Quy định mới về đào tạo, thi, cấp và công nhận chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm


Ngày 16/9/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 65/2019/TT-BTC quy định về nội dung đào tạo, thi, cấp và công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2019.

4 loại chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm gồm: Chứng chỉ tư vấn bảo hiểm; Chứng chỉ đánh giá rủi ro bảo hiểm; Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm; Chứng chỉ hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
4 loại chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm gồm: Chứng chỉ tư vấn bảo hiểm; Chứng chỉ đánh giá rủi ro bảo hiểm; Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm; Chứng chỉ hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Theo đó, kể từ ngày 01/11/2019 cá nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động phụ trợ bảo hiểm như tư vấn bảo hiểm, giám định bảo hiểm… phải có chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm, có 2 hình thức đào tạo chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm là: Đào tạo tại các cơ sở đào tạo; và tự học.

Thông tư số 65/2019/TT-BTC nêu rõ, có 4 loại chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm gồm: Chứng chỉ tư vấn bảo hiểm; Chứng chỉ đánh giá rủi ro bảo hiểm; Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm; Chứng chỉ hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về tổ chức thi, theo đó, Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm. Hình thức thi là thi tập trung.

Việc tổ chức thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm được thực hiện hằng tháng. Trước ngày 31/12 hằng năm, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm phải thông báo cụ thể thời gian, địa điểm tổ chức thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm của năm kế tiếp trên trang thông tin điện tử của Trung tâm.

Căn cứ vào kết quả thi, Trung tâm có trách nhiệm phê duyệt kết quả thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm. Thí sinh dự thi đạt từ 70% tổng số điểm của bài thi trở lên được coi là thi đỗ kỳ thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm. Trung tâm ra Quyết định phê duyệt kết quả thi. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ thi, kết quả thi sẽ được thông báo trên trang thông tin điện tử của Trung tâm và trang thông tin điện tử của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

Việc cấp chứng chỉ được thực hiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Quyết định phê duyệt kết quả thi có hiệu lực. Nội dung đào tạo chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm bao gồm 2 phần: Phần kiến thức chung (các quy định của pháp luật Việt Nam về kinh doanh bảo hiểm, nguyên lý cơ bản về bảo hiểm); Phần kiến thức chuyên môn.

Thông tư cũng quy định rõ nội dung đào tạo đối với từng loại chứng chỉ. Trong đó, đối với chứng chỉ tư vấn bảo hiểm bao gồm: Kiến thức về đối tượng được bảo hiểm; kiến thức về điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quy trình tư vấn về chương trình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro bảo hiểm và đề phòng hạn chế tổn thất.

Đối với chứng chỉ đánh giá rủi ro bảo hiểm gồm: Kiến thức về đối tượng được bảo hiểm; kiến thức về quản lý rủi ro; quy trình đánh giá rủi ro.

Đối với chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm: Kiến thức về đối tượng được bảo hiểm; kiến thức về điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quy trình giám định tổn thất bảo hiểm.

Đối với chứng chỉ hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm: Kiến thức về đối tượng được bảo hiểm; kiến thức về điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quy trình giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Ngoài ra Thông tư cũng quy định việc công nhận chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp. Theo đó, cá nhân có chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do các tổ chức đào tạo bảo hiểm quốc tế cấp như Viện bảo hiểm và tài chính Úc và New Zealand (ANZIIF), Viện bảo hiểm Hoàng Gia Anh (CII), Viện đào tạo bảo hiểm Canada (IIC)… có thể nộp hồ sơ đề nghị công nhận chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm để được Cục quản lý giám sát bảo hiểm xem xét, công nhận và không bắt buộc phải thi lấy chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam.