Quy định mới về giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán
Nhiều quy định mới về giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán được áp dụng từ ngày 01/3/2018.
Ngày 28/6/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 87/2013/TT-BTC (Thông tư 87) về hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán (TTCK), có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2013. Khi áp dụng vào thực tiễn, Thông tư 87 đã mang lại một số kết quả nhất định. Không chỉ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong việc quản lý, giám sát các hoạt động giao dịch điện tử trên TTCK, Thông tư 87 còn giúp các công ty chứng khoán (CTCK) phát huy tốt hoạt động cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến (GDCKTT).
Các quy định tại Thông tư 87 cũng là căn cứ để triển khai hình thức trao đổi thông tin điện tử giữa Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và các thành viên thị trường với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)…
Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, Thông tư 87 đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, hạn chế như: chưa có quy định về yêu cầu dịch vụ giao dịch điện tử đối với các SGDCK, VSD và các tổ chức cung cấp dịch vụ GDCKTT; chưa có quy định yêu cầu về nghĩa vụ cung cấp thông tin, dữ liệu điện tử cho cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát, ngăn chặn các hành vi thao túng thị trường; thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ GDCKTT còn phức tạp, thời gian giải quyết quá dài (35 ngày làm việc)... Do vậy, UBCKNN đã tiến hành nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 87 trình Bộ Tài chính.
Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 87 được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc chính: (i) Đảm bảo phù hợp với quy định tại các văn bản pháp lý có liên quan về giao dịch điện tử như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin…; (ii) Khắc phục được các hạn chế, tồn tại của Thông tư 87 hiện hành, đảm bảo các hoạt động giao dịch điện tử trên TTCK được thực hiện thuận lợi, an toàn; iii) Nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán và nhà đầu tư tham gia thị trường.
Với nguyên tắc như vậy, ngày 19/12/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 134/2017/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch điện tử trên TTCK (Thông tư 134), thay thế Thông tư 87 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2018.
Về bố cục, Thông tư 134 bao gồm 5 Chương, 20 Điều và 8 Phụ lục kèm theo. Về nội dung, Thông tư 134 đã kế thừa một số nội dung quy định tại Thông tư 87 và có bổ sung, thay thế một số nội dung mới như sau:
Đối tượng áp dụng: Ngoài những đối tượng được quy định tại Thông tư 87, Thông tư 134 có bổ sung thêm các đối tượng như: thành viên bù trừ, thành viên lưu ký, văn phòng đại diện, ngân hàng thương mại, đại lý phân phối chứng chỉ quỹ… (Điều 2, Thông tư 134).
Yêu cầu về dịch vụ: Thông tư 134 bổ sung quy định yêu cầu về dịch vụ đối với SGDCK và VSD, bổ sung và thay thế một số nội dung về yêu cầu dịch vụ đối với CTCK, công ty quản lý quỹ (CTQLQ)… Những yêu cầu mới này được thể hiện ở Điều 5, Thông tư 134.
Yêu cầu về hạ tầng, kỹ thuật hệ thống GDTT: Điều 6, Thông tư 134 quy định về môi trường duy trì hệ thống GDCKTT và việc thuê chỗ đặt hệ thống GDCKTT đảm bảo an toàn thông tin mạng và tránh truy cập, khai thác dữ liệu bất hợp pháp, hệ thống GDCKTT phải tích hợp giải pháp có sử dụng chứng thư số, chữ ký số.
Đối với việc cung cấp phương thức giao dịch qua điện thoại thì phải trang bị hệ thống tổng đài cho phép quản lý và tra cứu các cuộc gọi của khách hàng. Đồng thời, Thông tư mới đã bỏ quy định về các thiết bị kỹ thuật phục vụ GDCKTT phải qua kiểm định và chứng nhận của cơ quan chức năng.
Quy định về an ninh bảo mật thông tin và lưu trữ dữ liệu: Kế thừa một số nội dung của Thông tư 87, Thông tư 134 đã bổ sung các yêu cầu về an toàn bảo mật thông tin và lưu trữ dữ liệu trong GDCKTT. Hệ thống phần mềm GDCKTT trước khi đưa vào sử dụng phải được rà soát, quét lỗ hổng bảo mật, định kỳ thực hiện đánh giá rủi ro an toàn thông tin mạng của hệ thống GDCKTT 1 năm 1 lần, phải có các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin mạng và bảo mật dữ liệu hệ thống.
Quy định về xác thực danh tính của nhà đầu tư, về phiếu lệnh điện tử, sử dụng chứng thư số, chữ ký số: Trước kia, việc sử dụng phương pháp xác thực của CTCK đối với các nhà đầu tư còn nhiều rủi ro, chưa đảm bảo an toàn hoạt động GDCKTT và cũng chưa có quy định cụ thể về sử dụng giải pháp chứng thư số và chữ ký số trong giao dịch. Do vậy, Thông tư 134 đã bổ sung thêm quy định về xác thực và phiếu lệnh điện tử.
Theo đó, Thông tư mới đã quy định các giải pháp xác thực danh tính của nhà đầu tư bao gồm: xác thực hai yếu tố, xác thực bằng chứng thư số và các giải pháp xác thực khác được pháp luật cho phép và phù hợp với các quy định của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, nhà đầu tư được lựa chọn giải pháp xác thực do tổ chức cung cấp dịch vụ GDCKTT cung cấp khi đăng ký sử dụng dịch vụ chứng khoán trực tuyến và được đăng ký lại giải pháp xác thực khi có nhu cầu. Đối với phiếu lệnh điện tử, các chứng từ điện tử và ghi âm cuộc gọi đặt lệnh, hủy lệnh của khách hàng phải được lưu trữ ít nhất 10 năm ở dạng nguyên bản (khoản 5, Điều 7, Thông tư 134).
Thủ tục chấp thuận đăng ký cung cấp dịch vụ GDCKTT: Nếu như Thông tư 87 quy định CTCK phải nộp 9 đầu mục tài liệu của hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ GDCKTT thì tại Thông tư 134 (Điều 11) đã rút gọn lại còn 4 đầu mục tài liệu và bỏ đầu mục tài liệu Giấy chứng nhận kiểm định về tính an toàn chất lượng của hệ thống. Đồng thời Thông tư 134 đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục từ 35 ngày làm việc (khoản 3, Điều 10, Thông tư 87) xuống còn 20 ngày làm việc (khoản 3, Điều 12, Thông tư 134).
Chế độ báo cáo: Trên nền Điều 11 của Thông tư 87, Thông tư 134 đã bổ sung quy định: “Trong vòng 24h kể từ khi xảy ra các sự cố nghiêm trọng liên quan đến hệ thống GDCKTT, SGDCK, VSD, CTCK phải gửi báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục số 07” (khoản 4, Điều 14). Đồng thời, đại lý phân phối chứng chỉ quỹ, CTQLQ phải báo cáo UBCKNN tối thiểu 05 ngày làm việc trước khi triển khai hệ thống GDCKTT cho nhà đầu tư. Bổ sung báo cáo năm về tình hình hoạt động GDCKTT tại VSD, CTQLQ, đại lý phân phối chứng chỉ quỹ và báo cáo phải gửi bằng bản điện tử trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm (khoản 5, Điều 14).
Công bố thông tin trong hoạt động GDCKTT: Điều 15, Thông tư 134 đã bổ sung quy định CTCK, đại lý phân phối chứng chỉ quỹ, CTQLQ phải công bố các văn bản quy định về dịch vụ GDCKTT và những rủi ro có thể xảy ra trong GDCKTT cho khách hàng trên trang thông tin điện tử chính thức và trên phần mềm ứng dụng phục vụ GDCKTT của công ty. Các SGDCK, VSD phải công bố các văn bản quy định về hoạt động GDCKTT do mình ban hành trên trang thông tin điện tử. Đồng thời, Thông tư mới đã sửa đổi các nội dung, tiêu chí của các mẫu báo cáo của CTCK, SGDCK và VSD.
Quy định về hoạt động trao đổi thông tin điện tử: Ngoài những quy định tại Thông tư 87, Thông tư 134 có quy định thêm nội dung của hoạt động trao đổi thông tin điện tử, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ trao đổi thông tin điện tử, đối tượng tham gia sử dụng dịch vụ trao đổi thông tin điện tử, việc sử dụng chứng thư số và chữ ký số trong hoạt động trao đổi thông tin điện tử (Điều 16, Thông tư 134).
Đặc biệt, Thông tư 134 đã bổ sung thêm Chương IV quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giao dịch điện tử trên TTCK nhằm đảm bảo các hoạt động GDCKTT được tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật (Điều 17). Cũng tại Chương IV (Điều 18) về kiểm tra, giám sát hoạt động giao dịch điện tử trên TTCK đã bổ sung thêm quy định UBCKNN có trách nhiệm kiểm tra định kỳ hoặc bất thường đối với các tổ chức, cá nhân tham gia GDCKTT trên TTCK.
Đồng thời, Thông tư cũng quy định SGDCK và VSD có trách nhiệm phối hợp giám sát hoạt động GDCKTT của tổ chức cung cấp dịch vụ GDCKTT và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo yêu cầu của UBCKNN. Mặt khác, các tổ chức, cá nhân tham gia GDCKTT trên TTCK có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.