí tài trợ từ thuế là giải pháp quan trọng nhằm bao phủ cho nhiều người đang làm việc tại khu vực phi chính thức và không có khả năng đóng góp khi đi làm. Bên cạnh đó, cần phải lưu ý tới vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, nhất là độ tuổi nghỉ hưu theo luật định để phụ nữ có thêm thời gian tích lũy đóng góp BHXH... Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách của BHXH về quyền và nghĩa vụ đến NLĐ, để họ hiểu rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi khi tham gia BHXH.
Tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng sự tham gia bắt buộc cho tất cả NLĐ có hợp đồng lao động. Nâng cao khả năng quản lý của các cơ quan liên quan đến lao động, đặc biệt là hệ thống BHXH Việt Nam. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành, đặt biệt là giữa cơ quan BHXH và cơ quan thuế để tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ. Đặc biệt, cần hoàn thiện các quy trình tác nghiệp và quản lý thông tin, tăng cường dịch vụ cho khách hàng và tính minh bạch trong việc quản lý các quỹ.
Biện pháp quan trọng nữa là xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ cho người thụ hưởng và xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu chặt chẽ, bảo mật, đáng tin cậy, bao gồm đầy đủ bao gồm cả hồ sơ đóng phí BHXH. Điều này giúp cho cơ quan BHXH Việt Nam hợp nhất và làm sạch số liệu thu thập và tình hình đóng bảo hiểm của cá nhân.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2019), Bộ luật Lao động năm 20219;
2. Quốc hội (2014), Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
3. Mai Đoan (2019), Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới, Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử;
4. Hà Anh (2019), Thách thức từ già hóa dân số, Báo Nhân dân điện tử;
5. ILO (2018), Dự đoán tác động của chế độ hưu trí xã hội;
6. ILO (2019), Báo cáo tóm lược các phương án xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng ở Việt Nam.
(*) ThS. Nguyễn Thị Bích Tuyền - Trường Đại học Văn Lang.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.